Nỗi lo trẻ hóa các bệnh lý xương khớp

Theo một số chuyên gia, hiện tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Tại Hội thảo cập nhật những ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong phục hồi chức năng diễn ra ngày 16/5 tại Hà Nội, PGS.Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay tỉ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Robot sẽ được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, phục hồi chức năng của các cơ quan vận động.

Robot sẽ được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, phục hồi chức năng của các cơ quan vận động.

Theo thống kê của ngành Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người mắc bệnh cơ xương khớp ở mức cao, với hơn 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi. Bệnh không chỉ phổ biến ở người già mà tỉ lệ mắc ở người trẻ đang ngày một gia tăng.

Chẳng hạn, bệnh đau lưng, thoái hóa cột sống thường gặp ở dân văn phòng, do tính chất công việc ngồi nhiều, ít vận động. Theo đó, do đặc thù công việc thường xuyên phải ngồi nhiều, làm việc liên tục nhiều giờ bên máy tính khiến hơn 80% dân văn phòng mắc bệnh đau lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng.

Đau lưng, đau cột sống thắt lưng khiến người bệnh phải gánh chịu những cơn đau nhức âm ỉ, gây mệt mỏi, khó khăn trong sinh hoạt đời thường.

Ngồi vắt chân, cổ chúi về phía trước lâu sẽ khiến các cơ thể bị gò bó, bị co cứng… khiến bạn đau mỏi lưng, cổ vai gáy. Bệnh đau đầu nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống, gai cột sống… gây nguy hiểm cho người bệnh.

Người dân cần học cách ngồi đúng tư thế, ngồi thẳng lưng, thường xuyên đứng lên đi lại, vận động để các cơ được linh hoạt. Ngoài ra, khi có tuổi, tình trạng xương sẽ càng yếu, giòn hơn bởi thiếu canxi… Vì vậy ngay từ còn trẻ, người dân nên bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin trong mỗi bữa ăn để cơ thể luôn được khỏe mạnh, dẻo dai, xương chắc khỏe hơn. Căng thẳng khiến tinh thần luôn mệt mỏi cũng là nguyên nhân gây ra bệnh đau lưng.

PGS.Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, hệ vận động hay cơ xương khớp rất ít khi được chú ý cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa, người bệnh mới nhận ra bị các vấn đề cơ xương khớp gây giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, trong lối sống ngày nay, mọi người thường làm việc ngồi ở một vị trí trong nhiều giờ đồng hồ liền, khoảng 3-4 tiếng dễ gây ê cổ vai gáy và các khớp vận động trên cơ thể và cột sống.

Tác động của của bệnh lý cơ xương khớp đến mỗi người có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật. Nó gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.

Đáng lưu ý khi hiện nay nhiều người do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, phát hiện muộn hay chủ quan không điều trị sớm, đúng cách khiến lượng người mắc cơ xương khớp tăng cao, để lại nhiều di chứng, hậu quả nặng nề nhất là tàn phế.

Tại nhiều hội thảo về cơ, xương khớp, các chuyên gia cũng đề cập đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều trị đã có một bước tiến nổi bật.

AI là một sản phẩm công nghệ mới nhất, được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực của xã hội và nó cũng giúp cho chuyên ngành có thêm những công cụ hỗ trợ hiệu quả như tạo lập chương trình phục hồi cá nhân hóa, giám sát tiến trình phục hồi, dự đoán kết quả phục hồi,…

Đồng thời, các chuyên gia cũng quan tâm đến ứng dụng phát triển các robot trong điều trị. Từ lâu, robot đã được xem như là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong quá trình lưu trữ thông tin, thiết kế bài tập và hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập.

Với sự phát triển của công nghệ hiện tại, robot ngày càng thực hiện được nhiều vai trò hơn trong chương trình điều trị phục hồi chức năng như: can thiệp vận động, can thiệp tâm lý, thực hiện đào tạo và giáo dục bệnh nhân. Mới nhất là việc ứng dụng thực tế ảo trong điều trị, qua đó mô phỏng môi trường tập thể dục, tạo kịch bản phục hồi tương tác, phục hồi tâm lý.

PGS.Lê Mạnh Cường cho hay trên các kết quả nghiên cứu của thế giới ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng đem lại hiệu quả cao, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng của cơ thể.

Thời gian qua, việc cập nhật kỹ thuật y học hiện đại, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo Al, robot trong lĩnh vực y tế đã được triển khai như sử dụng Al, robot trong phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân. Hiện Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng đang cập nhật Al, robot trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền.

Theo đó, robot sẽ được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, phục hồi chức năng của các cơ quan vận động, nhằm giúp bệnh nhân sớm hồi phục sau tình trạng tai biến, mạch máu não, đột quỵ, hay sau những phẫu thuật về cơ xương khớp, chỉnh hình, các bệnh tự miễn…

Trong điều trị phục hồi chức năng các bệnh lý về cơ xương khớp, Al, robot sẽ được ứng dụng khá rộng, từ những chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống, thoát vị đĩa đệm, các vấn đề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu của thế giới, từ các nghiên cứu, ứng dụng trước đó của các quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ… thì robot đã đem lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là tăng độ chính xác, giúp cho sự phục hồi chuẩn theo chức năng của cơ thể của con người.

Đối với Việt Nam, chúng ta đã bắt đầu triển khai ứng dụng. Mặc dù đã có những kết quả tốt khi điều trị thử nghiệm trên các bệnh nhân, nhưng chúng ta vẫn cần có những nghiên cứu lâm sàng cụ thể, để có thể ứng dụng rộng rãi trong công tác điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng một cách tối ưu nhất cho người bệnh.

Để phòng chống bệnh cơ xương khớp, PGS.Lê Mạnh Cường khuyến cáo mỗi người nên thường xuyên vận động, ngồi khoảng 15-20 phút cần đứng lên đi lại để thay đổi tư thế, giúp cơ xương khớp linh hoạt, tránh ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/noi-lo-tre-hoa-cac-benh-ly-xuong-khop-d215335.html