Nỗ lực trong 'tâm chấn'

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, dịch Covid-19 'càn quét' hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và để lại nhiều hậu quả, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, trong 'tâm chấn cơn bão Covid-19', vẫn có thể thấy nỗ lực của toàn ngành Du lịch Việt Nam trong việc chung tay, góp sức cùng Chính phủ và toàn dân phòng, chống dịch. Nén lại để bật xa hơn, sự nỗ lực, kiên trì ấy đem lại kỳ vọng ngành Du lịch sẽ sớm khôi phục đà phát triển sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

Những ấn tượng tốt đẹp của du khách về Việt Nam sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho ngành Du lịch sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Phát khẩu trang miễn phí cho du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 2-2020. Ảnh: Quang Tấn

Bức tranh ảm đạm

Nếu như những ngày đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 còn chưa lan rộng, Hà Nội vẫn đón khoảng 2,3 triệu lượt khách thì đến tháng 3, con số này đã “lao dốc” với tốc độ kỷ lục. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3-2020, lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt 321 nghìn lượt, giảm 87,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, số khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 133 nghìn lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa ước đạt 187 nghìn lượt (giảm 90%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.585 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói là công suất sử dụng phòng bình quân trong quý I-2020 của khối khách sạn chỉ đạt 43%, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019. Trên địa bàn quận Đống Đa và Hoàn Kiếm, từ tháng 2 đến giữa tháng 3-2020, đã có 151 cơ sở lưu trú phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động...

Là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group chia sẻ: "Ba tháng đầu năm 2020, các khu vui chơi do Sun Group đầu tư trên cả nước đã sụt giảm khoảng 2 triệu lượt khách, dự báo cả năm 2020 giảm 7,2 triệu lượt khách. Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, gần 20.000 phòng nghỉ đêm đã được đặt cũng bị hủy, tỷ lệ lấp đầy giảm 70 - 80%... Dịch bệnh cũng gây khó khăn cho chúng tôi trong việc sắp xếp công việc cho 11 nghìn người lao động”.

Tình hình cũng không khá hơn đối với các doanh nghiệp lữ hành, vận tải khi tỷ lệ khách hủy tour, hoãn chuyến trong tháng 2 - 3 đều ở mức 70 - 90%. Ông Nguyễn Văn Tài - CEO Công ty cổ phần Du lịch VietSense Travel cho biết: “Các tour dự kiến khởi hành trong tháng 3 và tháng 4 đều phải hủy và hoàn tiền lại cho khách. Việc chào bán tour cho những tháng sau cũng gặp khó khăn. Chúng tôi không có doanh thu để lo chi phí vận hành”.

Chia sẻ gánh nặng

Phố ẩm thực Tạ Hiện - điểm đến quen thuộc vắng bóng du khách sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn

Trong lúc khó khăn, chúng ta càng thấm thía sự chia sẻ nghĩa tình của lực lượng làm du lịch. Đơn cử như tại Công ty cổ phần Du lịch Paloma, nhiều lao động mặc dù đến hạn nhưng đã chủ động đề nghị công ty chưa tăng lương cho mình trong thời điểm này, hoặc nhận lương chậm 3 tháng với mong muốn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Còn tại Công ty cổ phần Du lịch VietSense Travel, người lao động cũng thống nhất phương án làm việc luân phiên, giảm 40% lương để chia sẻ áp lực đối với công ty.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy sự chia sẻ của các đơn vị, tổ chức như: Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội UNESCO phát khẩu trang miễn phí cho du khách tại các điểm tham quan hồi tháng 2-2020; hơn 20 khách sạn 3 - 4 sao ở Hà Nội tình nguyện đăng ký trở thành cơ sở cách ly y tế tập trung cho người nước ngoài, người có hộ chiếu ngoại giao, chuyên gia... Ông Nguyễn Văn La, Phó Giám đốc chuỗi khách sạn A25 tại Hà Nội cho biết: “Chúng tôi mong muốn được góp sức cùng Chính phủ tổ chức cách ly cho người từ nước ngoài trở về. Chúng tôi đã hoàn thành việc đăng ký và chuẩn bị cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ quy trình tiêu độc, khử trùng tại 3 khách sạn với tổng cộng 313 phòng, sẵn sàng chờ lệnh của thành phố để đón khách tới cách ly”.

