Quản lý, giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác tại các cảng cá

Thanh Hóa có ngư trường rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao nên hằng năm sản lượng khai thác đạt khoảng 130 nghìn tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ hải sản được giám sát qua hệ thống cảng đạt rất thấp. Để góp phần tháo gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác tại các cảng cá trên địa bàn, bảo đảm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát sản lượng thủy sản khai thác tại các cảng cá thông qua việc ghi chép, giao nộp nhật ký hành trình, nhật ký khai thác của ngư dân.

Không cần mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc ghi chép nhật ký hành trình khai thác, ông Viên Đình Sỹ, chủ tàu mang số hiệu TH - 92929 TS ở phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) khi cập cảng, thay vì nộp nhật ký khai thác hành trình giấy thì chỉ cần mở phần mềm trên điện thoại thông minh, đã có thể nộp tất cả các thông tin về vị trí khai thác, sản lượng khai thác... Việc thực hiện ứng dụng công nghệ số này đã giúp ông Sỹ tiết kiệm thời gian, giúp cán bộ cảng cá dễ dàng kiểm soát sản lượng và nắm bắt hành trình khai thác của tàu trên biển.

Ông Sỹ cho biết, năm 2023 tàu của ông được cơ quan chức năng thí điểm lắp đặt, hướng dẫn thuyền trưởng, chủ tàu sử dụng nhật ký khai thác điện tử khi khai thác trên biển. Việc sử dụng nhật ký điện tử giúp ngư dân thuận lợi hơn trong việc ghi chép, bảo quản, khai báo nhật ký khai thác, lại bảo đảm các quy định của pháp luật về ghi, nộp nhật ký khai thác. Nhờ đó, khi cập bất cứ cảng nào, tàu của gia đình ông đều hoàn thành các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy những tiện ích và hiệu quả, ông đã liên hệ cơ quan chức năng để lắp, áp dụng nhật ký điện tử khi khai thác trên biển.

Ông Lê Văn Hân, cán bộ Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn), cho biết: Để kiểm soát tốt sản lượng hải sản khai thác qua các cảng, Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa đã và đang liên kết với một số doanh nghiệp uy tín nhằm tuyên truyền, tập huấn về lắp đặt nhật ký khai thác điện tử cho ngư dân. Đồng thời, hỗ trợ lắp thí điểm trên một số tàu, thuyền, nhất là những tàu khai thác vùng khơi, giúp ngư dân tiếp cận công nghệ hiện đại. Việc lắp đặt, sử dụng rộng rãi nhật ký khai thác điện tử không chỉ giúp ngư dân hoạt động khai thác đúng quy định, giúp ban quản lý các cảng kiểm soát tốt sản lượng qua cảng, mà còn từng bước hướng tới nghề khai thác hiện đại, bền vững.

Thanh Hóa hiện có hơn 6.000 tàu cá, trong đó tàu chiều dài từ 15m trở lên (thuộc diện tham gia đánh bắt vùng khơi) là 1.095 tàu, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt hơn 130 nghìn tấn. Trong đó, chiếm hơn 60% là sản lượng hải sản khai thác vùng khơi. Tuy nhiên, một trong những quy định bắt buộc của EC trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam là 100% sản lượng được khai thác từ tàu đánh bắt vùng khơi phải được giám sát truy suất nguồn gốc tại cảng thông qua báo cáo nhật ký hành trình của từng chuyến khai thác. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh việc giám sát sản lượng khai thác tại các cảng chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ sản lượng giám sát còn thấp. Nguyên nhân được ngành nông nghiệp đưa ra là do hạ tầng các cảng cá xuống cấp, tàu thuyền công suất lớn khó cập cảng; việc ghi chép, giao nộp nhật ký khai thác của ngư dân còn hạn chế...

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, 4 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng hải sản khai thác đạt 43.532 tấn. Trong đó, sản lượng hải sản được giám sát qua 3 cảng cá chỉ định gồm: Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Hới (TP Sầm Sơn) và Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) chỉ đạt 2.251,3 tấn, chiếm gần 5,8% tổng sản lượng khai thác.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa Lê Văn Sáng, cho biết: Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa đã và đang hướng dẫn ngư dân trong việc ghi chép nhật ký bảo đảm báo cáo, kiểm soát sản lượng qua cảng một cách chính xác. Bên cạnh đó, chi cục đấu mối với Cục Thủy sản mở thêm nhiều lớp tập huấn, sử dụng nhật ký khai thác điện tử để bà con ngư dân ứng dụng rộng rãi vào khai thác. Điều này không chỉ bảo đảm quy định về chống khai thác IUU mà còn giúp ngư dân tiết kiệm thời gian, công sức, bảo đảm ghi chép nhật ký khai thác, nhật ký hành trình khi làm việc trên biển.

Đợt kiểm tra về chống khai thác IUU lần thứ 5 dự kiến vào tháng 6/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ tập trung vào việc khắc phục những khuyến nghị trước đó như: Công tác kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát tàu cá ra/vào cảng và hoạt động trên biển; việc giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác thông qua việc ghi chép, thu nộp nhật ký khai thác tại các cảng cá... Do vậy, việc minh bạch hóa thông tin từ công tác quản lý tàu cá ra/vào cảng đến bốc dỡ hàng hóa, giám sát sản lượng hải sản khai thác tại cảng sẽ bảo đảm việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC đạt kết quả cao nhất, góp phần chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU cho ngành thủy sản Việt Nam.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-ly-giam-sat-chat-che-san-luong-thuy-san-khai-thac-tai-cac-cang-ca-213903.htm