Phân loại rác tại nguồn từ 2025: Có kịp không?

Từ 1/1/2025, hành vi không phân loại rác tại nguồn sẽ bị xử phạt. Nhưng đến nay, việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết.

Hơn 1.000 cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

Chia sẻ tại diễn đàn "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt" sáng 17/5, ông Nguyễn Thành Lam - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Thành Lam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ diễn đàn

Ông Nguyễn Thành Lam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ diễn đàn

Về hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%); Cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 1.178 cơ sở (chiếm 76,10%), trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Nói về thách thức trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Lam cho biết, thứ nhất, trong phân loại chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Thứ hai, trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; Thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; Thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc; Các quy định về Định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu.

Thứ ba, trong xử lý: Công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ODA; Nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn (ít các dự án đầu tư theo PPP, tư nhân được triển khai); 75% cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ vận hành.

Thông tin thêm tại diễn đàn, ông Lê Hải Bằng – Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho hay: Tỉnh Thái Nguyên có nền công nghiệp nặng phát triển sớm. Hiện tại, trên toàn địa bàn tỉnh có gần 300 dự án sản xuất, kinh doanh cùng 11 cụm công nghiệp. Sự phát triển của các cụm công nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh, tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề về việc quản lý chất thải công nghiệp.

Ông Lê Hải Bằng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại Thái Nguyên, cụ thể hạ tầng về thu gom, xử lý rác thải chưa được đồng bộ. Trên toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ có 3 đến 4 huyện được đầu tư hạ tầng xử lý rác hoàn chỉnh, đáp ứng đủ yêu cầu. Nhiều khu vực còn không có cả hệ thống xử lý nước rác, từ đó gây ra hiện tượng ô nhiễm ô trường. Ngoài ra, còn có nhiều bãi rác đang trong tình trạng quá tải. “Các nhà máy đã được đầu tư công nghệ xử lý rác thải trong hoạt động về kiểm soát ô nhiễm vẫn chưa được ổn định. Nhiều công ty môi trường thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường”- đại diện Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên nêu và bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, định mức về công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty môi trường.

Đồng thời, Bộ sẽ có những hướng dẫn chung, xây dựng bộ phận riêng thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Lãnh đạo Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các Bộ, ngành và Quốc hội xem xét bổ sung biên chế cho Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai hiệu quả và đồng bộ.

Còn quá nhiều bất cập?

Tại Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Toàn cảnh buổi Diễn đàn

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch, hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

Trong khi đó, còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định, liệu thời hạn này các địa phương có đáp ứng được không? Những gì đã chuẩn bị, đã làm? Những khó khăn gì, những vướng mắc gì cần phải giải quyết?

Làm rõ hơn về vấn đề này, ThS. Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng cho biết: Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1860 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị khoảng 1000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 860 tấn/ngày (số liệu thống kê năm 2023).

Còn những khó khăn, tồn tại như chậm triển khai theo Quy hoạch; Công nghệ công nghệ còn đơn điệu (chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh); Đối mặt với sự quá tải, nguy cơ ô nhiễm cao; Chưa khai thác được các lợi ích kinh tế từ rác thải; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ bù chi; Công nhân thu gom tại nông thôn: Thu nhập thấp, chưa được quan tâm.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Liên quan đến quy định pháp luật về phân loại rác thải sinh hoạt, sau khi luật có hiệu lực từ 1/1/2025, Quốc hội đã ban hành nghị quyết chỉ đạo rất chi tiết yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo dõi, giám sát và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung liên quan đến việc chấp hành quy định của pháp luật về phân loại rác thải.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn

Sau khi nghị quyết của Quốc hội ban hành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghiên cứu, khảo sát, giám sát tại một số tỉnh trên cả nước. Đồng thời, tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành quy định của pháp luật về phân loại rác thải. Trong đó có báo cáo tổng thể việc thực hiện, đã có kết luận chi tiết. Tại kết luận đã nêu cụ thể vướng mắc, khó khăn của các bộ, ban ngành có liên quan, đồng thời yêu cầu các bên liên quan thực hiện một số nội dung của kết luận của phiên giải trình.

Hiện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang trình và xin ý kiến của Quốc hội đối với việc giám sát tối cao về môi trường. Đây là dịp để giám sát lại các nội dung liên quan đến công tác phân loại rác thải…

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-tu-2025-co-kip-khong-320730.html