Những câu chuyện còn lại về anh hùng, liệt sĩ Trần Can-Bài 2: Người con xứ Nghệ trong lòng đất nước

Trở về sau Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại Điện Biên, ông Trần Hồng Lĩnh, cháu của Anh hùng liệt sĩ Trần Can cho biết, khi ông đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 thắp hương cho người chú ruột của mình thì cũng có những vị khách về nguồn đến viếng các liệt sĩ Đồi A1 và hỏi nhau Trần Can là ai. Ông đã giải thích cho khách và giới thiệu mình là cháu ruột của Anh hùng liệt sĩ Trần Can.

Việc có nhiều người chưa biết rõ về Anh hùng liệt sĩ Trần Can như vậy không phải là cá biệt, bản thân tôi khi đến Điện Biên Phủ, tham quan bảo tàng và nghĩa trang cũng có mối băn khoăn về sự ít được biết đến của người anh hùng liệt sĩ này so với 3 anh hùng liệt sĩ còn lại. Trong nỗi băn khoăn ấy, tôi đã cố gắng kết nối để tìm kiếm những câu chuyện còn lại về người chiến sĩ quả cảm quê xứ Nghệ.

Những kỷ niệm về người anh gan dạ

Rất may mắn là chúng tôi đã kết nối được với ông Lê Văn Tuấn, một người kém Trần Can 8 tuổi nhưng đã có những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với người anh hùng. Ông Lê Văn Tuấn sinh năm 1939, tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cũng là quê hương của người anh hùng Trần Can (Ông Lê Văn Tuấn hiện sinh sống tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Ông Tuấn kể, gia cảnh nghèo khó, lên 4 tuổi thì bố mất, Trần Can phải đi ở cho nhà địa chủ. Gia đình mà Trần Can ở là của ông Lê Do, chính là người chú họ của ông Tuấn. Nhà ông Lê Do thuê 3 người làm, trong đó có Trần Can. Anh làm đủ việc nhưng chủ yếu là đi chăn trâu cho nhà chủ, một mình chăn 3 con trâu. Có những hôm anh mải chơi, trâu đi lạc nên về bị đánh đòn.

 Ông Lê Văn Tuấn, người bạn tuổi thơ của Anh hùng liệt sĩ Trần Can.

Ông Lê Văn Tuấn, người bạn tuổi thơ của Anh hùng liệt sĩ Trần Can.

Nhà ông Tuấn ở gần đó, cách một bờ dậu, dù chênh nhau 8 tuổi nhưng hai anh em thân nhau. Ngày nhỏ ông Tuấn có tên là Tửu. Vào mùa sim, mỗi lần đánh trâu từ rú về qua ngõ thế nào Trần Can cũng gọi: “Tửu! Tửu! Mi ra mau tau bảo”. Chú bé Tửu chạy ra, anh Can ra hiệu vạch túi áo nâu non rồi trút từ tay áo anh xuống đầy túi sim chín mọng cho cậu bé. Tửu tha hồ ăn đen mép những quả sim căng tròn như bầy trâu con.

Vào vụ gặt thì anh Can cùng với người nhà ông Lê Do cùng đi gặt. Khi gặt về, các bà trục lúa và rang cốm. Buổi tối, Trần Can lại vẫy chú bé Tửu sang, hai anh em nằm trong ổ rơm mới thơm hương lúa, vừa ăn cốm vừa trò chuyện. Mùa đông rét, hai cậu bé cùng lấy những chiếc bì đựng lúa đan bằng đay đắp thay chăn. Sáng sớm, anh Can lại gọi Tửu dậy về, còn anh lại đánh trâu vào núi.

Có lần hai anh em cùng cưỡi trâu, con trâu lồng lên phi xuống đầm khiến chú bé Tửu sợ xanh mặt, trong khi anh Can vẫn ghì chắc chiếc thừng giữ thăng bằng và nhắc cậu em ngồi sau ôm chặt. Sự gan dạ của Trần Can đã được thể hiện từ những ngày niên thiếu như thế.

