Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tập trung cao độ, làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm tổ chức thành công Kỳ họp thứ Bảy

Sáng nay, 9.5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã chủ trì họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tổng kết công tác chủ yếu tháng 4 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 5.2024 và những tháng tiếp theo.

Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban của Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường hợp tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ các quy trình, thủ tục, nhất là công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy - đây là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Kỳ họp thứ Bảy phải khắc phục cho được việc gửi tài liệu chậm. Theo đó, Chính phủ cần bảo đảm gửi ngay tất cả các báo cáo có liên quan cho đại biểu Quốc hội và tiếp tục gửi khi có báo cáo điều chỉnh, bổ sung. "Tinh thần là có tài liệu gì phải cập nhật, gửi ngay để đại biểu Quốc hội có thông tin và nghiên cứu trước". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự thảo luật, 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến lần đầu với 10 dự án luật khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, tại Kỳ họp thứ Bảy tới, tiếp tục tăng cường, củng cố niềm tin, sự kiên định, tính chuyên nghiệp để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; nêu rõ, "tinh thần của các Phó Chủ tịch Quốc hội là sẵn sàng bố trí thời gian ngoài giờ làm việc, kể cả thứ bảy, chủ nhật”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, vừa qua đã ký báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, gồm: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ngoài cuộc họp thường kỳ thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thì các Phó Chủ tịch Quốc hội sẵn sàng cùng vào cuộc, trên tinh thần “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó”, đi đến cuối cùng là thông qua luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5.2024, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, tích cực, chủ động, tập trung cao độ và triển khai toàn diện các công việc để sớm hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác năm 2024; đồng thời, xử lý kịp thời, hiệu quả những công việc gấp, mới phát sinh.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp các nhiệm vụ và tiến độ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy và Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó, chủ động đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Về đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và các tháng tiếp theo năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương; ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban hàng tháng của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Triển khai tích cực các nhiệm vụ và công việc khác trong Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội và trong Kế hoạch số 2272-KH/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội; tham gia ý kiến về các nội dung, đề án theo sự phân công, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tham mưu, phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình công tác quý II.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phiên họp thường kỳ thứ 33 (tháng 5.2023). Đồng thời chủ động, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22.1.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ các nội dung thuộc công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ Bảy.

Xử lý ngày đêm những vấn đề còn tồn đọng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và phải có sản phẩm

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tất cả 9 ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều rất xây dựng, tâm huyết và đề nghị tiếp thu ý kiến, rà soát kỹ lại tiến độ công việc đang chậm để thông báo cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban với tinh thần phải làm sao "nói ít, làm nhiều", những vấn đề còn tồn đọng phải xử lý ngày đêm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và phải có sản phẩm”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, hoàn thiện báo cáo để phát hành. Đặc biệt, cần rà soát kỹ các việc đang chậm tiến độ, nhất là các việc được xác định trọng tâm, trọng điểm, làm rõ nguyên nhân, cần thiết có giải pháp sớm khắc phục.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, lãnh đạo Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận: Trong tháng 4 và đầu tháng 5.2024, khối lượng công việc rất lớn, gồm cả các nhiệm vụ theo kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất phát sinh, song các cơ quan đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt.

Cụ thể, đã kịp thời tham mưu chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Bảy, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Tập trung cao độ để tham mưu, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy; tham mưu chuẩn bị tốt phiên họp chuyên đề pháp luật và phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, một số nội dung khác theo thẩm quyền. Chủ động tham mưu triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động đối ngoại được tham mưu, chuẩn bị chu đáo, thiết thực, hiệu quả, bám sát định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Công tác đại biểu, dân nguyện, nghiên cứu khoa học, việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ, bảo, quản lý tài chính, tài sản, an ninh an toàn… tiếp tục được triển khai hiệu quả, ổn định.

Lưu ý, trong tháng 5 này, khối lượng công việc cần triển khai là rất lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, tổ chức công việc khoa học, hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo. "Việc gì giải quyết được ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thì mạnh dạn giải quyết, việc khó trình lên lãnh đạo Quốc hội; chú ý viết báo cáo gọn, rõ, tập trung, phải bảo đảm dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặc biệt lưu ý một số nội dung quan trọng:

Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận của Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước và của Lãnh đạo Quốc hội; tham mưu thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, hiện nay chúng ta cơ bản hoàn thành 86/107 nhiệm vụ (đạt 80,37%) thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; và có hai yêu cầu đặt ra, đó là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và rà soát các nội dung, đề án còn lại để điều chỉnh, cập nhật tiến độ, bổ sung nhiệm vụ, cố gắng cuối năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ.

Các đại biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Thứ hai, ưu tiên, tập trung tối đa, mọi mặt để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ Bảy cả về nội dung và các điều kiện bảo đảm. Trong đó lưu ý, đối với các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đủ điều kiện trình Quốc hội, cần khẩn trương hoàn thiện tài liệu hoặc đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

"Những việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản thì cân nhắc, cần thiết vẫn đưa vào thông báo kết luận". Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện đúng quy định tại Điều 27, 28 Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung.

Đối với một số nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra để tham mưu xây dựng Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Bộ Chính trị ngay sau khi kết thúc phiên họp.

