Nơi lưu giữ tình hữu nghị Việt – Lào trên Đất Tổ

Đền Chu Hưng, khu 7, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa thờ Côn Nhạc Đại Vương, là người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi vào thời kỳ Vua Hùng thứ 18 – Hùng Duệ Vương. Nơi đây cũng chính là địa bàn của Chiến khu 10 - nơi ra đời đội vũ trang đầu tiên của Quân đội Nhân dân Lào trên đất Việt trong kháng chiến chống thực dân Pháp lịch sử.

Đền Chu Hưng được xây dựng vào tháng 7 năm 1806 dưới thời vua Gia Long theo kiến trúc hình chữ Đinh, gồm ba gian đại bái và bốn gian hậu cung. Cổng đền được thiết kế theo hướng Tây Nam, dưới mái cong hình rồng được chạm khắc tinh tế, điêu luyện. Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, đền Chu Hưng nhận được 11 đạo sắc phong thuộc các đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Tự Đức, Duy Tân.

Đền Chu Hưng - di tích gắn liền với Chiến khu 10 lịch sử
Cứ mỗi độ xuân về là nhân dân trong xã lại nô nức chuẩn bị cho Lễ hội đền Chu Hưng – lễ hội truyền thống của làng được tổ chức vào ngày mùng bẩy tháng Giêng. Lễ rước kiệu, lễ tế được tiến hành với các lễ vật gồm có lợn đen, gà tía, xôi nén, chè kho, rượu mọng, hoa quả, bánh kẹo... Phần hội được tổ chức gồm các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ và các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, phi tiêu...

Nhà bia ghi dấu tình hữu nghị Việt - Lào được xây dựng vào năm 2019
Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử trong thời đại Hùng Vương, đền Chu Hưng gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Ngày 29/8/1945 mặt trận Việt Minh lấy sân đền Chu Hưng làm trụ sở để tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Đây cũng là nơi tuyên bố thành lập Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc... Vào năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật. Quân và dân hai nước Việt, Lào đã đoàn kết cùng nhau quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Lấy địa bàn hoạt động chính là khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, dựa vào lợi thế rừng núi để hoạt động. Về phía nước bạn Lào, vào thời điểm đó, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản giữ vai trò là trưởng ban xung phong Lào – Bắc cùng mười bốn chiến sĩ từ mật khu kháng chiến ở Phiêng La, xã Chiềng On thuộc Yên Châu, Sơn La đã tiến về vùng sông Thao, Phú Thọ ngày nay để tạo dựng phong trào và tổ chức.

Hình lưu niệm đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chụp tại đền Chu Hưng năm 1949
Sau khi tiếp cận được với Chiến khu 10 và đến được địa điểm đền Chu Hưng. Nhân dân quanh vùng Chu Hưng đã tuyệt đối giữ bí mật cho cán bộ Lào, ra sức đùm bọc, nuôi giấu, hỗ trợ. Khi thấy điều kiện đã chín muồi cho việc thành lập tổ chức, ngày 16/4/1949 tại sân đền Chu Hưng, đội vũ trang đầu tiên của nước Lào trên đất Việt tên là Lát – Xạ - Vông đã ra đời. Tại buổi lễ lịch sử này, phía Việt Nam có đồng chí Lê Trọng Tấn, đại diện Quân đội quốc gia Việt Nam đến chúc mừng. Cũng từ đó, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc được nhân lên. Khi hai nước được giải phóng, sạch bóng quân thù, vào những dịp kỷ niệm lớn, đoàn cán bộ cấp cao của Lào đã tổ chức những chuyến trở về đền Chu Hưng, thăm lại nơi ra đời của đội vũ trang Lát – Xạ – Vông.Di tích đền Chu Hưng gắn liền với Chiến khu 10 năm xưa giờ đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con nhân trong xã, đồng thời là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202108/noi-luu-giu-tinh-huu-nghi-viet-%E2%80%93-lao-tren-dat-to-178939