Ông Vũ Hồng Thanh: Cần giải pháp căn cơ để hướng dòng tiền trở lại sản xuất - kinh doanh

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội ngày 20.5, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh... là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu ngân sách, xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI …

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện.

Theo ông Thanh, tăng trưởng kinh tế 2023 không đạt mục tiêu, tạo thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025; chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 không đạt; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, thu ngân sách chưa bền vững; phân tích dự báo thu chưa sát, ảnh hưởng đến chất lượng dự toán; nợ đọng thuế còn cao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc; việc chuyển nguồn, hủy dự toán khi hết năm ngân sách lớn, trình phương án phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi chậm.

Hơn nữa, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức vẫn khá cao; chất lượng lao động còn bất cập so với yêu cầu; vẫn còn thiếu thuốc ở một số bệnh viện công lập; tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên chưa được xử lý dứt điểm, bạo lực học đường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở một số nơi.

Việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, xử lý thông tin xấu độc nhiều thách thức; tội phạm về trật tự xã hội, tham nhũng, kinh tế, xâm phạm sở hữu trí tuệ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Ở trong nước, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác, trong những tháng còn lại của năm 2024, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Theo đó, trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể, cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

“Cần có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai nhanh, hiệu quả quy hoạch điện 8. Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân”, ông Thanh nêu.

Theo ông Thanh, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém.

“Có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cùng với các có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư”, ông Thanh nói.

Cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ong-vu-hong-thanh-can-giai-phap-can-co-de-huong-dong-tien-tro-lai-san-xuat-kinh-doanh-217454.html