Tinh thần là không chờ, phải có sự chủ động từ sớm, từ xa

Nhấn mạnh, thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII sát với thời gian khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan cần bám sát Chương trình, nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, đặc biệt những nội dung có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy để phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động, kịp thời chuẩn bị hồ sơ tài liệu.

Các đại biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Cho biết, khối lượng nội dung trình tại Kỳ họp thứ Bảy rất lớn (dự kiến thông qua 10 luật, 3 nghị quyết, cho ý kiến về 11 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình Kỳ họp khoa học, chặt chẽ, hợp lý, tính khả thi cao. Các cơ quan chủ trì nội dung cần chủ động, xây dựng kế hoạch cụ thể về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội thông qua.

Theo thông tin cập nhật của Văn phòng Quốc hội đến hết ngày 8.5 vừa qua, đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua, mới có 4/13 nội dung đã gửi Tờ trình, 13/13 nội dung chưa gửi Báo cáo giải trình, thẩm tra. Đối với nội dung trình Quốc hội cho ý kiến, mới có 6/11 nội dung đã gửi Tờ trình; 11/11 nội dung chưa gửi Báo cáo thẩm tra. Đối với các nội dung mặc dù đã gửi Tờ trình, song cũng rất chậm, mới gửi trong các ngày 5, 6 và 7.5. Một số hồ sơ do Chính phủ gửi sang chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng thẩm tra. Lưu ý vấn đề tiến độ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan quán triệt tinh thần "không chờ, phải có sự chủ động từ sớm, từ xa".

Đối với các cơ quan trình gửi chậm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cân nhắc hình thức có văn bản đôn đốc kịp thời.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu “các Ủy ban chủ động thẩm tra ngay từ bây giờ với tinh thần là không chờ; và phải bảo đảm nguyên tắc, tài liệu đủ điều kiện bảo đảm về quy trình, nội dung, thời gian trình, gửi thì mới chấp nhận đưa vào phiên họp và kỳ họp”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Ban Dân nguyện tiếp tục chủ trì triển khai công tác tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội trong thời gian diễn ra Kỳ họp, không để xảy ra tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người tập trung tại gần Tòa nhà Quốc hội, nơi ăn, nghỉ của đại biểu Quốc hội và trên các tuyến đường từ nơi nghỉ của đại biểu Quốc hội đến Nhà Quốc hội.

Khẩn trương hoàn thành việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn theo tiến độ đề ra; đôn đốc các cơ quan gửi báo cáo và tham mưu, phục vụ tốt hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy. Tổ chức triển khai tốt nghiệp vụ thư ký tại Kỳ họp.

Các đại biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Đáng lưu ý, cần tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện nghiêm túc, thận trọng quy trình tổ chức, kiểm duyệt, đăng tải thông tin, không để xảy ra các sai sót, sự cố truyền thông. Chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, triển khai hiệu quả công tác lễ tân, hậu cần, kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, an ninh, an toàn và các điều kiện bảo đảm khác để phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp. Thường xuyên kiểm tra, thử vận hành, không để xảy ra bất kỳ sơ sót, trục trặc, lỗi kỹ thuật nào.

Để triển khai đồng loạt các tuyến công việc nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cần thường xuyên họp nội bộ, trước, trong, sau kỳ họp, phiên họp để rà soát, chấn chỉnh, kịp thời rút kinh nghiệm, "phân vai" các Phó Chủ nhiệm các mảng công việc, đề cao sự phối hợp, tương trợ.

Kỷ cương, kỷ luật, nghiêm minh

Đối với các nhiệm vụ khác, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch, trong đó, chủ động, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch 81/KH - UBTVQH15 và Kế hoạch 734/KH - UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường xuyên rà soát, báo cáo, đề xuất nhiệm vụ lập pháp mới, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Tiếp tục tham mưu triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, “tích cực triển khai các hoạt động hướng đến Kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, bảo đảm kế hoạch, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đến hạn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tham mưu, phục vụ chu đáo, hiệu quả các hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội thăm, làm việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị và theo phân công của Thường trực Ban Bí thư. Giao Thường trực Ủy ban Đối ngoại tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024, chủ động tham mưu điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế và bảo đảm thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quy chế số 272 ngày 21.1.2015 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hồ Long

Tham mưu, phục vụ Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ; đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Đảng, pháp luật hiện hành và phù hợp tình hình thực tế.

Với việc triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện chính sách tiền lương mới từ tháng 7.2024, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: “Phải quan tâm đến chế độ, chính sách, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Cùng với đó, cần triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục nâng cao ý thức để thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

"Công tác tư tưởng chính trị, nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc này cần thiết hơn bao giờ hết, trong đó, niềm tin, sự kiên định, làm tốt nhiệm vụ, sự đoàn kết, nhất trí trong công việc, với đồng chí, đồng nghiệp cần tiếp tục được củng cố và phát huy”. Nhấn mạnh tinh thần này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Phải kỷ cương, kỷ luật, nghiêm minh”; đề cao trách nhiệm nêu gương, coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản biện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-chu-tri-hop-giao-ban-cua-lanh-dao-quoc-hoi-va-thuong-truc-cac-co-quan-cua-quoc-hoi-i370957/