Những khu phố đắt đỏ nhất nước Mỹ đang trống rỗng

Việc giới đầu tư, những người nổi tiếng và giàu có lần lượt chuyển đến Florida, giá trị bất động sản tại khu vực này và một số vùng lân cận bắt đầu tăng nhanh.

 Nhiều người giàu rời bỏ New York để đến vùng có khí hậu ấm áp hơn.

Nhiều người giàu rời bỏ New York để đến vùng có khí hậu ấm áp hơn.

Star Island, hòn đảo riêng tư bậc nhất tại Miami (Florida, Mỹ), đã thu hút những người giàu có và nổi tiếng trong nhiều thập kỷ.

Việc Ken Griffin, người sáng lập và Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư phòng hộ Citadel, chuyển trụ sở đến “Sunshine State” đã biến khu vực này thành một mô hình thu nhỏ của sự thay đổi về xu hướng nhân khẩu học và nhà ở trên khắp nước Mỹ.

Dữ liệu từ Zillow Group Inc. cho thấy một ngôi nhà điển hình trên đảo được định giá hơn 40 triệu USD, tăng từ 23,5 triệu USD vào tháng 12/2019.

Điều này khiến Star Island trở thành khu sống đắt đỏ nhất ở Mỹ, kéo gần khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh: Port Royal ở Naples (Florida) và Beverly Hills, “thành phố ngôi sao” tại California.

Tăng giá nhà

Griffin đã mua 5 bất động sản trên đảo với tổng trị giá 194 triệu USD. Mục đích của Griffin phản ánh phần nào động thái của giới siêu giàu và có quyền lực ở Mỹ sau đại dịch Covid-19, theo Bloomberg.

Việc họ liên tục rời khỏi Upper East Side (New York), Nob Hill (San Francisco) để đến những vùng có thời tiết ấm áp và thưa người hơn như Florida, Texas đã làm tăng giá bất động sản ở một số địa phương.

Khi các CEO chuyển chỗ ở và mang theo công việc kinh doanh của họ, những người giàu khác cũng làm như vậy.

Theo một phân tích của Bloomberg, trong khi sự bùng nổ bất động sản trên diện rộng đã nâng giá cả trên toàn quốc thì khu vực Miami đã chứng kiến số lượng mã bưu điện trị giá hàng triệu USD tăng hơn gấp đôi từ cuối năm 2019 đến năm 2022.

Điều này cũng xảy ra tương tự ở thành phố Park (Utah) hoặc Flagstaff (Arizona) với mức tăng giá nhà hơn 90% ở một số khu dân cư giàu có.

 Du khách đi bộ kín con phố ở Fort Lauderdale, Florida. Ảnh: Reuters.

Du khách đi bộ kín con phố ở Fort Lauderdale, Florida. Ảnh: Reuters.

Mặc dù New York và California vẫn là 2 nơi xếp hạng gần đầu danh sách các khu vực đắt đỏ nhất, giá trị ở một số vùng lân cận đã giảm đáng kể từ năm 2019.

Nhiều nhà chức trách tiểu bang và địa phương đang vật lộn tìm cách khôi phục sức hấp dẫn của các “thành phố trống rỗng” khi người dân ồ ạt bỏ đi.

Dù lý do là gì, những mô hình này và sự gia tăng tương ứng về chi phí nhà ở đang định hình lại các khu vực, thay đổi quyết định kinh doanh và làm tăng thêm thách thức về khả năng chi trả cho những cư dân có mức thu nhập trung bình.

“Đại dịch thực sự giống như một sự dịch chuyển của mảng kiến tạo”, Maria Elena Lagomasino, giám đốc điều hành của WE Family Offices, chuyên làm việc với các gia đình siêu giàu, cho biết.

Hiện Lagomasino đang hoạt động bên ngoài khu phố Brickell (Miami), nơi có thị trường tài chính sôi nổi đến mức nó được mệnh danh là “Phố Wall phía nam”. Đối với cô, việc di cư của những người giàu đến đây chỉ diễn ra trong “những phiên đầu tiên”.

Florida, một điểm đến phổ biến trong thời kỳ Covid-19 vì khí hậu nắng ấm, các quy tắc tương đối lỏng lẻo và không có thuế thu nhập, là nơi có 38 trong số 50 khu dân cư trị giá hàng triệu USD của Mỹ có diện tích lớn nhất.

