Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bền vững

Chuỗi sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2024 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai vừa tổ chức đã góp phần xây dựng và liên kết mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Đây cũng là dịp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp ĐMST phát triển.

Nâng cao năng lực ĐMST

Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh, Sở KH-CN tổ chức chuỗi sự kiện với 2 hoạt động chính gồm: hội thảo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST bền vững; khóa đào tạo về khởi nghiệp ĐMST với chủ đề “Nâng cao năng lực ĐMST cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Gia Lai”.

Chị Hà Thị Thuẩn (bên trái ảnh, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) mong muốn được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp từ cây lúa. Ảnh: Trần Dung

Chị Hà Thị Thuẩn (bên trái ảnh, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) mong muốn được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp từ cây lúa. Ảnh: Trần Dung

Tham dự chuỗi sự kiện, chị Hà Thị Thuẩn (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) cho biết: “Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Ia Lâu”. Tôi có ý tưởng xây dựng dự án khởi nghiệp từ giống lúa Đài Thơm 08. Vì vậy, khi tham gia chuỗi sự kiện này, tôi nhận được sự tư vấn của các chuyên gia và từng bước tháo gỡ vướng mắc; đồng thời hiểu rằng mình phải tạo ra sản phẩm mới, khác biệt để chinh phục thị trường”.

Tương tự, chị H’Uyên Niê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho hay: Hiện tôi là Chủ nhiệm mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông”. Sau khi nghe các chuyên gia chia sẻ về một số mô hình xây dựng và phát triển hệ sinh thái ĐMST mở tại các tỉnh, thành phố cũng như hành trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, tôi rất ấn tượng và nảy ra nhiều ý tưởng mới cho hoạt động sắp tới của mình.

Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về quá trình thực hiện chương trình, dự án khởi nghiệp. Đồng thời, nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương và khuyến nghị chính sách; những kinh nghiệm của chuyên gia về vấn đề khởi nghiệp, ĐMST. Qua đó, đưa ra các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại tỉnh.

Phó Giám đốc Sở KH-CN Trần Anh Tuấn nhận định: Chuỗi sự kiện đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các cá nhân khởi nghiệp. Đây là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước hiểu sâu hơn về ĐMST mở, tiếp thêm động lực để thay đổi và cởi mở với những điều mới; hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước chủ động xây dựng năng lực cần thiết để lãnh đạo tổ chức phát triển theo hướng ĐMST.

Đồng thời, lan tỏa tinh thần, kỹ năng và thúc đẩy năng lực ĐMST mở; định hướng và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp ĐMST.

Thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp ĐMST

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh-Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP, Gia Lai là vùng đất giàu nguồn lực phát triển với tiềm năng lớn về dược liệu, du lịch sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Muốn thành công, các mô hình khởi nghiệp cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, định vị đúng thị trường, ra mắt đúng thời điểm; đặc biệt, phải thể hiện được sự khác biệt và tính độc đáo của sản phẩm.

Xây dựng, phát triển nguồn lực và mạng lưới cố vấn tại địa phương cũng là điều tiên quyết để khởi nghiệp ĐMST trở thành “chìa khóa” phát triển kinh tế-xã hội.

Mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” hướng tới sự đổi mới, sáng tạo để thu hút du khách. Ảnh: T.D

Mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” hướng tới sự đổi mới, sáng tạo để thu hút du khách. Ảnh: T.D

Bàn về thực trạng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Gia Lai, Thạc sĩ Trương Xuân Phú-Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN) cho rằng: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó, một số hoạt động đang triển khai có hiệu quả như: chuỗi sự kiện về khởi nghiệp ĐMST; ngày hội khởi nghiệp ĐMST; cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Gia Lai; phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm sản phẩm OCOP; Câu lạc bộ Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku… “Tuy nhiên, để xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bền vững, chúng ta cần hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các thành tố cấu thành trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST”-Thạc sĩ Trương Xuân Phú nêu giải pháp.

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Nam Hải thông tin: Hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST đang được các ngành, địa phương quan tâm. Nhờ vậy, làn sóng khởi nghiệp đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Với mục đích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh ngày càng năng động, hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch với nhiều mục tiêu, nội dung triển khai thực hiện cụ thể.

“Là cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu thúc đẩy hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở KH-CN phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhiều hoạt động nhằm làm rõ hơn về thực trạng và đưa ra những giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh trong thời gian đến”-Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-ben-vung-post278263.html