Ô tô, xe máy cần làm gì khi bị ngập nước?

Việc tham gia giao thông gặp phải những cơn mưa lớn khiến các tuyến đường ngập lụt là điều thường xuyên xảy ra tại nước ta.

Đối với ô tô:

Tùy vào mức độ ngập nước và tình trạng của xe mà chủ phương tiện cần dọn nội thất, xử lý hệ thống điện và máy móc để chiếc ô tô có thể hoạt động bình thường trở lại. Nếu bị ngập nước, chiếc ô tô sẽ giảm giá trị, còn chủ xe sẽ mất tiền để khắc phục. Tuy nhiên, không phải chiếc xe nào ngập nước là cũng bị hư hỏng nặng, là phải "bổ máy" bởi thực tế nếu lái xe biết cách thì có thể chỉ cần dọn nội thất, thay dầu máy và một số loại lọc gió là chiếc xe sẽ trở lại bình thường.

Với ô tô đi vào các đoạn đường ngập nước sâu, cách tốt nhất là dừng hẳn xe lại. Trường hợp nước tràn vào khoang máy và nội thất, gây chết máy, người lái cần gọi cứu hộ đưa xe về trạm sửa chữa để có phương án xử lý tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Với những chiếc ô tô bị chết máy khi đi qua đoạn ngập nước, tuyệt đối không khởi động lại. Nếu cố nổ máy có thể làm cong tay biên, trường hợp nặng có thể gãy tay biên dẫn đến vỡ lốc máy. Nguyên nhân là do nước tràn vào động cơ gây hiện tượng nén nước (thủy kích). Vì thế, cách tốt nhất là không cố khởi động mà hãy gọi cứu hộ.

Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa điện. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mức nước ngập quá cao thì tuyệt đối không mở cửa xe. Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, lái xe nên hạ kính và chui ra khỏi xe.

Trường hợp nước mới ngập vào nội thất chưa nhiều, chưa thể gây chập thiết bị điện, người lái có thể lái xe về nhà, tháo cực âm ắc-quy để qua đêm. Sau đó, gọi cứu hộ mang đến các trung tâm sửa chữa để xử lý. Với hiện tượng này, cách tốt nhất là sấy sàn.

Với trường hợp nước ngập sâu trong khoang nội thất, người lái cần gọi ngay cứu hộ, đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời.

Tổng kết lại sau khi ô tô bị thủy kích, ngập nước chúng ta nên : Kiểm tra hệ thống điện; dọn dẹp nội thất càng sớm càng tốt; kiểm tra động cơ; kiểm tra gầm xe và các bộ phận khác.

Đối với xe máy:

Giống như ô tô, để xử lý hiệu quả nhất thì trước mắt ta cũng phải quan sát xem xe có ngập sâu không. Khi gặp ngập nước xe máy thường sẽ bị chết máy và việc chúng ta cần làm là kiểm tra bugi, xả hết nước trong ống pô… những thao tác cần thiết khi xe máy bị chết máy khi ngập nước vào trời mưa.

Ảnh minh họa.

Tiếp đó chúng ta cần xả hết nước từ ống pô xe máy, ắng nghe ống pô xe máy, nếu phát hiện tiếng nước bên trong, bạn hãy dốc cao hẳn phần đầu của xe lên và kéo đều ga để đẩy hết nước ra ngoài. Việc ống pô bị nước lọt vào khiến nhiệt độ khu vực khí thải không đảm bảo nên xe dễ bị tắt máy.

Ta nên thay nhớt đối với những chiếc xe gặp tình trạng ngập lâu như qua đêm. Khi thấy màu nhớt không đồng đều hoặc có màu trắng đục thì nước đã vào tới khu vực động cơ. Khi bị lỗi này cần phải thay nhớt trước khi cố gắng khởi động lại động cơ.

Việc làm khô Bugi cũng vo cùng quan trọng. Hãy tháo Bugi đạp khởi động một vài lần để nước thoát khỏi xi lanh. Sau đó, bạn lau chùi bugi khô rồi lắp lại vị trí cũ.

Đối với xe máy số, thì bugi được lắp ở vị trí thấp, nên dễ dàng dính nước. Nếu bạn không đủ đồ nghề để xử lý việc bugi dính nước, hãy tới tiệm sửa xe gần nhất để được hỗ trợ.

Lưu ý, đối với bugi, chỉ cần lau, sấy khô và ráp lại là có thể đề máy được.

Lọc gió cũng dễ bị dính nước khi xe máy đi vào vị trí ngập lụt do nằm ở vị trí thấp trên xe. Vì thế, hãy đảm bảo lọc gió luôn khô sau khi đi qua những vùng nước để xe máy không bị chết giữa đường.

Trên đây là một vài gợi ý và cách khắc phục khi các bạn gặp phải trường hợp xe ô tô, xe máy sau khi bị thủy kích khi trời mưa to gây ngập lụt.

Dương Đạt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/o-to-xe-may-can-lam-gi-khi-bi-ngap-nuoc.html