Nơi ấy là Trường Sa

Được tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự lớn lao của những người làm báo như chúng tôi. Nơi ấy tuy xa mà gần, vì đó là vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

“Chị ở Quảng Ngãi ra thăm đảo à?, cậu chiến sĩ trẻ vừa hỏi vừa đưa tay chào tôi theo điều lệnh quân đội, rồi nhanh nhẹn giới thiệu tên là Nguyễn Quốc Thanh, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ). “Nhìn chị mang theo báo Quảng Ngãi, em nghĩ ngay chị là đồng hương”, Thanh nói. Thấy Thanh vui vẻ càng khiến tôi tự hào và xúc động. Tôi đã tặng em ấy một số sách và các ấn phẩm mới nhất của Báo Quảng Ngãi. Thanh hồ hởi ôm tập sách, báo vào lòng và nâng niu như món quà vô cùng quý giá. "Em chỉ nhận mỗi loại 5 tập, vì phòng em có 5 người, số sách, báo còn lại chị dành tặng các chiến sĩ ở những cụm chiến đấu trên đảo Trường Sa hoặc các đảo, điểm đảo khác”, Thanh bảo.

Các chiến sĩ tại điểm đảo Đá Tây C đọc sách, xem báo tại phòng đọc sách của đơn vị.

đảo Trường Sa, đọc sách, báo được xem như “món ăn” tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Nhiều chiến sĩ trẻ những ngày đầu ra đảo đều cảm thấy hụt hẫng, vì ở đảo không có Internet như trong đất liền, nhưng chỉ sau một thời gian đọc sách, báo, họ đã “nghiện” lúc nào chẳng hay. Thời gian công tác trên đảo Trường Sa, tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh từng tốp chiến sĩ ngồi dưới gốc cây bàng vuông say sưa đọc sách, báo và thư từ sau các ca gác, hay ngoài giờ huấn luyện.

Còn tại đảo Đá Đông B, dù không gian nhỏ hẹp nhưng cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn bố trí một tủ sách khá lớn ngay cạnh phòng họp. Hàng trăm đầu sách về Đảng, Bác Hồ và báo, tạp chí, thư viết tay tuy đã sờn cũ nhưng vẫn được xếp gọn gàng, ngăn nắp theo đề mục và thể loại. Chiến sĩ Vũ Minh Trí, quê ở tỉnh Ninh Bình cho biết, ở đảo không thể sử dụng mạng xã hội như ở đất liền nên sách, báo và thư chính là người bạn tâm tình giúp chúng em vượt qua quãng thời gian bỡ ngỡ ban đầu và vơi nỗi nhớ nhà. Sách, báo không chỉ giúp chúng em biết thêm nhiều thông tin trên khắp mọi miền đất nước, mà còn là kho tư liệu về lịch sử, kỹ thuật, quân sự... rất bổ ích. Vậy nên, sau giờ thứ 8 hằng ngày, hoặc trước giờ đi ngủ, em thường có thói quen đọc sách và ghi lại những thông tin bổ ích để chia sẻ với đồng chí, đồng đội.

Thầy và trò trường Tiểu học thị trấn Trường Sa hào hứng trong giờ đọc sách.

Trong chuyến hải trình đến với huyện Trường Sa vào những ngày đầu năm 2024, ngoài những món quà, hàng hóa, nhu yếu phẩm tặng quân và dân huyện đảo, còn có cả sách, báo và những lá thư viết tay của người dân trong cả nước, nhất là của các em học sinh, sinh viên. Những lá thư từ đất liền luôn được cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là cánh lính trẻ vui mừng đón nhận và chuyền tay nhau cùng đọc trong những giờ nghỉ.

Những lá thư mang hơi ấm từ đất liền được cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đón nhận và chuyền tay nhau cùng đọc trong những giờ nghỉ.

Thượng úy Đặng Văn Vũ - Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông C cho biết, những lá thư tuy mộc mạc nhưng đong đầy tình yêu biển, đảo và thấm đẫm tình cảm của người dân cả nước dành cho quân và dân Trường Sa. Dù đã nhiều năm công tác tại Trường Sa, nhưng mỗi lần đón nhận những lá thư từ đất liền gửi ra, tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi xúc động. Bởi đây không chỉ là món quà tinh thần, mà hơn hết là hơi ấm từ đất liền gửi ra, giúp chúng tôi vững tin, đoàn kết, chắc tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài những phòng đọc sách, báo, tại thị trấn Trường Sa còn có Nhà truyền thống Trường Sa - địa chỉ đỏ giáo dục tình yêu biển, đảo và truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Đây cũng là nơi để cán bộ, chiến sĩ, người dân tham quan, tìm hiểu, học tập và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Nơi đây cũng lưu giữ và trưng bày hàng trăm tư liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh... phản ánh quá trình lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Nhà Truyền thống Trường Sa.

Thiếu tá Vũ Văn Thành - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu số 3, đảo Trường Sa cho biết, đọc sách, báo là việc làm cần thiết để xây dựng ý thức tự học, bồi dưỡng nhân cách, tri thức toàn diện cho bộ đội, tiền đề tạo dựng môi trường sống thân thiện, lành mạnh cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quá trình học tập, chiến đấu. Chính vì vậy, ngoài việc đọc sách, báo tại các tủ sách, quân và dân ở đảo Trường Sa thường xuyên đến Nhà truyền thống Trường Sa để tìm hiểu, tra cứu tài liệu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa quê hương, đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiến sĩ Trường Sa tham quan tìm hiểu lịch sử tại Nhà truyền thống Trường Sa.

Đọc sách là cách để trang bị và tạo nền tảng tri thức cho bộ đội, nhất là chiến sĩ trẻ nhiều kiến thức hữu ích về mọi mặt của đời sống. Đây cũng là hành trang để khi hoàn thành nghĩa vụ nơi đảo xa, các chiến sĩ sẽ tự tin lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Ngoài tổ chức đọc báo, điểm báo hằng ngày, các đơn vị ở đảo Trường Sa thường tổ chức các hoạt động bình sách, kể chuyện theo sách... nhằm khơi dậy và hình thành thói quen đọc sách, báo, tạp chí cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Vùng 4 Hải quân cũng thường xuyên bổ sung, luân chuyển sách, báo giữa các đảo, điểm đảo để tạo sự đa dạng và phong phú về thông tin, kiến thức cho bộ đội.

Đại tá Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, nếu như sách, báo, tạp chí giúp bộ đội tự trang bị kiến thức và kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, thì những lá thư được xem như hơi ấm để làm dịu đi những khó khăn nơi đảo xa, giảm sự căng thẳng sau những giờ huấn luyện vất vả. Đây chính là động lực giúp cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa đoàn kết, kề vai sát cánh chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hiện: MỸ HOA

Trình bày: Q.DUYÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202405/emagazine-noi-ay-la-truong-sa-a0a1e48/