Nông dân trồng màu trong mùa hạn, mặn

Để tiết kiệm lượng nước tưới cho cây màu vào những tháng mùa khô, hầu hết nông dân trồng màu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lựa chọn những loại rau màu có thời gian trồng và thu hoạch ngắn ngày. Nhờ vậy mà dù những tháng đầu năm 2024, thời tiết nắng nóng gay gắt, mặn xâm nhập, nông dân vẫn giữ xanh ruộng màu, năng suất ổn định, lợi nhuận thu về kha khá.

Trong những tháng mùa khô, nông dân tích trữ nước ngọt bằng nhiều cách khác nhau để tưới cho cây màu. Ảnh: THÚY LIỄU

Nắng nóng như hạ nhiệt giữa ruộng dưa hấu xanh màu lá, chen lẫn những quả dưa căng tròn của vợ chồng ông Trần Thành Vinh, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Chỉ tay về phía ruộng dưa, ông Vinh cho biết: "Giống như nhiều hộ nông dân khác, tôi thường canh tác 2 vụ lúa/năm và vào mùa khô thì không trồng lúa vì nguồn nước cung cấp cho cây lúa không đảm bảo, bởi hạn hán và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Nhiều năm qua, vào mùa khô tôi chỉ bỏ đất trống, đợi đến khi mưa xuống mới xuống giống vụ lúa Hè - Thu. Nhưng mùa khô năm 2024, tôi quyết định trồng 1,5 công dưa hấu, bởi thấy nhiều hộ dân lân cận đưa cây dưa hấu trồng dưới chân ruộng đạt năng suất tốt, ít bị sâu bệnh và lợi nhuận tốt. Sau 70 ngày, tôi thu hoạch hơn 4 tấn trái, bán giá 5.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. So với trồng lúa thì lợi nhuận cao hơn gấp vài lần và cái lợi của trồng dưa hấu dưới chân ruộng là chi phí đầu tư thấp, dưa không bị sâu hại hay dịch bệnh tấn công".

Niềm vui được mùa của vợ chồng ông Trần Thành Vinh, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bên ruộng dưa hấu đang thu hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng theo ông Vinh, để đảm bảo lượng nước tưới cho dưa hấu mùa khô, ông đã bơm nước dưới kênh nội đồng lên dự trữ dùng tưới dần cho ruộng dưa. Để tiết kiệm nước, ông sử dụng ống bơm tưới nước cầm tay loại nhỏ, tưới nước cho ruộng dưa đủ độ ẩm là ngưng và tưới 1 lần/ngày. Dưa hấu trồng trong mùa này không có dịch bệnh hay sâu hại tấn công nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí đầu tư cho mùa vụ. Dự tính trong mùa vụ tới, ông Vinh sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lên thêm vài công đất.

“Diện tích đưa màu xuống chân ruộng trong những tháng mùa khô năm 2024 trên toàn huyện Mỹ Xuyên là 250ha, chủ yếu là dưa hấu. Mặc dù năm nay giá dưa hấu không cao nhưng sản lượng dưa cao nên nông dân có lợi nhuận khá. Trong những năm tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân từng địa phương tuân thủ đúng lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn về sản xuất lúa 2 vụ/năm và trồng 1 vụ màu để tăng thu nhập cũng như canh tác vụ tôm - vụ lúa, dựa theo từng vùng và điều kiện canh tác cụ thể mà có sự chuyển đổi mùa vụ cho phù hợp”, đồng chí Tăng Thanh Chí - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết.

Nếu ông Vinh chọn trồng dưa dưới chân ruộng thì ông Lâm Văn Hóa, ấp Nhất, xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chọn trồng dưa leo trên nền đất lúa. Ông Hóa có gần 2ha đất ruộng. Do lợi nhuận từ cây lúa không được tốt nên ông quyết định chuyển 5 công đất làm lúa sang trồng màu và cây màu được trồng chuyên canh quanh năm như: dưa leo, khổ qua, đậu đũa, bầu. Riêng trong các tháng mùa khô, ông chọn trồng dưa leo, vì thời gian trồng cho đến thu hoạch từ 28 - 30 ngày và thời gian hái trái từ 20 - 25 ngày sẽ hết 1 vụ. Trong vụ trồng dưa leo mùa hạn này, ông Hóa đã xuống giống 2 công dưa. Hiện tại thì dưa đang cho thu hoạch mỗi ngày, sản lượng thu về ước đến hết vụ khoảng 7 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.

Ông Hóa tâm sự: "Do năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên đã ảnh hưởng đến năng suất dưa, thường 1 công dưa leo năng suất đạt là 5 tấn nhưng năm nay giảm còn 4 tấn. Mặc dù năng suất không đạt như các mùa vụ canh tác trước, nhưng vẫn đảm bảo có lợi nhuận tốt tại hộ".

“Mặc dù thời tiết nắng nóng và nước mặn vào sâu nội đồng nhưng không ảnh hưởng đến ruộng khổ qua của tôi. Để có đủ nước tưới cho cây khổ qua, tôi dự trữ đầy nước ngọt trong các ao của rẫy màu. Lúc nước tưới gần hết thì tôi chuyển sang bơm nước giếng khoan lên dự trữ tưới cho rẫy khổ qua. Khổ qua từ lúc xuống giống đến thu hoạch là 45 ngày và trái sẽ cho thu hoạch mỗi ngày trong suốt 1 tháng mới hết mùa vụ. Tôi có diện tích trồng khổ qua 2.600m2, sản lượng thu về hơn 12 tấn trái, thương lái thu mua tại nhà từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Tính ra, 1 năm tôi trồng từ 3 - 4 đợt rau màu các loại như: ớt, khổ qua, dưa leo, bầu… Đợt khổ qua này khi thu hoạch xong, tôi sẽ cải tạo đất để trồng ớt sừng vào, anh Trần Văn Trạng, ấp Tư, xã Châu Khánh, huyện Long Phú chia sẻ.

Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, diện tích trồng màu hằng năm trên địa bàn tỉnh hơn 50.000ha, bao gồm màu trồng chuyên canh và màu trồng xen canh tập trung hầu hết tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng trong những tháng mùa khô ở những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thiếu nguồn nước ngọt để canh tác lúa, nhiều địa phương đã khuyến cáo hộ dân trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Ước tính trong những tháng mùa khô năm 2024, diện tích màu sản xuất trên địa bàn tỉnh gần 26.600ha, trong đó diện tích màu trồng dưới chân ruộnghơn 643ha, với các loại dưa hấu, dưa leo, bầu, bí đao, khổ qua. Để cây màu phát triển tốt trong thời điểm nắng nóng như hiện tại, hộ dân cần tích trữ nước ngọt tưới cho rau màu và cần tưới nước tiết kiệm; đồng thời, áp dụng biện pháp canh tác màu theo quy trình VietGAP để giảm chi phí đầu tư mùa vụ. Nông dân cũng cần chú ý một số sâu hại thường tấn công trên cây màu vào mùa nắng là sâu xanh, bù lạch, bọ trĩ để kịp thời phòng trị".

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/nong-dan-trong-mau-trong-mua-han-man-73116.html