Những diễn biến nổi bật tại phiên tòa phúc thẩm đại án Việt Á

Sau 3 ngày, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án Việt Á đã kết thúc. Người Đưa Tin xin điểm lại những diễn biến nổi bật trong thời gian xét xử.

“Cái kết” của những sổ tiết kiệm trăm tỷ

Tại phiên phúc thẩm, bà Đàm Thị Trinh (mẹ Phan Quốc Việt) kháng cáo “gỡ phong tỏa” 52 sổ tiết kiệm tại nhiều ngân hàng với tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng và kháng cáo của vợ của Phan Quốc Việt về hai sổ tiết kiệm của con trị giá 20 tỷ đồng gây chú ý.

Tại tòa, bà Trinh có cho biết đó là số tiền Việt đã gửi trả nợ do bà đã cho con vay để Việt lập nghiệp suốt từ năm 2008. Luật sư của bà Trinh cũng xuất trình một số vi bằng chứng minh việc vay tiền giữa bà Trinh với một số người thân, bạn bè, song HĐXX cho rằng các vi bằng này chỉ được xác lập đơn phương, không có văn bản ký kết giữa các bên.

HĐXX khẳng định, số tiền Phan Quốc Việt "trả nợ" mẹ và lập sổ tiết kiệm cho con đều tiền bất chính do bán khống kit xét nhiệm mà có.

HĐXX khẳng định, số tiền Phan Quốc Việt "trả nợ" mẹ và lập sổ tiết kiệm cho con đều tiền bất chính do bán khống kit xét nhiệm mà có.

HĐXX phúc thẩm đánh giá, số tiền Việt trả cho bà Trinh và lập 2 sổ tiết kiệm đều trùng với giai đoạn bán kit test và là nguồn tiền bất chính do Việt phạm tội mà có.

Hơn nữa, mối quan hệ vay mượn giữa bà Trinh và những người này chỉ là quan hệ dân sự, không liên quan đến việc thu lời bất chính của vụ án và việc tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Do đó, việc phong tỏa các tài khoản này để đảm bảo việc thi hành án của bị cáo Phan Quốc Việt là đúng quy định pháp luật.

“Điểm sáng” của vụ án

Tại phiên tòa, nhiều quan điểm bào chữa cho rằng, các bị cáo phạm tội trong tình thế dịch bệnh cấp bách nên cần được coi đó là tình tiết giảm án. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, dịch bệnh căng thẳng nhưng thời điểm đó không chỉ có mỗi Việt Á bán kit test.

“Nhiều đơn vị đang mua của hãng khác rẻ hơn nhưng vì biết Việt Á có hoa hồng, có cảm ơn nên quay sang mua của Việt Á. Từ đó mà dẫn đến sai phạm của đấu thầu. Đó mới là vấn đề”, HĐXX nhấn mạnh.

Tuy nhiên tại phiên tòa, vẫn có người “không tơ tưởng, không nhận một đồng” của Việt Á là ông Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương.

Ông Trần Thanh Phong (áo nâu) và luật sư bào chữa của mình.

Ông Trần Thanh Phong (áo nâu) và luật sư bào chữa của mình.

Hành động “không vụ lợi” này chính là một điểm sáng của vụ án. Từ đó, mà HĐXX có căn cứ quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho ông Phong.

Về lý do được trước đó được tuyên án treo, được tại ngoại nhưng vẫn kháng cáo, ông Phong chia sẻ, vợ chồng ông có 3 người con, cháu nhỏ mới được 4 tuổi. Việc kháng cáo chính là muốn chứng minh bản thân trong sạch để làm tấm gương cho các con. “Như vậy thì sau này có thể nuôi dạy các con được tốt hơn”, ông Phong xúc động.

Vì sao chỉ có 6 bị cáo được giám án?

Phiên tòa phúc thẩm có 11 người làm đơn kháng cáo với nội dung đề nghị xin giảm hình phạt hoặc xem xét lại lại đúng bản chất của vụ án. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại vụ án, đặc biệt là các tình tiết giảm nhẹ mới được đưa ra, HĐXX chỉ chấp nhận kháng cáo và giảm hình phạt cho 6 bị cáo.

Cụ thể, các bị cáo được chấp nhận kháng cáo và giảm án gồm: Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Ngụy Thị Hậu (cựu Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán CDC Bắc Giang); Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên xét nghiệm CDC tỉnh Bình Dương); Trần Thanh Phong (cựu Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC tỉnh Bình Dương).

HĐXX cho biết, chỉ những bị cáo cũng cấp các tình tiết mới, mới được xem xét giảm nhẹ, bởi các tình tiết cũ đề đã được áp dựng tại phiên sơ thẩm.

Có 6/11 bị cáo được giảm án.

Có 6/11 bị cáo được giảm án.

Đơn cử, trường hợp ông Nguyễn Thanh Long, ngoài số tiền 2,25 triệu USD nhận hối lộ dã khắc phục hết tại tòa sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm vẫn khắc phục thêm chung cho vụ án 1 tỷ đồng. Luật sư cũng đưa ra xác nhận của bệnh viện về việc ông Long đang mắc nhiều bệnh nguy hiểm, bổ sung thêm những thành tích trong công tác nên đã được xem xét giảm án.

Trong khi đó, nhiều bị cáo như Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á khắc phục thêm 200 triệu đồng, Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ khắc phục và nhiều bị cáo khác đều khắc thêm 50 triệu đồng, nhưng HĐXX đánh giá số tiền đó “không đáng kể” với hậu quả và thiệt hại gây ra, ngoài ra không có thêm tình tiết giảm nhẹ khác nên không được áp dụng.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-dien-bien-noi-bat-tai-phien-toa-phuc-tham-dai-an-viet-a-a664172.html