Điều đó không có gì ngạc nhiên với Dina Goldentayer, người đã từng là nhà môi giới bất động sản cao cấp ở Miami trong gần 2 thập kỷ.

Trong chuyến tham quan những khu phố đắt đỏ nhất, cảm giác của Goldentayer đã thay đổi so với nhiều năm về trước. Cô bị thu hút bởi bầu không khí sôi động và những nhân viên phục vụ cocktail ở South Beach.

“Bãi biển Miami từng là nơi tôi đến vài ngày để tiệc tùng, tắm nắng và vui chơi. Giờ đây nó là nơi để sống. Mọi người đều muốn đến đây”, Goldentayer, Giám đốc điều hành mảng bán hàng của Douglas Elliman, chia sẻ.

Công việc kinh doanh của cô vẫn phát đạt, ngay cả khi nó không hưng thịnh như trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch. Lúc đó, không ít khách hàng siêu giàu - “những con cá voi” - như cách Goldentayer gọi họ - đã liên tục liên hệ cô để mua thêm bất động sản.

“Trước đây, cứ 2 tuần lại có một ‘cá voi’ đến thị trấn tìm mua. Bây giờ, mỗi ngày đều có khách ghé qua. Khi các tiểu bang như California đánh thuế biệt thự của họ hoặc Massachusetts tăng thuế với triệu phú, việc buôn bán của tôi tự nhiên ‘phất’ lên”, cô nói.

Thành phố của những người giàu

Star Island là một trong những khu dân cư thượng lưu nhất ở Mỹ, nơi tất cả ngôi nhà đều nhìn ra biển, với những dinh thự rộng rãi thu hút tỷ phú và người nổi tiếng đến lưu trú.

Goldentayer cho biết quần đảo Venice ở nơi này - bao gồm 6 hòn đảo nhân tạo - đã trở thành “vùng đất của những người độc thân giàu có”.

Đối với những gia đình đang tìm kiếm những căn nhà lớn hơn nhưng không có ngân sách như Ken Griffin, họ có thể chuyển hướng sang Palm Island, với giá trị nhà trung bình chỉ dưới 10 triệu USD.

Bruce Ring, người chuyên bán những ngôi nhà ven sông cho Lenson Realty Inc. ở Palm Beach County, cho hay thị trường trở nên siêu sôi động vào cuối năm 2020 khi các bất động sản được bán với giá gấp đôi so với vài năm trước đó.

Ring nói rằng khách hàng của anh đã di chuyển khắp nơi khi cái nhìn về công việc từ xa ngày càng cởi mở.

California vẫn là “ngôi nhà chung” của một số khu vực giàu có, với thị trấn Atherton ở Thung lũng Silicon được xếp hạng là nơi đắt đỏ nhất nước Mỹ (giá trị nhà trung bình khoảng 7,4 triệu USD), theo Zillow.

Chính quyền thành phố đã “linh hoạt quyền lực chính trị” của họ để biến nơi đây thành lãnh địa của người giàu.

Nhưng con số đó thực sự đã giảm khoảng 3% trong năm qua - phản ánh sự bùng nổ công nghệ đã tạo ra sự thịnh vượng nhưng đang dần lụi tàn.

 San Francisco vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.

San Francisco vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.

Trong khi đó, San Francisco phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch khi các công ty công nghệ cho phép làm việc linh hoạt khiến trung tâm thành phố trở nên vắng vẻ.

Giá trị nhà ở các khu vực lân cận như Cathedral Hill, Mission Dolores, South of Market, Nob Hill, Lower Haight và Mission đều giảm hơn 10% kể từ năm 2019.

New York cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự. Một cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac được công bố trong tháng này đã chỉ ra rằng cứ 10 cư dân thì có 4 người không cảm thấy an toàn trong thành phố. Việc chuyển sang mô hình hybrid đã khiến các tòa tháp văn phòng bị bỏ trống một phần.

Brian Meier, cộng tác viên môi giới tại Christie's International Real Estate NYC, cho hay giá trị của khu phố Upper East Side của Manhattan đã giảm 8,8% trong 3 năm qua.

“Đây là thủ đô văn hóa của Mỹ và có vị trí quan trọng với thế giới. Tôi nói chuyện với nhiều người đã rời New York vào năm 2020, họ đều khẳng định sẽ quay trở lại, cho dù đó là ngôi nhà thứ 2 hay nơi ở chính”, Brian chia sẻ.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-khu-pho-dat-do-nhat-nuoc-my-dang-trong-rong-post1405680.html