Nhiều điểm bán lẻ đồng loạt mở cửa phục vụ vào Mùng 2 Tết

Ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết), nhiều điểm bán lẻ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng loạt mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngay sau Tết của người dân; các đơn vị kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào và đa dạng chủng loại sản phẩm.

Nhóm hàng trái cây có nguồn cung dồi dào tại các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung phong phú

Cụ thể, hệ thống bán lẻ SATRA như các Satramart siêu thị Sài Gòn, Phạm Hùng và Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, không chỉ mở cửa vào Mùng 2 Tết mà còn duy trì hoạt động bình thường từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ. Còn chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SATRA (Satrafoods) phục vụ người tiêu dùng thành phố mua sắm từ 6 -13 giờ trong Mùng 2 và 3 Tết, riêng Mùng 4 Tết hoạt động bình thường từ 6-21 giờ.

Tương tự, vào Mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra... tại TP. Hồ Chí Minh cũng đồng loạt mở cửa trong buổi sáng và chuẩn bị những mặt hàng tươi sống như gà, hoa tươi, trái cây… để phục vụ nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân, cũng như những ngày lễ đầu năm của các gia đình; trong đó, gà chéo cánh được bán với giá 108.000 đồng/kg, đồng thời trang trí đẹp mắt, giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể thời gian sơ chế.

Tại hệ thống LOTTE Mart trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, gồm: quận 7, Gò Vấp, Tân Bình... cũng đã mở cửa kinh doanh trở lại vào 10 giờ sáng Mùng 2 Tết và kéo dài khung giờ hoạt động đến 21 giờ. Trong khi đó, do đặc thù nằm tại vị trí trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh và đối tượng phục vụ chủ yếu là du khách nên chuỗi cửa hàng Thương xá Tax hoạt động từ 8 giờ 30 phút đến 22 giờ, kể từ Mùng 2 Tết.

Nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dồi dào, đảm bảo nhu cầu thị trường đã mang lại hiệu quả bình ổn giá và người tiêu dùng không phải mua sắm hàng hóa tăng giá cao sau Tết.

Hòa trong không khí bán buôn trở lại sau Tết, tại mạng lưới chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Thị Nghè, Nguyễn Văn Trỗi, Hòa Hưng, Thạnh Đông Tây... cũng đông đảo quầy, sạp khai trương đầu năm mới. Ngoài ra, khách hàng tập trung đông ở những khu vực kinh doanh thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn; hoa tươi, trái cây... và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác trong kỳ nghỉ Tết.

Một tiểu thương chợ Bà Chiểu cho biết, vì chuyên kinh doanh nhóm mặt hàng chế biến sẵn như bún tươi, mì, hủ tiếu, thịt lợn quay, gà quay... nên quầy hàng chỉ nghỉ Mùng 1 Tết và ngay Mùng 2 Tết đã mở cửa bán buôn trở lại. Hơn thế nữa, những sản phẩm của quầy hàng phù hợp và được tiêu dùng nhiều trong dịp Lễ/Tết nên sức mua trong sáng Mùng 2 Tết tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm bình thường.

Còn những thương nhân kinh doanh mặt hàng hoa tươi, trái cây... cũng chỉ ra rằng, trong dịp Lễ/Tết ngoài nhu cầu ăn uống tăng do với thời điểm bình thường, thì các gia đình Việt có truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà, viếng chùa, đi lễ... nên sản phẩm hoa tươi, trái cây... cũng thuộc nhóm ngành hàng có sức mua tăng cao. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và nắm bắt cơ hội tăng doanh số bán hàng, thương nhân thường chuẩn bị nguồn cung hàng hóa từ trước Tết, cũng như chú trọng khâu vận chuyển, bảo quản sản phẩm...

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm đóng gói và đông lạnh phong phú sản phẩm tại các điểm bán lẻ. Ảnh: TL

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm đóng gói và đông lạnh phong phú sản phẩm tại các điểm bán lẻ. Ảnh: TL

Ghi nhận ý kiến nhiều người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc cả kênh bán lẻ hiện đại lẫn mạng lưới chợ truyền thống đồng loạt mở cửa kinh doanh vào Mùng 2 Tết đã tạo điều kiện cho người dân an tâm vui chơi, giải trí trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 mà không phải mất thời gian và chi phí mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm.

Tại Hà Nội, nhiều siêu thị, chuỗi cửa đã mở cửa, phục vụ người dân

Ghi nhận cho thấy, các quầy rau xanh, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây có nhiều người tới chọn mua hàng.

Khách chọn mua thực phẩm, trái cây tại siêu thị. Ảnh: TL

Khách chọn mua thực phẩm, trái cây tại siêu thị. Ảnh: TL

Siêu thị BigC Long Biên hôm nay không đông như mọi ngày, bãi đỗ xe máy còn trống nhiều. Hầu hết người dân tìm mua rau xanh, thịt bò và một số loại gia vị khác.

Ghi nhận tại siêu thị Aeon Long Biên, các quầy hàng đầy ắp rau, quả, thịt cá... Quầy rau xanh, đồ ăn chế biến sẵn của siêu thị cũng thu hút người mua. Do lượng người tới mua sắm không đông nên quầy thu ngân của siêu thị khá thoáng, mọi người không mất nhiều thời gian chờ đợi.

Trong khi giá rau quả tại các siêu thị khá bình ổn thì tại một số chợ truyền thống, giá rau xanh, thịt, đậu phụ, bún… đều tăng cao.

Tại một số chợ như Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), Gia Lâm (quận Long Biên), nhiều quầy hàng đã mở bán trở lại, trong đó chủ yếu là hàng rau, thịt lợn - bò, cá…

Giá một số loại thực phẩm tăng cao trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: TL

Giá một số loại thực phẩm tăng cao trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: TL

Ghi nhận trong sáng nay, giá của nhiều loại rau củ, thịt ở mức khá cao. Như thịt bò thăn 380.000-400.000 đồng/kg, sườn 150.000-200.000 đồng/kg, đậu phụ 6.000 đồng/bìa, bún 20.000 đồng/kg. Giá rau xanh cũng ở mức cao, như rau cần 20.000 đồng/mớ, rau cải xoong 35.000 đồng/mớ, rau xà lách Đà Lạt 50.000-60.000 đồng/kg, dứa 25.000 đồng/quả…

Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết

Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm này, hoạt động triển khai phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đảm bảo theo kế hoạch, nhất là công tác bình ổn giá và thời gian hoạt động tại kênh bán lẻ hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống. Đặc biệt, hoạt động mở cửa khai trương kinh doanh trở lại tại các điểm bán lẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng sản phẩm, đồng thời nhiều nhà bán lẻ vẫn duy trì đa dạng chương trình giảm giá, ưu đãi đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết.

Hà Anh (tổng hợp)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-diem-ban-le-dong-loat-mo-cua-phuc-vu-vao-mung-2-tet-145048.html