Phim lỗ hơn 20 tỷ đồng, đạo diễn: 'Tôi thương nhất Xuân Lan'

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cho biết doanh thu 'Cái giá của hạnh phúc' nằm ngoài kỳ vọng của anh và ê-kíp. Bản thân anh rút ra nhiều bài học sau dự án đầu tay.

Cái giá của hạnh phúc đến từ đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm và vợ anh, nhà sản xuất Xuân Lan là phim Việt thứ 6 đối diện tình trạng lỗ nặng, tính từ đầu năm đến nay.

Theo tính toán sơ bộ, Cái giá của hạnh phúc có khả năng lỗ hơn 20 tỷ đồng.

Kết thúc hành trình tại rạp Việt, đạo diễn cho biết đã có kế hoạch phát hành phim ở nước ngoài và nền tảng trực tuyến để cải thiện doanh thu.

"Vợ tôi, trong vai trò vừa là nhà sản xuất, vừa là diễn viên chính, phải chịu trách nhiệm về nhiều mặt. Vì thế, tôi thương nhất là Xuân Lan", Nguyễn Ngọc Lâm nói với Tri thức - Znews.

"Tôi thương nhất Xuân Lan"

- 'Cái giá của hạnh phúc' đã kết thúc hành trình ở màn ảnh rộng. Phim đối diện nguy cơ thua lỗ nặng. So với mức độ đầu tư lẫn kỳ vọng đặt để vào dự án đầu tay, tâm trạng hiện giờ của anh ra sao?

- Đến thời điểm này, tôi chỉ có thể khẳng định là phim không lỗ. Bởi việc phát hành tại rạp Việt mới chỉ là giai đoạn đầu. Theo kế hoạch, phim còn chiếu ở Mỹ, châu Âu. Trong tương lai gần, Cái giá của hạnh phúc còn phát hành trên các nền tảng VOD. Chúng tôi cũng đang thương thảo với các đối tác để chiếu phim trên máy bay.

Nhưng phải nói thật, so với kỳ vọng, doanh thu tại rạp nội địa thế này hơi thấp. Bản thân tôi là người sáng tạo, không để mình bị vấn đề doanh thu hay chi phí đầu tư chi phối quá nhiều. Vợ tôi, trong vai trò vừa là nhà sản xuất, vừa là diễn viên chính, phải chịu trách nhiệm về nhiều mặt. Vì thế, tôi thương nhất là Xuân Lan.

 Vợ chồng đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm - Xuân Lan và dàn diễn viên trong phim.

Vợ chồng đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm - Xuân Lan và dàn diễn viên trong phim.

- Bài học lớn nhất được rút ra?

- Thật sự, ngoài Trấn Thành và anh Lý Hải, khó đạo diễn nào chinh phục được số đông khán giả. Điều tôi thấy mình thiếu nhất là sự am hiểu về thị hiếu của người xem trong nước. Phim bị giới hạn về độ tuổi. Và đề tài của phim thì không hấp dẫn khán giả trẻ lắm.

Xuân Lan là người rất muốn theo đuổi đề tài này. Sau đó, tôi mới bắt tay vào nghiên cứu đề cương, kịch bản. Tôi cũng thấy điện ảnh Việt đang thiếu những đề tài như vậy.

- Thật ra, điện ảnh Việt không thiếu những phim có đề tài về tiểu tam, ngoại tình như anh nói. Ngược lại còn đầy rẫy trên màn ảnh. Gần nhất có 'Quý cô thừa kế' rồi 'Chiếm đoạt'?

- Đa số các nhà làm phim thường dùng sex để nói về chủ đề ngoại tình, tiểu tam. Còn tôi muốn khai thác từ góc nhìn của người vợ. Đó là một phụ nữ mạnh mẽ nhưng phải chịu đựng hết tất cả bi kịch và các vấn đề trong gia đình. Tôi không phải khai thác góc đàn ông “ăn vụng” thế nào.

"Tôi tôn trọng khán giả"

- Sự tranh cãi bủa vây dự án của anh, nhất là ở chặng cuối. Trong đó, kịch bản bị chê khá nhiều. Anh đón nhận thế nào?

- Tôi thấy đúng. Khán giả coi phim từ cảm xúc. Khi họ bỏ tiền ra mua vé xem, dĩ nhiên có quyền đánh giá và nêu quan điểm cá nhân. Khán giả luôn đúng. Nếu đạo diễn làm phim cho người xem nhưng không khiến họ hài lòng, đạo diễn là người sai. Đây cũng là bài học lớn nhất của tôi.

