Nỗi niềm phận nhập cư

Được Tạp chí Vogue bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất 2021, trong cuốn tự truyện 'Nhà tranh', tác giả Ly Tran viết rằng 'Tòa nhà mới này không giống chút nào với nhà lá mà chúng tôi quen thuộc ở Việt Nam, ngôi nhà được dựng lên từ thân tre và lá khô mà chúng tôi sinh sống trong đó. Ở đây không cơn bão nào có thể gây hại cho chúng tôi, chọc thủng ngôi nhà của chúng tôi được nữa'. Thế nhưng hiện thực không dễ dàng thế cho người nhập cư.

Tuổi thơ và những tổn thương

Sinh năm 1989, khi mới 3 tuổi, Trần Kỳ Lý đã theo gia đình rời khỏi Việt Nam, định cư ở Mỹ. Cũng như những cuốn sách khác có chung đề tài, trong tác phẩm này, những vấn đề chung về nỗi niềm của người di cư đã được tái hiện. Đó là tình thế chật vật ổn định, vượt qua khó khăn, mơ đến một giấc mơ Mỹ… thế nhưng ẩn sâu trong đó cũng là mất mát, di chứng chiến tranh và những hoài nghi về mặt danh tính, căn cước và bản lai diện mục.

Được viết theo dòng thời gian với ngôi kể thứ nhất, Ly Tran mạnh mẽ kể lại câu chuyện của gia đình mình, dẫu những tổn thương và sự đau đớn luôn không buông tha. Mở đầu cuốn sách là ký ức về mùi hương ngào ngạt của trứng ngâm tương, là màu xanh dương của lều vải bạt trong trại tị nạn. Ký ức chập chờn và không đầy đủ mở ra một bức tranh chung, với ngôi nhà đầy gián mà gia đình 6 người đã phải chật vật nhận đồ gia công để kiếm miếng ăn, trong khi quần áo giày dép thì đều lớn hơn hai cỡ để mấy năm sau có thể mang vừa, còn hầu hết đồ đạc trong nhà đều được nhặt từ đường phố…

Gia đình tác giả trên đất Mỹ. Ảnh: Vogue

Vượt lên những khó khăn ấy, sợi dây kết nối nguồn cội thường trực trở lại trong những trang văn. Ở tuổi ấu thời cô có những lần đến biển cùng với gia đình. Đó không chỉ là một cuộc dạo chơi, mà còn là nỗi luyến nhớ một vùng châu thổ, nơi bố mẹ cô – những người Việt gốc Hoa – từng rửa bát, giặt giũ, tắm táp cho lũ trẻ con trên một chi phụ của sông Mekong. Ở đó dân làng trồng rau bên bờ sông, nơi dân chài cắm cọc buộc ghe, và cũng là nơi chờ tàu lương thực ghé qua, nơi thần sông lắng nghe mọi lời nguyện cầu mà họ gửi gắm…

Thế nhưng cái cầu nối ấy không chỉ có những ký ức thân thương, mà còn đồng thời là những vết thương cha cô phải chịu. Di chứng hậu chiến khiến đầu óc ông không được bình thường, dẫn đến thường xuyên hình thành một nỗi hoài nghi cũng như ám ảnh ngày càng nặng thêm, khi sống ở nơi đất khách quê người và phải nuôi thêm cả 4 miệng ăn. Người bố trong tác phẩm này không hề “mất dấu” như trong tiểu thuyết của Ocean Vương, không hề bí ẩn như sách của Minh Tran Huy, cũng không yêu thương như của Le Thi Diem Thuy, mà là một người gần như dao động giữa hai trạng thái – khi điên loạn với nỗi ám ảnh, nhưng cũng có khi nhẹ nhàng và nhiều tình cảm.

Ly Tran đã không cố gắng che khuất tổn thương mà mình phải chịu, trong cơn hung dữ thường xuyên bột phát, trong giọng nói gấp gáp như có điều gì cấp bách ai đang lùng theo, cũng như trong chính nỗ lực (dù không cố ý) phá hủy tương lai của con cái mình. Thế nhưng cũng có đôi khi người bố hiện ra một cách trìu mến, với những hộp bánh mà ông xin từ cửa hàng Dunkin’ Donut vào giờ đóng cửa, hay là chiếc nhẫn kỷ niệm hôn nhân được 15 năm với vợ của mình... Ly Tran cho thấy hướng tiếp cận riêng, khi cô không phải là một thế hệ mong muốn thoát khỏi câu chuyện của cha mẹ mình, mà là không thể thoát khỏi những tổn thương ấy.

Có thể thấy rằng đối với thế hệ di dân thứ hai, vấn đề trước nhất và quan trọng nhất mà những tác giả như Ly Tran đang phải đối mặt không phải là kế sinh nhai hay sự phân biệt về mặt chủng tộc, mà là khủng hoảng thế hệ chính trong nội bộ của một gia đình. Đó là một sự nhập nhằng khi người lớn thấy các giá trị cũ đang dần phai nhạt, còn người trẻ thấy những thứ mới mẻ khó được chấp nhận bởi cha mẹ mình. Trong tác phẩm này, nếu như người bố gắn với quê hương bằng sợi dây thời gian và những biến cố, thì người mẹ lại đại diện cho không gian, bối cảnh nằm trên lằn ranh của những giá trị đang cố đổi chiều.

Tác giả Ly Tran. Ảnh: website của tác giả.

Phản kháng

Có sự gắn bó với mẹ từ khi còn nhỏ bởi cha là một “quả bom” không thể đoán trước, vì vậy người mẹ xuất hiện nhiều hơn trong cuốn sách này, nhưng cũng ẩn chứa trong mình những sự khó hiểu.