Trước đó, khách sạn Hòa Bình (27 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) đã trở thành cơ sở lưu trú đầu tiên tại Hà Nội thực hiện việc cách ly có trả phí đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam từ nước ngoài về. Dưới sự chỉ đạo của Thành phố, quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng tiến hành các quy trình, thủ tục, chuẩn bị cả nhân lực và vật lực để cách ly 24 khách bảo đảm an toàn, đúng quy định.

Một sự chia sẻ đáng ghi nhận khác là việc khách sạn Mường Thanh Xa La (quận Hà Đông) đã sử dụng toàn bộ 149 phòng để đón các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Từ 31-3, hằng ngày khách sạn đã phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ, chăm sóc gần 100 lượt y, bác sĩ về cách ly và nghỉ ngơi tại đây sau mỗi ca trực vất vả. Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Xa La (Tập đoàn Mường Thanh) bày tỏ: “Ngay khi nhận được quyết định của thành phố về việc đưa khách sạn Mường Thanh Xa La trở thành điểm cách ly, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để đón khách, phun thuốc khử trùng khách sạn. Được chăm sóc sức khỏe cho những y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, Tập đoàn Mường Thanh cảm thấy rất tự hào”.

Nén chặt để bật xa

Có thể nói, ngay từ đầu, khi đối phó với dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của người dân. Những nỗ lực của Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt là những du khách đã ở Việt Nam trong giai đoạn này.

Cặp vợ chồng du khách người Anh - ông bà David và Cath Butler, sau thời gian cách ly ở Hà Nội đã viết thư cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa họ: “Chúng tôi đến du lịch Việt Nam vào ngày 1-3-2020. Sau năm ngày thật tuyệt ở Hà Nội, chúng tôi được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đống Đa để kiểm tra xem liệu có nhiễm Covid-19 hay không... Chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả các nhân viên y tế tại đây vì đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”.

Lời cảm ơn của ông bà David và Cath Butler đại diện cho nhiều du khách nước ngoài được cách ly, chữa bệnh tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bùng phát. Nhiều người trong số họ bày tỏ mong muốn trở lại thăm Việt Nam khi dịch Covid-19 được dập tắt.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, thái độ và thiện cảm của du khách có sức lan tỏa rất lớn đến người thân và bạn bè họ trong tương lai. Đây chính là kênh quảng bá hiệu quả, vì thế, phải thể hiện sự văn minh trong ứng xử với du khách, không phân biệt đối xử với người đến từ vùng dịch... để họ cảm thấy yên tâm khi trở lại Việt Nam sau này.

Đối mặt với thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn tin tưởng vào khả năng phục hồi của ngành Du lịch khi dịch bệnh qua đi. Bên cạnh việc nỗ lực duy trì hoạt động, nhiều công ty đã tranh thủ thời gian này để tái cơ cấu sản phẩm, tìm hướng phát triển thị trường, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng, ngay sau khi dịch có dấu hiệu dừng, ngành Du lịch phải bắt tay ngay vào công tác xúc tiến tại các thị trường trọng điểm và truyền thống, cơ cấu lại thị trường khách và sản phẩm, tăng cường xúc tiến bằng hình thức e-marketing và các hình thức du lịch thông minh... Cùng với đó, ngành Du lịch cần chú trọng xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm đời sống cho người lao động để họ yên tâm trở lại với nghề khi dịch bệnh kết thúc. Chắc chắn rằng, với “sức nén” là sự kiên trì, nỗ lực như hiện nay, ngành Du lịch sẽ tìm lại được “sức bật” mạnh mẽ để vượt qua khủng hoảng.

Bảo Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/963775/no-luc-trong-tam-chan