Ở tận sông Hồng em có biết…

Đó là câu mở đầu trong bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ. Câu thơ da diết, sau đó duyên dáng khoe 'quê hương anh cũng có dòng sông'. Lời thơ dạt dào như sông nước đã khiến bao người rung động, trong đó có trái tim của chàng kỹ sư ở nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) Trương Quang Lục. Sau đó, bài hát Vàm Cỏ Đông ra đời. Giai điệu ấy, lời hát ấy vẫn lắng đọng mãi trong tim biết bao người.

Đã quá nửa đêm, vừa tan ca, kỹ sư Trương Quang Lục rảo bước về khu tập thể. Trên đường về, ông bỗng nghe văng vẳng từ xa giọng ngâm thơ da diết trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bài: Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ. Ông sực nhớ cách đây mấy ngày khi ông đọc trên một tờ báo văn nghệ cũng có đăng bài thơ này. Vậy là ông đi nhanh về, lục tìm tờ báo rồi ngồi hí hoáy kẻ nhạc. Hơn một tiếng sau, bài hát Vàm Cỏ Đông ra đời. Bài thơ dài hơn chục đoạn, Trương Quang Lục chỉ chọn một số đoạn để phổ nhạc. Hôm sau, ông chép lại và gửi cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát được đài dàn dựng với giọng ca Trần Thụ, Tuyết Nhung cùng tốp ca nữ với phần đệm của dàn nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trương Quang Lục quả là một trường hợp thật độc đáo. Ông sinh năm 1933 ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, trong một gia đình có cụ cố, ông nội làm quan cho triều Nguyễn. Tuổi thiếu thời ông say mê âm nhạc và phát lộ năng khiếu sáng tác, nhưng sau 1954, ra Bắc tập kết, ông lại không thi vào trường âm nhạc như nhiều người mà học ngành hóa chất rồi ra làm việc tại nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: "Sống trên miền Bắc nhưng tôi và nhiều anh em luôn ngày đêm đau đáu nhớ về quê hương. Tôi trăn trở, nghĩ mình phải viết một bài hát biểu hiện tình cảm này”. Có lẽ đã hơn 10 năm thai nghén, nên chỉ hơn một giờ đồng hồ, ca khúc Vàm Cỏ Đông đã ra đời...

Nói về việc phổ nhạc cho thơ, ông lại nhắc đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như một người đàn anh thành công với nhiều bài thơ phổ nhạc. Bởi theo nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ viết lời, gieo vần hay, trau chuốt và nhạc sĩ có giai điệu đẹp sẽ là mối “nhân duyên” thật nên thơ. Theo ông kể thì những giai điệu đi từ chầm chậm sang nhanh, dồn dập: “Vàm Cỏ Đông đây Vàm Cỏ Đông/Ta quyết giữ từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm/Từng con người làm nên lịch sử/Và dòng sông tưới mát quanh năm”… là có ý tứ như một sự quyết tâm, một lòng giữ gìn quê hương, một lòng chống lại kẻ thù cho đến ngày nối liền những dòng sông của đất nước mình…

Bản thảo bài hát Vàm Cỏ Đông của nhạc sĩ Trương Quang Lục sáng tác năm 1966 tại Phú Thọ

Trở lại với bài thơ được phổ nhạc Vàm Cỏ Đông, đó là năm 1963, nhà thơ Hoài Vũ cùng nhà thơ Giang Nam đi công tác từ “R” (mật danh của Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh), theo dòng Vàm Cỏ xuống “miền hạ” Long An. Tại một ngôi chùa bên sông chờ giao liên dẫn sang, thấy Giang Nam làm bài thơ Qua sông Vàm Cỏ, Hoài Vũ rất xúc động bởi dù mới vào hoạt động thời gian ngắn nhưng với dòng sông này ông có nhiều kỷ niệm vừa đau thương bi tráng vừa dạt dào tình yêu, ông lẩm nhẩm làm… thơ. Từ những cảm xúc đầu tiên, Hoài Vũ nhớ đến dòng sông Hồng nơi mình vừa rời xa: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lời tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”. Chỉ hơn một tiếng sau, bài thơ đã hoàn thành. Ông đưa cho Giang Nam đọc, nhà thơ đàn anh khen hay và nói nên gửi về “R” để đăng Báo Văn nghệ Giải phóng, rồi sau đó gửi ra Báo Văn nghệ Hà Nội. Hoài Vũ liền viết ra thành 2 bản, một bản gửi giao liên, một bản lưu cất bên mình để phòng thất lạc.

