Pò Đoi, Thoong Mạ nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc

Nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Kim Đồng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Địa điểm di tích lịch sử Pò Đoi, Thoong Mạ là nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc do Nông Văn Dền, bí danh Kim Đồng là đội trưởng.

Hình ảnh 5 đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng Cứu quốc cùng tuyên thệ tại điểm di tích.

Hình ảnh 5 đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng Cứu quốc cùng tuyên thệ tại điểm di tích.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trở về Tổ quốc sau cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Tháng 5/1941, sau Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, đội ngũ cán bộ cách mạng do Bác Hồ và Đảng ta đào tạo bồi dưỡng trước đó được phân công tỏa về các địa phương trong cả nước để cùng cán bộ, đảng viên vận động nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Trong số cán bộ nói trên, anh Đức Thanh được Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc và Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Quảng. Thời điểm đó, cũng như nhiều thiếu niên, nhi đồng khác, Nông Văn Dền căm thù tội ác của giặc Pháp và bọn lính trên đồn. Sau khi được giới thiệu và nghe anh Đức Thanh trao đổi, nói chuyện về "Ông già cách mạng", về Đoàn thanh niên cứu quốc và Hội Nhi đồng cứu quốc, Dền đã chép lại bản Điều lệ Hội Nhi đồng cứu quốc và trao cho bốn bạn thân thiết nhất cùng có nguyện vọng gia nhập hội tham khảo và học tập.

Ngày 15/5/1941, dưới sự chứng kiến của anh Đức Thanh, 5 thiếu niên gồm: Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Văn Tinh, Lý Thị Nỳ, Lý Thị Xậu bí mật tập hợp dưới chân núi Thoong Mạ, tổ chức họp và thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc theo quyết định của Đảng. Để đảm bảo bí mật, tổ chức đã đặt bí danh cho các đội viên: Nông Văn Dền mang bí danh Kim Đồng (Kim Đồng có ý nghĩa là một thiếu niên nhỏ tuổi, quý như vàng); Nông Văn Thàn là Cao Sơn (Cao Sơn tức là người có đức hạnh như ngọn núi cao); Lý Văn Tinh là Thanh Minh (Thanh Minh có nghĩa là trong sáng); Lý Thị Xậu là Thanh Thủy (có nghĩa là làn nước trong xanh, tinh khiết); Lý Thị Nỳ là Thủy Tiên (có nghĩa là hoa tiên bên suối)… Tại cuộc họp đã thống nhất bầu Kim Đồng làm đội trưởng. Mục đích của Đội là "Đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà". Với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng… Cả 5 đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc đã cùng tuyên thệ “Trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật, dù có phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân và cách mạng”.

Rạng sáng ngày 15/2/1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Địch phát hiện và cho một lực lượng khá lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hỏa lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 14 tuổi, anh đã nêu tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên và người dân Việt Nam. Ngày 23/9/1997, Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà bia lưu niệm tưởng nhớ sự kiện thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc và ghi danh những thành viên trong đội.

Nhà bia lưu niệm tưởng nhớ sự kiện thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc và ghi danh những thành viên trong đội.

Để tưởng nhớ sự kiện thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc và ghi danh những thành viên trong đội, Địa điểm di tích Pò Đoi, Thoong Mạ nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc được xây dựng nhà bia lưu niệm. Công trình có diện tích 78m2, phía bên trong dựng bia đá ngũ giác cao 3m, ghi lại lịch sử thành lập Đội, mặt sau là tên và bí danh của 5 đội viên đầu tiên, trong đó ghi rõ Kim Đồng là đội trưởng… Hằng năm, địa điểm di tích đón hàng nghìn khách tham quan, đặc biệt là các đoàn thiếu nhi, đội viên trên khắp mọi miền Tổ quốc về đây ôn lại truyền thống vẻ vang, niềm tự hào của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Đây là địa chỉ đỏ, lưu giữ câu chuyện về cuộc đời, sự hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sĩ Kim Đồng và những người đội viên nhỏ tuổi, cũng như truyền thống lịch sử anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.

P.V (T/h)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/po-doi-thoong-ma-noi-thanh-lap-doi-nhi-dong-cuu-quoc-3169227.html