Bà là điển hình của mong muốn thoát khỏi định chế ngàn đời, khỏi sự kìm kẹp của chồng và giá trị cũ, trở thành một người tự do; nhưng lại cũng chính là người sợ tương lai ấy, cứ thế bám riết vào một thói quen đã được định sẵn. Trong cuốn sách này, con người cũ ấy thể hiện bằng cách bắt con cái mình chép lại các đoạn từ nhiều bộ kinh Phật khác nhau, học thuộc chính xác cách đánh vần và phát âm của từng từ một… Bà cũng dạy cho đứa trẻ phải luôn tử tế, vì “Con không biết người khác đã phải trải qua những gì. Con không biết sự tình của họ. Vậy nên hãy chọn cách tỏ ra tử tế”.

Thế nhưng cũng chính từ mẹ mà Ly Tran nhận ra thời thế đã khác, trong việc phụ nữ luôn chịu thiệt thòi, và cô mong muốn lật ngược điều ấy. Xuyên suốt cuốn sách, ta thấy rất nhiều những chi tiết này, từ vì “hai đứa nó là con trai” khiến các ông anh được miễn trách nhiệm phải làm việc nhà, cho đến một sự hoài nghi khi đứa con gái không được trọng vọng khi thi vào các trường chuyên. Ly Tran mạnh mẽ thể hiện cảm giác oán hận khi bị coi là thấp kém chỉ vì thân phận nữ giới, từ đó câu chuyện nữ quyền gắn với đối tượng nghiên cứu xã hội là người di dân cũng được hiện ra. Nhà tranh có thể được xem là cuốn sách hiếm hoi thể hiện điều này một cách khác lạ.

Bìa sách Nhà tranh. Ảnh: Minh Anh

Bởi từ những truyền thống cũ mà người di dân luôn mang trong mình sự thiếu sót ấy. Một khi đã sống ở nơi xa lạ, thì những quan niệm tưởng như quen thuộc giờ thành cái phao cho họ nắm lấy. Trong tác phẩm này, Ly Tran cũng dùng điển tích về Mục Kiều Liên – một trong những đệ tử thân cận của đức Phật – muốn cứu linh hồn của mẹ ra khỏi Diêm Vương, như một trong nhiều lý giải cho những định kiến mang tính cố hữu. Cô chép lại bài học ấy từ mẹ của mình: “Bởi chỉ có phụ nữ mới làm vấy bẩn đất đai bằng dòng máu dơ bẩn hằng tháng rỉ ra sông ra suối và cuối cùng ngấm vào tách trà trong nghi lễ mà những người đàn ông đức hạnh và cao cả dâng lên các vị thần. Phụ nữ phải chịu đày đọa vì tội lỗi làm ô uế. Đó là số phận của họ”.

Sự ô uế ấy vang dội trong cô, từ từ biến thành tư duy méo mó, chẳng hạn như bị đụng chạm trong lúc làm nail, thế nhưng Ly Tran một mực tin rằng nó không hại gì cho thân thể mình, và chỉ coi đó là bài kiểm tra về sức chịu đựng. Còn khi gặp phải một kẻ phô dâm, cũng chính nỗi sợ không được bênh vực khiến cô trở nên câm lặng… Sự kiềm tỏa của những truyền thống phụ quyền đã khiến những người phụ nữ nói chung và phụ nữ di dân nói riêng trầm luân trong chính đời mình. Nối tiếp sau đó là những trầm cảm vì thương tổn trong thời ấu thơ gây ra cho chính tác giả.

Thế nhưng cuốn sách cũng tươi sáng hơn khi càng về cuối, với sự giúp đỡ của rất nhiều người mà Ly Tran tìm thấy sức mạnh, từ đó có được thành tựu tương đối ấn tượng, trong cả công việc cũng như sự nghiệp. Nhà tranh bên cạnh câu chuyện về một người nhập cư, thì cũng đồng thời là sự khích lệ cho những ai trải qua cùng một câu chuyện, để thêm mạnh mẽ, có sự kiên định với con đường dài mà mình đã chọn, dẫu phải mất nhiều thời gian và không dễ dàng.

Qua cuốn sách này, Ly Tran bằng sự dũng cảm đã kể lại một câu chuyện có được tiếng vọng cũng như sức nặng. Để rồi từ đó “cái lưỡi phản bội” của thấp cổ bé họng sẽ dần tiêu biến, để như cô nói, cuốn sách “khơi dậy sự đồng cảm và lòng trắc ẩn từ những người chưa bao giờ trải qua cảm giác sống dưới mức nghèo khổ, thoát khỏi một đất nước bị chiến tranh tàn phá và vẫn phải chịu sang chấn hậu chiến”. Từ đó những người trầm luân có thể biết rằng mình không đơn độc.

Ly Tran tốt nghiệp Đại Học Columbia với bằng cử nhân ngành Viết sáng tạo và Ngôn ngữ học (Creative Writing and Linguistics) vào năm 2014. Cô từng nhận được học bổng nghiên cứu sinh của MacDowell, Art Omi và Yad.

Nhà tranh là cuốn sách đầu tay của cô. Nhận xét về nó, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng: “Đây là câu chuyện về một bông sen lộng lẫy mọc lên từ ao bùn - của nghèo đói, phân biệt chủng tộc, chấn thương di truyền, trầm cảm - với sức mạnh và sự rạng rỡ trong cách kể chuyện của cô… Đây là cuốn sách mang lại cho chúng ta ánh sáng”.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/noi-niem-phan-nhapcu-41498.html