Bẵng đi một thời gian, trong một lần đi công tác trong vùng địch hậu, mở chiếc radio, Hoài Vũ sửng sốt nghe bản nhạc có giai điệu thiết tha từ làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lời tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông…”. Có lẽ đây là phút giây xúc động nhất trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ. Ngoài ca khúc trên, Hoài Vũ còn là tác giả của khoảng 100 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những nhạc phẩm đi vào lòng người như Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn (Thuận Yến), Người ấy bây giờ đang ở đâu (Phan Huỳnh Điểu)…

Đã 58 năm trôi qua, giai điệu “Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…” đã đi vào lòng hàng chục triệu người. Có thể nói, đây là bài hát phổ biến đến mức hầu như ai cũng đã từng nghe qua một lần và ai cũng hát được 1-2 đoạn. “Tôi còn nhớ khi bài hát Vàm Cỏ Đông vừa ra đời được mấy tuần, tôi nhận được một lá thư của bà con ở Vàm Cỏ Đông gửi ra. Họ cứ ngỡ tôi là người miền Nam. Tôi đọc thư cho vợ nghe mà xúc động quá chừng. Những ngày tháng ấy dù có gian khổ nhưng chỉ cần đọc những dòng tha thiết ân tình đó cũng đủ ấm lòng”, nhạc sĩ Trương Quang Lục kể thêm. Trong căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình (TPHCM), nhạc sĩ vẫn còn lưu giữ từ bản thảo bài hát, bài thơ Vàm Cỏ Đông lần đầu đăng trên Báo Văn nghệ, những bài hát in rời, nhỏ như bao thuốc lá để bộ đội dễ mang theo, cho đến những tờ báo có in bài hát Vàm Cỏ Đông phát hành sau ngày 30-4-1975...

Trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới xưa nay, thi ca với hội họa, âm nhạc có mối tương quan định mệnh như người ta thường nói: Thi trung hữu họa (trong thơ có họa), thi trung hữu nhạc (trong thơ có nhạc). Những áng thơ trữ tình của các nhà thơ được thăng hoa nhờ vào sự chắp cánh bởi giai điệu bay bổng của những nhạc sĩ tài hoa và tiếng ca trữ tình của những ca sĩ nổi tiếng. Và như một mối lương duyên, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Trương Quang Lục và nhà thơ Hoài Vũ cùng về công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, cùng đóng góp công sức, trí tuệ để chắp cánh cho tờ báo vươn xa.

Nhà thơ Hoài Vũ (tên khai sinh Nguyễn Đình Vọng) sinh ngày 25-8-1935 tại Quảng Ngãi, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tham gia hoạt động văn học ở miền Nam trong những năm kháng chiến với các chức vụ: Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Giải phóng (Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam). Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, ông lần lượt giữ cương vị: Ủy viên Ban Biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam); Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam); Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM; Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn TPHCM); Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng…

Nhạc sĩ Trương Quang Lục sinh ngày 25-2-1933, quê ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ văn hóa, văn nghệ của cơ quan Đường sắt Liên khu V. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, ông làm kỹ sư hóa chất ở Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Sau năm 1975, ông vào Nam, công tác tại Khu công nghiệp Biên Hòa, sau đó về công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, Trương Quang lục đã có một số bài hát được phổ biến như: Chuyến tàu trăng, Bảo vệ hòa bình, Đố cờ, Hoa bên suối. Trong thời gian sống ở miền Bắc và sau ngày giải phóng, ông đã có những ca khúc được công chúng yêu thích như: Cô gái Lâm Thao, Tiếng hát bên rừng, Vàm Cỏ Đông, Hoa sen Tháp Mười, Quảng Ngãi đất mẹ kiên cường... Xỉa cá mè, Em yêu đàn gà xinh, Trái đất này là của chúng em (thơ Định Hải), Tuổi mười lăm, Màu mực tím...

TRẦN MINH TRƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/o-tan-song-hong-em-co-biet-post737238.html