Tôi cũng hoạt động trong ngành được 30 năm rồi. Tôi biết mình thế nào. Vì thế, tôi cũng khá bình tĩnh khi đón nhận những khen chê. Ở một góc độ nào đó, nhất là khâu phát hành, phim không được lan tỏa. Nhưng tôi không lung lay đâu. Ai tiếp xúc với tôi sẽ hiểu. Nếu là cà phê, tôi chỉ uống espresso, đen, không đường. Nếu bắt tôi làm một "ly trà" cho giới trẻ, điều đó cũng khó.

- Nói vậy là anh sẽ không thay đổi phong cách làm phim để phù hợp thị hiếu khán giả?

- Đây cũng là câu hỏi mà tôi tự vấn bản thân nhiều lần từ khi bước chân vào con đường này. Ở vai trò đạo diễn, tôi chỉ có một cách kể chuyện. Tôi muốn có trách nhiệm với khán giả thông qua từng khung hình, góc máy, âm nhạc, ẩn dụ.

Còn về đề tài, tôi vẫn định hướng về gia đình. Đề tài này không cũ, không mới nhưng có những góc cạnh riêng, vẫn khai thác được.

- Trong vai trò đạo diễn, anh khá bình tĩnh trước những khen chê. Song vợ anh, Xuân Lan lại căng thẳng. Có thời điểm, nhà sản xuất còn phản ứng, đối chất với những ý kiến trái chiều?

- Tôi nghĩ những người thích Cái giá của hạnh phúc, cũng mất bình tĩnh khi nghe những lời đánh giá về phim như vậy, không chỉ vợ tôi đâu. Tôi đọc hết những lời phê bình.

Khi về Việt Nam làm phim, tôi không hiểu những nhà phê bình thường đánh giá phim bằng những góc độ gì. Còn quan điểm của tôi, một nhà phê bình điều tối kỵ nhất là không được spoil (tiết lộ tình tiết quan trọng của phim - PV). Nhiều lúc tôi tự hỏi mấy bạn phê bình trên mạng đó có biết cách xem phim hay có xem phim kỹ không mà lại phán xét một câu chuyện như vậy.

Thế nên tôi sẽ không coi họ là nhà phê bình gì cả, họ viết trên mạng mà. Họ là khán giả thôi, không được coi là nhà phê bình. Đối với tôi, khán giả khen, chê hay thậm chí spoil phim đều không sao. Vì khán giả là khách hàng. Người ta làm rất cực khổ để có đủ số tiền mua một vé xem phim, xong lại ngồi hai tiếng trong rạp theo dõi tác phẩm. Nếu đạo diễn không khiến họ hài lòng, người ta có quyền lên tiếng chứ.

Vợ bức xúc, tôi thông cảm. Song tôi không lên tiếng hay có bất cứ phản ứng gì. Mọi việc cũng qua rồi.

Thái Hòa khác biệt

- Khi phim đón nhận những tranh cãi, Thái Hòa có chia sẻ gì với anh và Xuân Lan?

- Sau Cái giá của hạnh phúc, anh Thái Hòa tập trung cho Địa đạo. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa nói chuyện lại. Hai anh em đang hẹn một ngày gần nhất, khi anh Thái Hòa quay xong để gặp nhau, ăn uống tại nhà tôi. Anh Thái Hòa rất mê món beefsteak của Xuân Lan.

Tôi hay anh Thái Hòa giống nhau ở chỗ là đều không bị truyền thông hay những cây viết về phim gây ảnh hưởng.

 Đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm đánh giá cao Thái Hòa.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm đánh giá cao Thái Hòa.

- Không ít ý kiến nhận định Thái Hòa bị lãng phí trong 'Cái giá của hạnh phúc'. Đây cũng là phim có doanh thu thấp nhất của Thái Hòa trong 5 năm qua. Ở góc độ đạo diễn, anh có thấy có lỗi với Thái Hòa?

- Anh Thái Hòa là người rất nghiêm khắc với bản thân và các dự án. Song khi tôi đưa kịch bản, anh thích câu chuyện và nhân vật Đinh Công Thoại. Anh cũng muốn mang lại sự khác biệt so với các vai trước đây từng đóng.

Tôi đã làm việc ở vai trò nhà sản xuất nhiều năm và quan sát, hợp tác với không ít diễn viên. Nhưng phải khẳng định Thái Hòa là nam diễn viên tôi thích nhất. Tôi may mắn vì có anh Thái Hòa ở tác phẩm đầu tay. Tôi được anh truyền năng lượng rất nhiều.

