PGS. TS. Chu Cẩm Thơ: Người trẻ chỉ có thể làm chủ công nghệ nếu mục tiêu và cách dạy thay đổi

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, học sinh chỉ có thể làm chủ được công nghệ, chủ động dẫn dắt tương lai của mình nếu mục tiêu giáo dục thay đổi, cách dạy thay đổi.

PGS. TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, học sinh chỉ có thể làm chủ được công nghệ, chủ động dẫn dắt tương lai của mình nếu mục tiêu giáo dục thay đổi, cách dạy thay đổi. (Ảnh: NVCC)

Trong thời đại AI phát triển như vũ bão, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của cơ hội tiếp cận, nắm bắt cùng thời cuộc để học sinh sẽ trở thành người dẫn dắt, làm chủ trong tương lai?

Trong thời đại ngày nay, công nghệ trở thành tất yếu cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng rất nhiều, ngày càng trở nên thông minh, rất gần với trí tuệ thực của con người. Người trẻ nói chung, học sinh nói riêng càng nhanh nhạy trước ứng dụng công nghệ. Vậy nên, họ sẽ là người làm chủ cơ hội tiếp cận công nghệ.

Thực tế cho thấy, có những ý kiến trái chiều về ứng dụng công nghệ trong giáo dục, nhất là cho sự tham gia của AI vào trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã có một số quốc gia, một số nhà trường đưa ra yêu cầu hạn chế AI trong một số hoạt động giáo dục. Đứng ở góc độ này, chắc hẳn chúng ta cũng hiểu nguyên nhân vì sao?

Chúng ta sẽ dễ dàng chứng kiến sự lười tư duy, lười tìm tòi khám phá, lười lập luận của không ít người học, khi họ dễ dàng nhờ AI để tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề. Mặt khác, sự gian lận trong học tập cũng có dấu hiệu gia tăng, khiến cho giáo viên, các nhà quản lý, đánh giá cảm thấy “không an toàn” khi để học sinh dễ dàng sử dụng AI trong học tập. Những tình huống vừa kể trên cho thấy, nếu không đánh giá đúng vai trò, bản chất của AI nói riêng, công nghệ nói chung trong đời sống, trong học tập thì rất dễ dẫn đến sự cực đoan.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, người trẻ làm chủ cơ hội tiếp cận công nghệ. Sự xâm nhập của công nghệ vào mọi mặt trong đời sống khiến người học khó tách ra khỏi những ứng dụng hấp dẫn.

"Việc học giờ đây được giải phóng, tạo cơ hội cho mỗi người có thể chủ động và dễ dàng tiếp cận tri thức bằng nhiều cách khác nhau. Nếu nắm bắt được điều đó, mỗi người học sẽ không bị động, không trở thành 'cái máy học thuộc', không trở thành người học để thi cho xong".

Lúc này, cần xem lại bản chất của việc học đối với con người. Nếu việc học để ứng thí, để chứng minh “sự hiểu biết kiến thức” thì không còn phù hợp trong bối cảnh ngày nay. Trong thời đại công nghệ, việc học là một trải nghiệm tuyệt vời để mỗi người hòa mình vào xã hội, vào thiên nhiên, để khám phá và thích nghi, nhất là “trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”.

Ở đó, việc phát triển tư duy, tăng trải nghiệm để người trẻ nắm được cách học, được giao lưu, được rèn các giá trị sống. Như thế, AI chỉ có thể là một công cụ, hỗ trợ con người tìm kiếm tri thức, trả lời những câu hỏi “ai, cái gì, ở đâu”. Còn những câu hỏi “tại sao, như thế nào”, nhất là “đặt câu hỏi” và những cảm xúc thì AI sẽ không bao giờ giúp được.

Như vậy, việc học giờ đây được giải phóng, tạo cơ hội cho mỗi người có thể chủ động và dễ dàng tiếp cận tri thức bằng nhiều cách khác nhau. Nếu nắm bắt được điều đó, mỗi người học sẽ không bị động, không trở thành “cái máy học thuộc”, không trở thành người học để thi cho xong. Học sinh chỉ có thể làm chủ được việc học, chủ động dẫn dắt tương lai của mình nếu mục tiêu giáo dục thay đổi, cách dạy thay đổi.

Thực tế, giáo dục vẫn dạy trẻ tư duy "đồng phục", nhồi nhét kiến thức, trong khi lại tiếp nhận khối kiến thức "không bằng một góc của trí tuệ nhân tạo". Nhìn cách học sinh chúng ta đang học, bà nghĩ gì?

