Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên Cầu Kè

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Cầu Kè đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình 'Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp'. Qua đó các cấp Hội trong huyện đã tạo điều kiện cho gần 440 hội viên, thanh niên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng để phát triển các mô hình kinh tế.

Anh Phạm Thanh Nhiên, ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi đang chăm sóc ổi. Ảnh: XÃ ĐOÀN TAM NGÃI

Chị Dương Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Tam Ngãi cho biết: xác định phát triển kinh tế là một phần quan trọng trong công tác tập hợp thanh niên, Ủy ban LHTN Việt Nam xã Tam Ngãi đã chỉ đạo các chi hội tập trung tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp, những mô hình mới, cách làm sáng tạo, những tập thể, cá nhân tiêu biểu thông qua các kênh thông tin của Đoàn, Hội...

Xã Tam Ngãi hiện có 10 chi hội với 212 hội viên, trong đó có nhiều hội viên thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế, thu nhập trên 100 triệu/năm như mô hình: trồng ổi Ruby, trồng chuối tá quạ, nuôi bò sinh sản... Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, xã phát triển mới 02 mô hình kinh tế trong hội viên thanh niên: mô hình “Trồng ổi Ruby” của anh Phạm Thanh Nhiên, ấp Giồng Nổi; mô hình “Nuôi bò sinh sản” của anh Thạch Quơl, ấp Ngọc Hồ, thu nhập bình quân khoảng 20 - 50 triệu đồng/năm.

Anh Phạm Thanh Nhiên cho biết: trước đây gia đình tôi trồng các loại cây như tắc, chanh nhưng năng suất không cao, không hiệu quả về kinh tế. Năm 2020, tôi quyết định chuyển đổi khoảng 3.000m² đất vườn sang trồng ổi Ruby. Sau hơn 08 tháng trồng và chăm sóc, cây ổi bắt đầu ra trái, cây càng lớn tuổi thì năng suất càng cao. Để ổi đạt chất lượng tốt thì khâu chăm sóc rất quan trọng, tôi thường xuyên cắt tỉa đọt, bón phân, xịt thuốc đúng liều lượng theo định kỳ và bao bọc trái để tránh sâu hại. Trung bình mỗi tuần, thu hoạch trên 500kg ổi, được thương lái thu mua tại vườn, với giá khoảng 10.000 đồng/kg.

Chị Dương Thị Anh Thư cho biết thêm, ngoài các mô hình kinh tế, thanh niên địa phương còn có nhiều dự án kinh tế đã và đang thực hiện như các dự án: khởi nghiệp Nuôi ốc bươu thịt; Mứt vỏ bưởi sấy dẻo; Nước bưởi lên men; Nuôi ếch thịt; Nuôi lươn thương phẩm...

Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cho thanh niên còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Đến nay, Ủy ban Hội LHTN xã Tam Ngãi có 03 tổ vay vốn của hội viên thanh niên, có 144 thành viên vay, dư nợ trên 3,8 tỷ đồng; qua kiểm tra các thành viên đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, duy trì hiệu quả 03 tổ tiết kiệm có 144 thành viên tham gia, tiết kiệm trên 187 triệu đồng.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Xã Đoàn, Ủy ban Hội LHTN xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 80 triệu đồng cho anh Hồ Quốc Lanh ấp Giồng Nổi và anh Bùi Văn Sớm, ấp Bưng Lớn A thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản.

Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Cầu Kè, trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hội chú trọng nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm thông qua tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư vấn thanh niên về xuất khẩu lao động và thị trường lao động ở nước ngoài…;

Hội phối hợp tổ chức tư vấn, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm thông qua các hoạt động như: nói chuyện chuyên đề về “Khởi nghiệp”, tham gia “Sàn giao dịch việc làm”, chương trình “Tiếp sức người lao động và Ngày hội tuyển dụng”, “Tư vấn hướng nghiệp”… phối hợp tổ chức 22 cuộc tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho hơn 11.100 lượt hội viên thanh niên và học sinh tham gia, qua đó đã giới thiệu 2.330 hội viên thanh niên có việc làm ổn định (12 thanh niên xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình);

Chỉ đạo Ủy ban Hội cơ sở phối hợp đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế trong thanh niên, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế gia đình.

Tính đến nay, các cấp Hội trong huyện đã tạo điều kiện giúp hơn 1.650 hộ vay, trong đó có gần 730 thanh niên vay với tổng số tiền gần 28 tỷ đồng để phát triển kinh tế; hỗ trợ vốn lập thân lập nghiệp từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp của Tỉnh Đoàn cho 31 thanh niên, với số vốn 1,3 tỷ đồng; duy trì và phát triển 15 mô hình Câu lạc bộ phát triển kinh tế do thanh niên làm nòng cốt, thành lập 14 tổ hợp tác kinh tế có 84 thành viên tham gia.

Trong nhiệm kỳ, phối hợp tổ chức 524 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt thu hút trên 15.720 lượt hội viên thanh niên trên địa bàn huyện tham dự, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên làm ăn có hiệu quả như: mô hình trồng dừa sáp xen chuối tá quạ của thanh niên Nguyễn Thuận Phát, ở ấp Bà My, xã Hòa Ân; mô hình nuôi bò sinh sản của thanh niên Nguyễn Chí Thuần, Phạm Minh Ngoan, ấp Dinh An, xã An Phú Tân…

Những kết quả đạt được trong phong trào “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” của huyện Cầu Kè đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội LHTN trong đời sống thanh niên, góp phần phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, qua phong trào đã thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

KIM NGÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/nhieu-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-cua-thanh-nien-cau-ke-36988.html