Những 'địa chỉ đỏ' trong Khởi nghĩa Nam kỳ ở Long An

Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ. Sau 83 năm (23/11/1940 - 23/11/2023), nhiều di tích lịch sử (DTLS) trong tỉnh ghi dấu ấn những cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và nhân dân, nay trở thành những 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng, vun bồi lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đoàn viên, thanh niên xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước

Đoàn viên, thanh niên xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước

Giồng Cám ghi dấu tinh thần đấu tranh bất khuất

DTLS Giồng Cám (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là nơi ghi dấu cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ của những người chiến sĩ cùng nhân dân Đức Hòa. Thời điểm đó, ban chỉ đạo khởi nghĩa Đức Hòa dùng mưu lược để tiêu diệt Quản Nên và Bếp Nhung, 2 tên có nhiều nợ máu với đồng bào ta lúc bấy giờ. Lúc đó, phe ta cho người đến báo “Cộng sản đang ở trong Giồng Cám”, hay tin, 2 tên này cùng một toán lính đi vào khu vực Giồng Cám để tìm bắt.

Đợi thời cơ đến, các chiến sĩ phục kích tiêu diệt 2 tên ác ôn đó. Sau khi tiêu diệt, chiều ngày 23-11-1940, bọn địch ở Đức Hòa đi lấy xác Quản Nên và Bếp Nhung vùi chung 4 người dân ở con mương nhà ông Lê Văn Khách tại Giồng Cám. Hôm sau, Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa ở Đức Hòa, đốt 40 căn nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người, vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách. Bọn chúng gom hàng chục người, đa số là phụ nữ, trẻ em rồi tưới xăng thiêu sống. Dù vậy, người dân và nhiều chiến sĩ ở Đức Hòa không hề nao núng, chiến đấu đến cùng. Tuy không thắng lợi nhưng phong trào đã nêu cao tinh thần yêu nước, là bài học quý giá cho phong trào khởi nghĩa vũ trang sau này.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa - Huỳnh Văn Thanh chia sẻ: “Đức Hòa Thượng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, nhất là cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Xã thường xuyên tuyên truyền đoàn viên, thanh niên về những chiến công của thế hệ đi trước, khơi gợi tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ để phấn đấu học tập, góp sức xây dựng địa phương”.

“Hoàng Hậu Đỏ” - người phụ nữ anh hùng trong Khởi nghĩa Nam kỳ

“Hoàng hậu đỏ” là biệt danh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy (SN 1909 tại làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gò Công, nay là xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Giác ngộ cách mạng năm 1932, bà tích cực tuyên truyền, vận động nông dân vào Nông hội đỏ, Tổ phụ nữ giải phóng. Năm 1936, bà vinh dự là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Dân chủ tỉnh Chợ Lớn.

Trong Khởi nghĩa Nam kỳ, bà chỉ huy chủ yếu cuộc nổi dậy ở huyện Cần Giuộc, được người dân tín nhiệm. Trên địa bàn huyện Cần Giuộc, thực dân Pháp bắt đầu ra tay khủng bố trắng, hầu như nơi nào cũng có các cuộc tàn sát dã man. Ngày 14/12/1940, bà Nguyễn Thị Bảy bị địch bắt trong cuộc càn quét khi trên đường rút về Rừng Sác. Trong tù, dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng bà luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, vì thế giặc Pháp tôn bà là “Hoàng hậu đỏ”. Ngày 26-5-1941, bà bị xử bắn tại sân banh Cần Giuộc, hiện nay, một phần sân banh là công viên Nguyễn Thị Bảy.

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc luôn nhớ đến công lao của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bảy

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc luôn nhớ đến công lao của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bảy

Em Nguyễn Thị Ngọc Trâm - học sinh lớp 12A5, Trường THPT Cần Giuộc, chia sẻ: “Em còn nhớ câu nói nổi tiếng của mẹ Bảy là “Hãy tiếp tục đấu tranh, đánh đuổi được đế quốc Pháp thì dân cày mới có ruộng. Khởi nghĩa lần này thất bại, lần sau sẽ thành công”. Em rất tự hào là người con của Cần Giuộc, nơi gắn liền với sự nghiệp cách mạng của mẹ Bảy, từng học ở ngôi trường THCS mang tên mẹ, được học về những chiến công, thành tích và sự hy sinh của mẹ. Em rất biết ơn và cố gắng học tập để trở thành người có ích, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha anh đi trước”.

Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc - Phạm Nguyễn Minh Mẫn cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Cần Giuộc có công viên, cầu giao thông, trường học mang tên mẹ Bảy. Đoàn thị trấn thông qua các buổi sinh hoạt cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn thị trấn còn tăng cường tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh,... nhân các dịp lễ, tết”./.

K.Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-dia-chi-do-trong-khoi-nghia-nam-ky-o-long-an-a166737.html