Trong quá trình làm phim, tôi và anh thường xuyên trao đổi về mọi tình tiết, các cảnh trong phim. Mỗi người diễn viên luôn có kế hoạch riêng để chuẩn bị cho nhân vật của mình. Riêng anh Thái Hòa dành khá nhiều thời gian để ngâm, nghiền ngẫm nhân vật. Khi đã thấm được nhân vật, anh gọi điện cho tôi liên tục và nói ‘chỗ này anh muốn thế này, làm gì’… Ở vai trò đạo diễn, tôi cũng góp ý cho anh về tướng đi, thói quen để phù hợp với nhân vật doanh nhân Đinh Công Thoại.

Tôi thích diễn viên được tự do sáng tạo. Nghề này, bản thân đạo diễn hay diễn viên đều ích kỷ. Họ đều muốn những gì tốt nhất cho mình. Trách nhiệm của đạo diễn là lựa lọc lại cái tốt nhất và phù hợp cho dự án.

- Sự khác biệt của Thái Hòa so với các diễn viên anh từng hợp tác?

- Một diễn viên đều có signature riêng. Song Thái Hòa khác biệt. Ví dụ, ngay ngày đầu tiên nhận kịch bản, anh ấy đã ký tên mình trên kịch bản là Đinh Công Thoại. Nghĩa là anh cho phép mình kể từ giây phút này là Đinh Công Thoại chứ không còn là Thái Hòa nữa.

Điều này khiến tôi khá bất ngờ. Trên thế giới, những diễn viên nổi tiếng của Mỹ hay những ngôi sao từng đoạt giải Oscar mới có tư duy này. Họ tìm cách tạo ra hướng đi khác, tiếng nói khác cho nhân vật.

Nếu mọi người có dịp thấy cuốn kịch bản mà anh Thái Hòa cầm, sẽ thấy những dòng note chi chít trong đó. Những dòng chữ anh viết ra còn dày hơn cả kịch bản gốc.

Phim của Lý Hải không phải gu tôi

- Gần đây, giới phê bình lẫn khán giả tập trung bàn về hiện tượng Lý Hải, Trấn Thành - hai đạo diễn nghìn tỷ đồng của điện ảnh Việt. Góc nhìn của anh?

- Khi về Việt Nam làm phim, tôi rất chịu khó theo dõi phim Việt. Tôi thích nhất là cách anh Hàm Trần kể chuyện, thích góc máy của Victor Vũ và cách xử lý hài của đạo diễn Charlie Nguyễn.

 Đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cho biết sau khi rời rạp Việt, Cái giá của hạnh phúc sẽ công chiếu tại một số nước khác và phát hành trên nền tảng trực tuyến.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cho biết sau khi rời rạp Việt, Cái giá của hạnh phúc sẽ công chiếu tại một số nước khác và phát hành trên nền tảng trực tuyến.

Song mỗi người một phong cách làm phim. Tôi chỉ xem chứ không bị ảnh hưởng bởi có cách kể chuyện riêng.

Về anh Lý Hải, đây là người mà ai cũng mong muốn trở thành. Tôi thích cách anh làm phim đánh trúng thị hiếu khán giả. Nhưng nói thật là phim của anh Lý Hải không phải gu tôi. Lật mặt 7 là phim xem được nhất trong các phần của anh Lý Hải.

Còn Trấn Thành có Bố già là tôi thích nhất. Sau 3 phim, Trấn Thành cũng cho thấy khả năng kể chuyện thú vị.

- Anh học được gì từ họ?

- Tôi nghĩ mọi người phải hiểu Trấn Thành và Lý Hải đã trải qua thời gian rất dài mới tạo được thành tích trên. Không thể một sáng thức dậy, bạn mong ước trở thành hai người trên và hiện thực hóa đâu.

Tất nhiên, tôi hay các đạo diễn khác cũng tìm hiểu về công thức làm phim của Trấn Thành, Lý Hải. Nhưng không phải ai cũng làm được.

Ví dụ, cũng là phim Lật mặt nhưng nếu là đạo diễn khác, chưa chắc có doanh thu cao như vậy. Khán giả yêu Lý Hải vì con người của anh hơn là điện ảnh. Nhiều fan coi anh Lý Hải như người thân trong gia đình. Tôi nghĩ vậy. Còn Trấn Thành biết cách kể chuyện và hiểu được cách sống, lời ăn tiếng nói của người lao động.

Tôi từng nói với những người bạn của mình rằng làm phim ở Việt Nam rất khó. Các đạo diễn Việt kiều như tôi, từng thất bại ở nơi nào đó, mới trở về đây làm phim và được khán giả đón nhận. Vì thế, chúng tôi phải mang ơn khán giả và đền đáp họ qua các sản phẩm tử tế, chỉn chu.

Tâm An

Nguồn Znews: https://znews.vn/phim-lo-hon-20-ty-dong-dao-dien-toi-thuong-nhat-xuan-lan-post1476071.html