Tuy nhỏ tuổi nhưng cậu bé Tửu khá lanh lợi, hai anh em thân và quý nhau nên những kỷ niệm về người anh, ông vẫn nhớ nguyên trong lòng cho đến hôm nay, khi đã ở tuổi 85. Trong trí nhớ của ông Tuấn, Trần Can là một thiếu niên lanh lợi, da đỏ au, hàm én rất điển trai nhưng cũng rất gan dạ. Trên má anh có vết sẹo dài gần chục phân từ gò má kéo xuống tới cằm do bị trâu húc.

Anh Can thường bảo cậu bé Tửu rằng, thanh niên phải đi bộ đội đánh giặc để đất nước hòa bình. Ông không ngờ người anh bình dị ngày thơ ấy mấy năm sau đã là một chiến sĩ chiến đấu kiên cường ở Tây Bắc, luôn xung phong ở tuyến đầu và anh dũng ngã xuống nơi chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Lê Văn Tuấn vẫn nhớ chuyện anh Can đi bộ đội. Xã Sơn Thành có 3 cái điếm thì điếm làng ông là to nhất. Trần Can đã xin đi bộ đội mấy lần nhưng vì vóc dáng nhỏ bé nên không được toại nguyện. Đến lần thứ tư, tháng 1-1951, anh đã được tuyển, nhập ngũ vào Sư đoàn 312. Trần Can cùng với 4, 5 người của xã cùng đi bộ đội đợt ấy tập trung ở điếm, mặc quần áo nâu, đi dép lốp, đội mũ nan.

Những người trong gia đình dặn dò anh: Can ơi, mày vào bộ đội là phải cố gắng, chứ mày là háu đói lắm đấy. Mọi người dặn như vậy là vì Trần Can là người nhanh đói, mỗi lần đi đâu về, câu đầu tiên thế nào anh cũng hỏi mẹ rằng cơm chín chưa, hoặc sục vào chạn tìm cơm nguội.

Ông Tuấn lớn lên cũng đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường K, sau đó về công tác tại Cục Đối Ngoại Miền Tây, thuộc Bộ Quốc phòng, đến năm 1978 mới nghỉ hưu. Điều ông thắc mắc là, ngày trước các anh hùng đều được in cuốn sách nhỏ nói về gương chiến đấu, hy sinh để thế hệ trẻ học tập, nhưng ông không thấy sách về Trần Can, người anh tuổi thơ mà ông hằng ngưỡng mộ.

Noi gương người anh Trần Can, ông Tuấn cũng chiến đấu hết mình và bị thương ở chiến trường K sát biên giới Thái Lan. Đi suốt đời quân ngũ, là thương binh hạng ¼, hạng nặng nhất, sức khỏe yếu và mọi thứ cuốn đi, mãi đến năm 2013, ông Tuấn mới nói người cháu đưa lên Điện Biên để thăm mộ người anh thuở thiếu thời.

Đến Điện Biên, ông bảo người cháu ra chợ mua một bó hoa trắng để viếng mộ Trần Can, vì khi hy sinh, Trần Can mới 24 tuổi, chưa một mảnh tình. Bước vào Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi A1, đến chỗ cây vạn tuế, ông nhìn thấy mộ Phan Đình Giót ở bên phải, mộ Trần Can bên trái, ông Tuấn ngồi xuống ôm mộ Trần Can rưng rưng nước mắt.

Kể lại câu chuyện, ông Tuấn đọc cho tôi nghe mấy câu thơ mà ông xúc cảm viết từ lần viếng mộ người anh năm ấy: Chiều nay ôm mộ anh Can/ Bao năm xa cách vô vàn nhớ thương/ Viếng anh hoa trắng khói hương/ Âm dương cách biệt lòng thương vô vàn/ Chiều nay ôm mộ anh Can.

