Phiên thảo luận 'Tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An'

'Tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An' tiếp tục phiên thảo luận với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc.

Các đại biểu điều hành phiên thảo luận.

Các đại biểu điều hành phiên thảo luận.

Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch điều hành thảo luận.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Di sản là tài sản của quá khứ kết tinh lại. Tuy nhiên, khác với các loại tài sản khác, Di sản là dạng tài sản đặc biệt, thông qua những cơ chế đặc thù để chuyển hóa thành các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững. Muốn chuyển hóa được tài sản đó thì phải nhận diện được hình thái, bản chất, từ đó nghiên cứu, phục dựng làm cơ sở để Ninh Bình khai thác phục vụ mục tiêu hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Xung quanh các kiến thức liên ngành khác như dân tộc học, lịch sử học, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các chuyên gia sẽ làm rõ hơn đặc điểm tổ chức của không gian tộc người Ninh Bình, không gian Việt Mường. Từ đó có thêm các luận cứ khoa học làm giàu thêm giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông.

Ngoài ra các tri thức bản địa như: công nghiệp ẩm thực, kiến trúc công trình phục vụ du khách cũng là những nội dung cần được lưu ý nhằm phục vụ du lịch phát triển hài hòa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh về tinh thần dân tộc, khát vọng quốc gia được thể hiện trong nhiều nội dung dọc chiều dài lịch sử Cố đô như y tế, ca nhạc, lễ hội dân gian, tín ngưỡng, kiến trúc…, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để Ninh Bình phát triển kinh tế Di sản dựa trên những giá trị bản địa, lịch sử vốn có. Đây cũng là định hướng mà Ninh Bình đang tập trung khai thác để phù hợp với yêu cầu của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của Di sản.

Thông qua Tọa đàm sẽ mang đến những luận cứ khoa học để Ninh Bình tiếp tục định dạng từng loại di sản nhằm làm rõ hơn giá trị riêng biệt của Tràng An. Đồng thời, Tọa đàm sẽ góp phần quan trọng để tỉnh hướng tới việc xây dựng bộ lịch sử mang đúng tầm vóc, chiều dài lịch sử của vùng đất Cố đô, đặc biệt từ trước thế kỷ X.

* Tham luận tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trình bày nội dung "Di sản địa chất tại Quần thể Danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch". Theo đó, khi Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã đáp ứng cả 3 tiêu chí về văn hóa, thẩm mỹ, giá trị địa chất địa mạo.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trình bày tại Tọa đàm.

Vì thế, Ninh Bình có thể khai thác loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, trong đó có du lịch địa chất. Đây là loại hình du lịch văn hóa-sinh thái mới, có thể phát triển ở những khu vực có các đặc điểm, giá trị địa chất quan trọng, nhằm làm giàu thêm nội dung, nâng cao chất lượng du lịch nói chung và thu hút du khách.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản địa chất gắn với du lịch ở Quần thể danh thắng Tràng An cần huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các điểm tham quan và cảnh quan xung quanh cũng như phát triển các cơ hội sinh kế; đồng thời phát triển hệ thống các sản phẩm địa phương chất lượng, gắn với nhãn mác công viên địa chất.

*PGS. TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo, đặc sắc và đặc biệt hơn là di sản văn hóa gắn liền với quá trình quần tụ trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

PGS. TS.Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam tham luận tại Tọa đàm.

Để đánh thức tính độc đáo của Di sản này, Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân trên lãnh thổ Tràng An. Trước hết phải xây dựng các tour hành trình Di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng. Bài học này đã được khẳng định ở nhiều điểm du lịch, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.

*TS. Mai Thanh Sơn, Hội Dân tộc học và Nhân văn Việt Nam tham luận với nội dung "Văn hóa sông nước Ninh Bình và triển vọng khai thác trong du lịch". Ninh Bình có hệ thống sông suối dày đặc, với các hệ thống sông lớn như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bôi, sông Vạc, sông Vân Sàng...

TS. Mai Thanh Sơn, Hội Dân tộc học và Nhân văn Việt Nam tham luận với nội dung "Văn hóa sông nước Ninh Bình và triển vọng khai thác trong du lịch".

Văn hóa sông nước đã trở thành một trong những trụ cột của văn hóa Ninh Bình và cần được khai thác trong phát triển kinh tế du lịch. Du lịch văn hóa sông nước sẽ góp phần đa dạng hóa loại hình cũng như các sản phẩm du lịch Ninh Bình, tăng sức chứa, giảm tải cho vùng trọng điểm hiện nay, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Đề xuất nhóm giải pháp để phát triển du lịch, TS. Mai Thanh Sơn cho rằng, cần có nghiên cứu và thống kê Di sản, xây dựng các phương án khai thác tiềm năng và đề xuất lên các cấp có thẩm quyền. Chính quyền địa phương cần có chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sông nước. Đối với các cơ quan chuyên môn cần xác định các loại hình du lịch, xây dựng các kịch bản, thiết kế tour tuyến, điểm khám phá, trải nghiệm, huy động các nguồn lực và xây dựng giải pháp kết nối nội và ngoại vùng.

*Tham luận với nội dung "Khai thác tiềm năng khảo cổ học phong phú của Tràng An nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau", TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam đề xuất một số sản phẩm du lịch khảo cổ học cho khu Di sản Tràng An.

TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam đề xuất một số sản phẩm du lịch khảo cổ học cho khu Di sản Tràng An.

Một số sản phẩm du lịch có thể phát triển như: Thăm các di chỉ hang động tiền sử; thăm các di chỉ khảo cổ học lịch sử; cắm trại trải nghiệm không gian lịch sử kết hợp với các trải nghiệm thiên nhiên và sinh thái; cắm trại, sáng tác, biểu diễn và sáng tạo với các chủ đề có liên quan đến khảo cổ học, lịch sử và với thiên nhiên, môi trường.

Để khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch này, Ninh Bình nên phân khu hợp lý cho các chức năng và loại hình hoạt động du lịch khác nhau. Cần đổi mới phương thức trưng bày, diễn giải, áp dụng một cách hợp lý các phương tiện, kỹ thuật, phương pháp trưng bày hiện đại nhằm thể hiện các câu chuyện lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn. Cùng với đó, việc đào tạo nhân sự để hướng dẫn, diễn giải cho các gói sản phẩm khác nhau liên quan đến khảo cổ học cũng là yêu cầu rất cần thiết.

*Nhấn mạnh đến "Vai trò của hệ thống di tích thời Trần phục vụ phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh Ninh Bình", TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học cho rằng hệ thống di tích thời Trần có giá trị lịch sử văn hóa rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, Ninh Bình cần có những định hướng để phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch. Trong đó tập trung sử dụng thủ pháp thiết kế kiến trúc cảnh quan theo hướng công viên Di sản văn hóa-khảo cổ-lịch sử.

TS. Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học nhấn mạnh đến "Vai trò của hệ thống di tích thời Trần phục vụ phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh Ninh Bình".

*Ông Bùi Văn Tự, Công ty cổ phần Ánh sáng Điêu khắc Đại Việt mang đến Tọa đàm một số ý tưởng về không gian trải nghiệm với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng có tên gọi "Lịch sử Tràng An-Từ ngọn lửa đầu tiên cho đến những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới" bao gồm 3 nội dung: Người Tràng An thời tiền sử; Cuộc cách mạng nông nghiệp tại Tràng An; Tràng An hôm nay bảo tồn và phát triển.

Ông Bùi Văn Tự, Công ty cổ phần Ánh sáng Điêu khắc Đại Việt trình bày ý tưởng về không gian trải nghiệm với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

*PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận với góc nhìn về tài nguyên kinh tế du lịch Di sản từ thương hiệu Đô thị Di sản thiên niên kỷ. Từ đó đề xuất hệ thống các công cụ để lượng giá hệ sinh thái Di sản như việc lồng ghép các giá trị hệ sinh thái Di sản vào các chiến lược hành động đột phá của Đô thị Di sản thiên niên kỷ. Ninh Bình cần chú trọng hồi sinh các nghề, làng nghề truyền thống và tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa như: thời trang, âm nhạc, phim ảnh, diễn xướng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận với góc nhìn về tài nguyên kinh tế du lịch Di sản từ thương hiệu Đô thị Di sản thiên niên kỷ.

*GS.TS. Trương Quốc Bình, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa tham luận và đề xuất một số giải pháp về chính sách, công tác quản lý nhà nước, quy hoạch, giáo dục cộng đồng để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa.

GS.TS. Trương Quốc Bình, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa tham luận tại Tọa đàm.

*Theo TS. Vũ Thế Long, Chuyên ngành nghiên cứu Con người và Môi trường cổ, Khảo cứu lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam mang đến Tọa đàm nội dung "Tràng An danh thắng chính là Tràng An" để khẳng định rằng, không thể ví "Tràng An là Quế Lâm của Việt Nam", cũng không phải là "Hạ Long trên cạn".

TS. Vũ Thế Long, Chuyên ngành nghiên cứu Con người và Môi trường cổ, Khảo cứu lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam tham luận tại Tọa đàm.

Bởi lẽ, Tràng An có những giá trị đặc biệt, riêng có mà không nơi nào có được. Việc gìn giữ và phát huy những giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử là trách nhiệm của cả chính quyền địa phương, người dân Ninh Bình nói riêng và người dân cả nước nói chung.

*Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, để khai thác các sản phẩm du lịch di sản, Ninh Bình cần tiếp tục xây dựng các sản phẩm có chất lượng và khác biệt, tăng hàm lượng văn hóa, yếu tố trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố Di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam dề xuất một số giải pháp tại Tọa đàm.

Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, "Tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An" đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc với những gợi mở quan trọng, ý nghĩa đến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch.

Tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà sử học, chuyên gia về văn hóa, di sản và du lịch nghiên cứu sâu rộng hơn về Quần thể danh thắng Tràng An, chia sẻ thông tin, các nghiên cứu mới và bổ sung kiến thức về khảo cổ học gắn với phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời qua Tọa đàm cũng đề xuất các giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch di sản đặc trưng trên cơ sở nền tảng các di tích, di vật khảo cổ học, cùng với các di sản văn hóa phi vật thể ở Quần thể danh thắng Tràng An; tạo không gian diễn giải giá trị di sản văn hóa theo khuyến nghị của UNESCO.

Nguyễn Thơm - Minh Hải - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phien-thao-luan-toa-dam-ve-phat-trien-san-pham-du-lich-di/d20240301150742721.htm