Quản lý đất đai ở Tây Bắc: Cần những giải pháp nóng

Giải quyết những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai đòi hỏi phải có hành động quyết liệt, có những giải pháp hữu hiệu, phù hợp thực tế.

LTS: Hàng chục vụ án mạng, hàng trăm vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài ở các tỉnh Tây Bắc những năm gần đây. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn hộ chưa được cấp bìa đỏ cho thấy mức độ báo động về khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở Tây Bắc. Việc giải quyết những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương phải hành động quyết liệt, có những giải pháp hữu hiệu, phù hợp thực tế.

Kỳ 3 cũng là kỳ cuối của loạt phóng sự có nhan đề Quản lý đất đai Tây Bắc: Cần những giải pháp nóng

 Lực lượng chức năng tuyên truyền vận động nhân dân hiểu biết các quy định của pháp luật về đất đai.

Lực lượng chức năng tuyên truyền vận động nhân dân hiểu biết các quy định của pháp luật về đất đai.

Sau sự việc đau lòng xảy ra đối với chính những người đồng bào trên cùng mảnh đất của mình, ông Sùng Sái Mua, 70 tuổi, người dân bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên mới nghĩ đến việc làm sổ đỏ cho những mảnh đất, mảnh nương của mình, tránh hậu quả về sau. Theo ông Mua, với phong tục của đồng bào Mông, làm nương luân canh, tức là khi mảnh nương cũ bạc màu sẽ bỏ hoang một thời gian rồi nhiều năm sau mới quay phát lại thì chỉ có những người cao tuổi, sống lâu năm ở địa bàn mới nắm rõ, còn những người trẻ tuổi sẽ không nắm được lai lịch của đất, dẫn đến phát nhầm, từ đó sinh ra mâu thuẫn.

"Vườn của tôi, tôi rào từ trước nên bây giờ không ai tranh chấp. Nếu Nhà nước, Chính phủ đã có Quyết định kể cả đất nương là phải làm sổ đỏ để khỏi tranh chấp thì tôi cũng sẵn sàng làm", ông Mua nói.

Đại tá Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, khi có xảy ra, nếu các ngành chức năng, nhất là cơ quan quản lý về đất đai không vào cuộc kịp thời, không có những rà soát, tìm hiểm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì sẽ không giải quyết dứt điểm được.

"Đối với lực lượng công an, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành chức năng và cấp ủy chính quyền quan tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc. Chủ động chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động trong công tác nắm tính hình liên quan đến việc tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại trong nhân dân, đặc biệt là vấn đề đất đai. Từ đó để đi sâu, xác minh làm rõ những nguyên nhân của các vụ khiếu kiện, tranh chấp phức tạp để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết một cách đúng đắn, kịp thời", Đại tá Vũ Tiến Dũng cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, đến nay, hầu hết các vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân đã được giải quyết với tỷ lệ ước đạt khoảng 90%.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm những vụ việc tranh chấp đất kéo dài nhiều năm giữa các bản, xã, huyện thì trước hết cần rà soát lại các thủ tục hành chính nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian thực hiện các loại thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân sử dụng đất khi thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đăng Nam cho biết thêm: "UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh cũng như nâng cao hiệu lực hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung hoàn thiện dự án 513 để giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh để nhân dân nắm được các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; để người dân hiểu nguồn gốc sử dụng đất của các hộ và tốt nhất là hòa giải được cái việc tranh chấp đất đai từ cấp cơ sở".

 Sau khi giết người ở Văn Yên, Yên Bái, đối tượng Nguyễn Văn Mạc đã treo cổ tự tử.

Sau khi giết người ở Văn Yên, Yên Bái, đối tượng Nguyễn Văn Mạc đã treo cổ tự tử.

Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân trên địa bàn. Theo ông Phạm Văn Thi, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Sơn La, để hoàn thành mục tiêu này cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, kiến nghị các Bộ, ngành trung ương áp dụng các chính sách cho phù hợp với thực tiễn, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng cao, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn La.

"Chúng tôi cùng với Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh. Đã có những văn bản đề nghị với Bộ Tài chính nghiên cứu hỗ trợ một phần kinh phí cho tỉnh, để triển khai công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu. Hai là đề nghị với Bộ Tài Chính kiến nghị, với Chính phủ làm thế nào cho phép người dân đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao được nợ tiền sử dụng đất với thời hạn dài hơn hiện nay để người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận", ông Thi nói.

Hòa giải, rồi vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là cách làm đang được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở Tây Bắc áp dụng mỗi lần giải quyết tranh chấp đất xảy ra. Thế nhưng, có thể thấy, đây mới chỉ là cách giải quyết tạm thời, mới chỉ xoa dịu trước mắt những nỗi ấm ức bùng phát trong một thời điểm nhất thời của công dân.

 Hiện trường vụ thảm sát ở Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái.

Hiện trường vụ thảm sát ở Lâm Giang, Văn Yên, Yên Bái.

Còn phương án tối ưu là quy hoạch đất chính chủ, phân định rõ ranh giới để cấp sổ đỏ cho những mảnh đất được cất công khai hoang hoặc truyền đời theo mong muốn của đại bộ phận người dân thì vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được thực sự quan tâm, hoặc có muốn làm nhưng vẫn bị vướng nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, tài chính.

Trong khi ngành chức năng vẫn còn những khó khăn trong triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong giải quyết các mâu thuẫn đất đai thì hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy người dân miền núi Tây Bắc sẽ mặn mà với việc đăng kí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tranh chấp đất đai ở nông thôn, miền núi, vùng cao vẫn là bài toán vô cùng khó giải. “Tấc đất - mạng người” vẫn là nỗi ám ảnh với không ít người dân, với mỗi gia đình, mỗi thôn bản ở vùng cao Tây Bắc./.

- Nhiều vụ tranh chấp đất do việc xác định ranh giới đất giữa các hộ gia đình, bản, xã không rõ ràng

- Công tác quản lý về đất đai, nhất là đất nương rẫy của chính quyền cơ sở còn chưa chặt chẽ.

- Đất của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là “cha truyền con nối”, nhiều điểm nhân dân đã quản lý, canh tác từ nhiều đời, nhưng khi phân chia lại, điểm đó lại thuộc địa giới hành chính của xã, huyện khác, dẫn đến tranh chấp.

- Ý dân đây là đất của dân, dân ở đấy lâu năm, vườn đất của dân, nương của dân, dân quản lý, làm sao Nhà nước còn thu tiền nữa, dân nói thế thôi;

- Trên bản mình chưa có nhà nào làm bìa đỏ đâu, ai cũng không có. Đất khai hoang hay đất nhà ở cũng đều chưa có đâu;

- Người dân nói là khó khăn, không có tiền để nộp, do vậy chúng ta không cấp được bìa đất. Khó khăn nữa là những hộ đã nộp tiền sử dụng đất rồi, nhưng tiền đó lại không vào ngân sách. Hiện nay các cơ quan Nhà nước cũng chưa có phương án giải quyết được. Chúng tôi cũng đã có những văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính giải quyết vấn đề này, nhưng trong các quy định của Luật đất đai, cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành đều chưa xử lý đến tình huống này.

Tuyết Lan, Thu Thùy, Đinh Tuấn, Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-ly-dat-dai-o-tay-bac-can-nhung-giai-phap-nong-1013414.vov