Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh

Trong tháng 9 vừa qua, trên cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp với lứa tuổi học sinh. Vậy nên, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh đang được Hà Nội đặc biệt quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh.

Nhiều học sinh thiệt mạng do tai nạn giao thông

Thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường THPT. Trong khi vào đầu năm học, quy định này đã được nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, theo lý giải của một số phụ huynh, do nhà chỉ có một chiếc xe làm phương tiện đi lại chung, hoặc cha mẹ bận đi làm không thể đưa đón nên đành phải giao xe cho con em tự điều khiển đi học.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Cụ thể, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1. Ðiều này đồng nghĩa với việc đa phần học sinh đang học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3.

Tình trạng học sinh điều khiển xe máy đi học khá phổ biến.

Tình trạng học sinh điều khiển xe máy đi học khá phổ biến.

Việc các em học sinh chưa có bằng lái, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật điều khiển xe máy tham gia giao thông đã gây nên những tai nạn đáng tiếc, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 563 vụ tai nạn liên quan trực tiếp với lứa tuổi học sinh. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 329 em và khiến 528 em bị thương.

Thượng tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết: “Những con số này cực kỳ đau xót khi các em còn là mầm non tương lai của đất nước. Chúng tôi nhận thấy cần chung tay cùng với các sở, ban ngành quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo an toàn giao thông”.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin, tình hình TNGT liên quan đến học sinh 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội, xảy ra 17 vụ, làm 9 em thiệt mạng, 13 em bị thương (so sánh cùng kỳ 2022 giảm 8 vụ, giảm 5 người chết, giảm 5 người bị thương).

Xe máy đang trở thành loại phương tiện đi lại phổ biến của học sinh. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, cấm đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Dù vậy, nhiều học sinh chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường, lựa chọn xe máy trên 50cm3... Những hành vi vi phạm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho những người đi đường và cho chính bản thân các em.

Dành sự quan tâm đặc biệt

Sáng 20/10, Đội CSGT số 10 (Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức ra quân xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm.

Chỉ trong ít phút ra quân, lực lượng này đã bắt giữ hàng loạt học sinh điều khiển xe máy trên 50cm3 đi học. Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên đường.

Về công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên 9 tháng năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 1.814 trường hợp vi phạm. Trong đó, phạt tiền ước tính 1.011 tỷ đồng đồng, tước 42 Giấy phép lái xe, tạm giữ 770 mô tô, xe máy (bao gồm xe máy điện), 9 xe đạp máy.

Các hành vi vi phạm chủ yếu của học sinh, sinh viên như: vi phạm nồng độ cồn (1 trường hợp); vi phạm tốc độ (4 trường hợp); đi không đúng phần đường, làn đường (1 trường hợp); không có Giấy phép lái xe (120 trường hợp); vượt đèn đỏ ( 8 trường hợp); vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm (1.710 trường hợp).

Ông Nguyễn Phi Thường cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn thành phố có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất ATGT, trong đó khu vực nội thành 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí.

Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu thí điểm tại 3 khu vực có điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau. Bao gồm cụm trường Tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai).

Để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông đối với học sinh, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 chương trình tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho khoảng trên 22.500 giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học phổ thông; tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền văn hóa giao thông cho gần 6.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên trường đại học, cao đẳng tham dự.

Công an thành phố chỉ đạo Phòng CSGT trong tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường, tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở giáo dục 138 buổi với 133.446 học sinh, 9,701 giáo viên tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về ATGT cho 79.030 lượt học sinh, sinh viên;

Tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên chưa đưa điều kiện điều khiển xe máy cho 27.354 lượt phụ huynh; tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học; trao 682 mũ bảo hiểm, 50 áo phao cho học sinh trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu với sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, đào tạo và nguồn lực. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao mức độ an toàn giao thông, giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhất là với học sinh.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/no-luc-dam-bao-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh.html