Dạy học vẫn thiên về nhồi nhét kiến thức, tình trạng một bộ phận “trẻ không biết” vẫn là một thực tế. Những hiểu biết và triển khai về dạy học phân hóa, dạy học hướng cá nhân vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân của hiện tượng này là do điều kiện dạy học chưa đồng bộ, có quá nhiều cơ sở vật chất chưa được đầu tư để phục vụ việc dạy và học; nhận thức về mục tiêu giáo dục và cách dạy chưa đổi mới. Tất nhiên, một thực tế về năng lực của người thực hiện giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

Hạn chế của giáo dục từ việc áp lực dạy học để học trò chỉ tập trung tiếp nhận khối kiến thức "không bằng một góc của trí tuệ nhân tạo" dẫn đến lệch lạc bản chất của việc học trong bối cảnh hiện nay. Người học sẽ không được thụ hưởng những ưu việt mang tính thời đại như sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ trong suốt quá trình học tập và trong đời sống để khai phóng năng lực, sự chủ động dẫn dắt tương lai của chính mỗi người học. Đồng thời, khó tạo động lực học tập suốt đời, học hiệu quả với sự phối hợp của cộng đồng học tập.

Theo tôi, quan trọng nhất, việc học phải là một trải nghiệm tuyệt vời để mỗi người hòa mình vào xã hội, vào thiên nhiên, để khám phá và thích nghi, nhất là “trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”.

Hãy trang bị cho người trẻ nhận thức, kỹ năng và bộ công cụ tốt để họ phát huy sự chủ động và có lòng tin vào bản thân. (Ảnh: NVCC)

Thách thức lớn nhất của người trẻ trong thời đại mới là gì, theo bà?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thời đại mới không hề dễ dàng với người trẻ. Họ dễ dàng được thỏa mãn ở một số khía cạnh nhưng cũng phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là đối mặt với quá tải thông tin, sức khỏe, với khả năng làm chủ của bản thân.

Việc người trẻ sử dụng thiết bị công nghệ quá mức có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, cô lập. Áp lực để bản thân đua theo những trend, với những lượng thông tin khổng lồ từ Internet (khó phân biệt nguồn gốc, thật, giả), mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cá nhân. Đồng thời, họ trở nên thiếu kỹ năng, thiếu an toàn trước những đe dọa về việc làm, tự quản lý và phát triển bản thân để thích ứng, cởi mở với xã hội.

Tư duy kiến tạo, tư duy phản biện, giáo dục cảm xúc là những yếu tố quan trọng cần học trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, thực tế, các nhà trường đã quan tâm, chú trọng giáo dục những yếu tố này hay chưa?

Chúng ta đã khuyến cáo việc giáo dục cho con người có tư duy phản biện, có cảm xúc xã hội, sự hợp tác để sẵn sàng kiến tạo nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững trong thời đại ngày nay. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đề cập việc chú trọng giáo dục những năng lực như hợp tác và giao tiếp, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Tuy nhiên, nhìn lại thực tế trong các nhà trường, vẫn chưa thể tiến hành các hoạt động giáo dục tập trung vào những mục tiêu này. Hầu hết các nhà trường thiếu thốn nguồn lực về cơ sở vật chất, về con người để thực hiện chương trình một cách bài bản. Nhận thức cũng có những sự khác nhau trong xã hội, trong mỗi nhà trường. Bởi không dễ dàng tiến hành giáo dục con người tập trung vào tư duy phản biên, cảm xúc xã hội khi bối cảnh văn hóa, kinh tế có rất nhiều đặc thù địa phương và cụ thể ở những người thực thi giáo dục.

"Học sinh chỉ có thể làm chủ được việc học, chủ động dẫn dắt tương lai của mình nếu mục tiêu giáo dục thay đổi, cách dạy thay đổi".

Vậy cần dạy người trẻ điều gì? Làm sao để giúp người trẻ tự tin, chủ động trong cuộc sống và cạnh trạnh thành công trên thị trường lao động trong tương lai?

Trong thời đại ngày nay, nội dung học tập, cách học, môi trường học tập là một hệ sinh thái phức tạp. Nhưng dù thế nào, trước sự đòi hỏi của thời đại, hãy giúp trẻ thông qua việc học để phát triển tư duy, được tăng trải nghiệm, được rèn giũa các giá trị sống.

Theo tôi, để giúp người trẻ tự tin, chủ động và thành công trong tương lai, cần có sự phối hợp từ nhiều phía, bao gồm “chân kiềng” gia đình - nhà trường - xã hội. Hãy trang bị cho người trẻ nhận thức, kỹ năng và bộ công cụ tốt để họ phát huy sự chủ động và có lòng tin vào bản thân.

Theo đó, cần có phương pháp khuyến khích người trẻ đặt ra mục tiêu và theo đuổi đam mê. Tạo cơ hội để họ trải nghiệm và học hỏi, phát triển kỹ năng mềm, mở rộng tầm nhìn và học hỏi từ những sai lầm, duy trì động lực và tiếp tục cố gắng. Tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, rèn luyện kỹ năng vượt khó, sẵn sàng thay đổi, thích nghi, giúp người trẻ tự tin thể hiện ý kiến, đóng góp ý tưởng và phát huy tiềm năng của bản thân. Đặc biệt, giúp họ nâng cao năng lực, để họ cảm thấy được tôn trọng, khích lệ và có động lực để cống hiến.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pgs-ts-chu-cam-tho-nguoi-tre-chi-co-the-lam-chu-cong-nghe-neu-muc-tieu-va-cach-day-thay-doi-270777.html