Người mẹ mù lòa nhớ thương con

Mẹ của Trần Can là bà Nguyễn Thị Em. Bà Em lấy chồng là ông Trần Văn Bản, sinh được 3 người con là Trần Văn Căn, Trần Văn Can và Trần Thị An. Ông Trần Văn Căn chính là bố ông Trần Hồng Lĩnh mà tôi đang tiếp chuyện.

“Bà nội tôi sinh năm 1903. Ông nội mất khi bố tôi mới 8 tuổi, còn chú Can khi ấy mới lên 4. Bởi thế, gia đình phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống”, ông Trần Hồng Lĩnh chia sẻ. Ông Trần Hồng Lĩnh là người cháu trai duy nhất của gia đình, hiện lãnh trách nhiệm trông coi, thờ tự người chú Trần Can. Ông cũng có nhiều nét trên gương mặt giống người chú của mình trong bức ảnh ít ỏi còn lại của người Anh hùng liệt sĩ.

 Ông Trần Hồng Lĩnh trước mộ người chú ruột là Anh hùng liệt sĩ Trần Can tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1.

Ông Trần Hồng Lĩnh trước mộ người chú ruột là Anh hùng liệt sĩ Trần Can tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1.

Ông Lĩnh cũng không nhớ nhiều về người bà của mình, bởi lớn lên ông cũng đi bộ đội, biền biệt suốt. Thành ra, người nhớ về câu chuyện của gia đình nhiều hơn lại chính là ông Lê Văn Tuấn. Ông Tuấn kể, dù đi bộ đội nhưng mỗi lần được về thăm nhà, ông đều sang nhà anh Can chơi, động viên bà cụ. Cụ Em rất buồn, nhớ con. Trò chuyện với ông Tuấn, cụ bày tỏ muốn đưa mộ con về an táng tại quê nhà. Ông Tuấn nói vui để trấn an cụ: Bà không phải lo đâu! Ở Điện Biên có đồng đội vui lắm bà ơi, về quê một mình anh Can sẽ buồn.

Ông Trần Duy Hảo, là em con chú, con bác với Trần Can, sinh năm 1951, khi ông ra đời thì cũng là năm Trần Can đi bộ đội. Ông vẫn nhớ sau này lớn lên, qua nhà bà Em chơi, kể về Trần Can, bà luôn nhắc chuyện khi sinh, chú bé Trần Can ấy đã khóc suốt ba tháng không ai dỗ được; khi lớn lên, vóc dáng cũng bé nhỏ, mãi không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Thế mà khi vào quân ngũ, đã lập những chiến công lớn làm rạng danh gia đình, dòng họ và quê hương.

Thời gian đóng quân ở Thanh Hóa, trước khi lên Điện Biên Phủ, Trần Can có được về nhà một lần, gia đình cũng giục lấy vợ nhưng anh bảo, khi nào đất nước hết giặc mới nghĩ đến chuyện vợ con. Tuy vậy, anh cũng có người thương thầm là cô Nguyễn Thị Miên, làm ở trạm y tế xã. Sau khi Trần Can hy sinh, bà Miên xây dựng gia đình, lại lấy chính anh họ của ông Tuấn. Hiện nay, bà cũng đã qua đời.

Bà Em, thân mẫu của Trần Can mất khi tròn 100 tuổi, năm 2003 tại quê nhà. Từ ngày Trần Can từ biệt bà đi chiến đấu lên Tây Bắc, chưa một lần bà được gặp lại con. Một phần vì tuổi già, một phần vì thương nhớ con, những năm cuối đời bà Em đã lòa cả hai mắt. Kỷ niệm lớn nhất với bà có lẽ là lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón ra Hà Nội bằng máy bay trực thăng.

Đó là vào năm 1964, bà được địa phương thông báo chuẩn bị ra Thủ đô dự lễ. Sau đó bà được dẫn đến một điểm đỗ trực thăng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến về quê đã đón bà ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm đó ông Tuấn còn nhớ địa phương đã sắm cho bà một bộ quần áo mới, dép mới và nón để bà đi Hà Nội dự lễ. Từ đó, đất nước tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người con từ mọi miền quê lại tiếp tục lên đường chiến đấu, lãnh đạo đất nước cũng bận rộn trăm công nghìn việc, đương đầu với những việc hệ trọng, mọi thứ dần trôi theo thời gian.

