Những 'chiến sĩ văn hóa' Ninh Bình chung tay chống dịch COVID - 19

Đại dịch COVID-19 diễn ra tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống, trong đó có những người làm công tác văn hóa, văn nghệ. Và trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và mọi thành phần trong xã hội đã và đang tích cực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ cũng không đứng ngoài cuộc.

Tác phẩm "Hãy đeo khẩu trang đúng cách" của họa sỹ Ngô Thị Hồng Nhung.

Tác phẩm "Hãy đeo khẩu trang đúng cách" của họa sỹ Ngô Thị Hồng Nhung.

Trong số các văn nghệ sỹ Ninh Bình, họa sỹ Phan Tuấn Ngọc có lẽ là người "ghi dấu ấn đầu tiên" trong công cuộc chống dịch. Ngay từ đợt dịch đầu tiên, anh đã có bộ tranh công phu với 9 bức vẽ về đề tài chống dịch COVID-19. Điều đặc biệt là họa sỹ họ Phan hoàn toàn không phải là người vẽ tranh theo kiểu cổ động, hô hào, minh họa chủ trương chống dịch đơn thuần. Đại dịch COVID-19 với sức tàn phá kinh khủng đời sống đã tác động mạnh đến cảm quan của Phan Tuấn Ngọc khiến anh có những mô tả, cảm nhận riêng về dịch bệnh.

Thế giới nghệ thuật của Phan Tuấn Ngọc tái hiện đời sống trong những ngày dịch bệnh là một thế giới vắng lặng, cô đơn, khi mà mọi sự liên hệ, giao thương bị cắt đứt. Mỗi con người là một cá thể đơn lập, phiêu du, suy tưởng trong một vũ trụ của riêng mình. Bộ tranh 9 bức với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng cùng chung một chủ đề: "hãy ở nhà" như một tuyên ngôn, cổ vũ cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội rằng hãy ở yên trong ngôi nhà của mình, sống chậm, cảm nhận sâu hơn mỗi phút giây về cuộc sống, đó chính là liều thuốc giúp phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu.

Đồng hành trong cuộc chiến chống COVID-19 cùng họa sỹ Phan Tuấn Ngọc còn có nhiều gương mặt trong giới mỹ thuật như: Nguyễn Văn Nguyên, Kù Kao Khải, Phạm Mây... Sự vào cuộc kịp thời, đông đảo của giới mỹ thuật đã làm cho cuộc chiến chống dịch của giới văn nghệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thông điệp mà các họa sỹ, nhà điêu khắc gửi tới cộng đồng, là những người bệnh cần có vắc xin, còn xã hội cũng cần có "liệu pháp tinh thần" để vững tin vượt qua đại dịch.

Không chỉ các họa sỹ mà công cuộc chống dịch cũng mang đến nhiều dư âm từ lĩnh vực âm nhạc. Hàng loạt tác giả âm nhạc của Ninh Bình về đề tài dịch bệnh COVID-19 được giới thiệu. Tác giả Ninh Mạnh Thắng với "Con lên đường chống dịch mẹ ơi" dành cảm xúc trước những chuyến đi vào tâm dịch của "những chiến binh áo trắng". Những chuyến xe chở các bác sỹ đi vào tâm dịch phía Nam nhưng tâm trạng người đi không hề bi lụy mà hào sảng, son sắt một niềm tin vào những ngày mai sẽ chiến thắng dịch bệnh trở về.

Nhạc sỹ Mai Công Thắng lại cho người nghe hình dung về những bác sỹ như những "Nàng tiên áo trắng" nhân từ, hiền dịu đến bên giường bệnh vỗ về, an ủi nâng giấc cho bệnh nhân, trao cho người bệnh niềm tin về sự sống, hy vọng về cuộc đời, về những điều tốt đẹp, thiện lành sẽ đến trong cuộc sống...

Những người làm văn hóa, văn nghệ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng góp sức vào công cuộc chống dịch với nhiều việc làm đầy tâm huyết. Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều hoạt động nghiệp vụ văn hóa quần chúng tại cơ sở không thể triển khai được. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa tỉnh đã rất sáng tạo khi thực hiện việc viết, thu âm các kịch bản truyền thanh về đề tài phòng, chống dịch COVID-19, dùng phát trên hệ thống truyền thanh 3 cấp, đăng tải trên kênh Youtube...

Tác phẩm "Phun khử khuẩn" của họa sỹ Hoàng Thị Huyền.

Những kịch bản như: "Góp tấm lòng vàng đánh bay COVID","Tinh thần thời COVID", của tác giả Kim Cương, với thời lượng ngắn, lời thoại sinh động, ngôn từ gần gũi với đời sống người bình dân, lại khéo léo lồng ghép nhiều chủ trương, chính sách, các hướng dẫn về chuyên môn trong việc chống dịch đã gây ấn tượng mạnh với quần chúng, góp phần nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ, ủng hộ công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Nhà nước.

Ngoài việc sáng tác các kịch bản truyền thanh, đội ngũ tuyên truyền văn hóa cơ sở của Trung tâm Văn hóa tỉnh còn sáng tác nhiều bài hát Xẩm, gửi cho các CLB văn nghệ quần chúng tập luyện.

Hiện 2 bản Xẩm: "Hãy luôn nhớ 5K","Chiến thắng đại dịch COVID" đã được các hội viên nhóm Xẩm chợ Lồng (Yên Mô) tập luyện, thu âm và Trung tâm sẽ làm video tuyên truyền trên các kênh của đơn vị và tại địa phương... Ưu điểm của hình thức văn nghệ tuyên truyền này là dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu, giúp truyền tải các chủ trương, chính sách đến với người dân một cách khéo léo, mềm mại, phát huy hiệu quả tuyên truyền cao.

Bên cạnh tuyên truyền bằng hình thức văn nghệ, Trung tâm Văn hóa tỉnh có nhiều sáng tác mỹ thuật mang tính cổ động chống dịch COVID-19. Tiêu biểu phải kể đến các sáng tác tranh cổ động của các họa sỹ Ngô Thị Hồng Nhung với các tác phẩm "Hãy đeo khẩu trang đúng cách", "Hãy giữ an toàn cho bạn và chúng ta trước đại dịch COVID -19", "Hãy đeo khẩu trang để bảo vệ gia đình bạn"; các tác phẩm với chất liệu acrylic của họa sĩ Hoàng Thị Huyền với tác phẩm "Hạnh phúc vàng trong mùa dịch" và tác phẩm "Phun khử khuẩn"...

Lợi thế của hình thức các tuyên truyền kiểu này là tuyên truyền trực quan, tạo ấn tượng mạnh với quần chúng, tác động vào ý thức của người dân trong công cuộc phòng, chống đại dịch.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến toàn xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền lưu động phục vụ trực tiếp nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình trước đại dịch, những "chiến sĩ văn hóa" đã xung trận.

Bằng ngòi bút, bằng trí tuệ của mình, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã sáng tác, luyện tập, thu âm những kịch bản sân khấu truyền thanh, soạn lời hát, vẽ tranh cổ động, mỹ thuật... Thông qua những tác phẩm nghệ thuật truyền tải cho quần chúng nhân dân những thông điệp quan trọng về phòng, chống đại dịch COVID-19, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm được trở lại bình yên.

Nam Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-chien-si-van-hoa-ninh-binh-chung-tay-chong-dich-covid/d2021100219142521.htm