Trần Can trong lòng quê hương, đất nước

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Anh hùng liệt sĩ Trần Can được thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đặt tên cho một trong 24 tuyến đường mang tên các Anh hùng được phong tặng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hiện tên ông cũng được đặt cho một con đường ở TP Đà Nẵng. Trước đó, một số địa phương cũng đã đặt tên đường Trần Can như tỉnh Quy Nhơn, tỉnh Bắc Ninh…

Tên của ông cũng được đặt cho một số trường học. Tại tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ hiện có Trường THCS Trần Can và huyện Điện Biên Đông có Trường THPT Trần Can. Tuy nhiên, vào cổng thông tin điện tử của hai trường này phần giới thiệu về trường không nhắc gì đến nguồn gốc xuất xứ về tên gọi nhà trường.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên trang Facebook của Trường THPT Trần Can và Trường THCS Trần Can, phần các hoạt động cũng không có hoạt động nào cho thấy việc tri ân, thắp hương tưởng nhớ người Anh hùng liệt sĩ mà trường mang tên, dù các trường này nằm ngay trên địa phương diễn ra chiến thắng vĩ đại 70 năm trước.

Tại quê hương Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An, năm 2017, trường tiểu học của xã đã được mang tên người Anh hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Gần đây, địa phương cũng đã kêu gọi đóng góp từ nguồn kinh phí xã hội hóa dựng tượng đài Trần Can trong khuôn viên nhà trường bằng chất liệu đá cẩm thạch. Mô hình tượng đài do một kiến trúc sư ở TP Hồ Chí Minh dựng sau đó được tặng cho gia đình Anh hùng liệt sĩ. Hiện nay Trần Can được thờ tại nhà thờ dòng họ Trần tại Sơn Thành do ông Trần Hồng Lĩnh lo việc khói hương, bức tượng mô hình cũng được ông Lĩnh đặt trong nhà thờ của dòng họ.

 Tượng đài Trần Can tại trường tiểu học mang tên ông ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Tượng đài Trần Can tại trường tiểu học mang tên ông ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Hồng Lĩnh sinh năm 1960, cũng là cựu chiến binh. Năm 1978, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 324, Quân khu 4, chiến đấu 10 năm ở Chiến trường K. Năm 1979, ông bị thương ở đèo 144, đường 37 cụt, tỉnh Campot, Campuchia. Năm 1987, ông về nghỉ chế độ, là bệnh binh 2/3 và thương binh 4/4. Sau khi trở về quê hương, ông cũng tham gia làm Bí thư chi bộ thôn 16 năm, tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Sơn Thành.

Ông Lĩnh cho biết, Sơn Thành là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Nghệ An, năm 2019, xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện nay, địa phương chuẩn bị đón danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Trần Hồng Lĩnh kể với tôi, có lần, huyện Yên Thành tổ chức hội diễn văn nghệ, xã Sơn Thành cũng đã dựng vở ca kịch dân ca xứ Nghệ về Trần Can để tham gia hội diễn. Những câu chuyện về sự anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Trần Can vẫn được kể với các thế hệ con em Yên Thành sau này.

Ông Trần Hồng Lĩnh bồi hồi chia sẻ, ông luôn nhắc cháu con trong dòng họ rằng lớp cha anh đã không tiếc máu xương để cống hiến cho quê hương, đất nước, làm nên chiến thắng vĩ đại; thế hệ con cháu cũng phải nhắc mình luôn phát huy truyền thống cha ông, giữ nét đẹp khí phách cách mạng của gia đình, quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-cau-chuyen-con-lai-ve-anh-hung-liet-si-tran-can-bai-2-nguoi-con-xu-nghe-trong-long-dat-nuoc-776896