Nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến: Người định vị giá trị Việt tại Áo

Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông - báo chí tại Áo nói riêng và Châu Âu nói chung, nữ nhà báo, nhà văn, TS. Nguyễn Thị Bích Yến sớm nhận thức rõ vai trò của mình trong việc định vị, lan tỏa văn hóa, truyền thống quê hương với thế giới.

Từ cử nhân kinh tế tới nữ "sứ giả" truyền thông Áo - Việt

Nhắc tới TS. Nguyễn Thị Bích Yến, người ta nghĩ đến một nữ nhà báo, nhà văn tài năng, đồng thời cũng là sứ giả truyền thông Áo - Việt. Tuy nhiên ít ai biết rằng, nhà báo Bích Yến không chỉ hoạt động trong lĩnh vực báo chí, mà còn là một nữ cử nhân chuyên ngành kinh tế, kế toán.

Từ bé, văn học đã là một trong số những môn nhà báo Bích Yến vô cùng yêu thích. Bên cạnh những môn học khác như toán, tiếng Nga hay võ thuật, nhưng điểm môn văn của nữ nhà báo luôn nằm trong top đầu lớp.

Đam mê văn chương là vậy, song vì định hướng của gia đình, chị đành bất đắc dĩ lựa chọn theo học ngành kinh tế, kế toán. Thế nhưng, những con số chẳng thể dập tắt niềm đam mê con chữ luôn cháy âm ỉ trong lòng chị.

Cơ hội với văn chương tìm tới khi Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam cần tuyển một chuyên viên, chị may mắn được giảng viên Đại học giới thiệu đến. Qua nhiều thử thách, nữ nhà báo được tuyển chọn nhờ tình yêu với nghề viết lách, cùng "kho tàng" chứa 500 bài thơ do chị tự sáng tác.

Hoạt động tại Trung tâm văn hóa Hội Nhà văn Việt Nam, niềm đam mê với những con chữ của nữ nhà báo ngày một lớn khi chị được gặp gỡ, học hỏi nhiều tên tuổi lớn trong làng văn học Việt Nam. Điều ấy đã trở thành động lực khích lệ, giúp Bích Yến mạnh dạn bắt tay vào viết bài cộng tác với báo Văn nghệ Trẻ, Văn Nghệ,...

Trong những năm tháng gắn bó với nghề báo, chị Bích Yến không chỉ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm viết báo, mà chị còn ngày một nhận thức rõ sức mạnh của ngòi bút người làm báo: "Các bài báo của tôi đã ít nhiều giúp được những người dân thấp cổ bé họng. Tôi đã thấy được sức mạnh của báo chí, nên càng quyết tâm theo học văn và báo hơn. Mặc dù, trên con đường đó tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng đến nay tôi cảm thấy mình đã chọn đúng" nữ nhà báo tâm sự.

Năm 2011, nhà báo Bích Yến chính thức sinh sống và làm việc tại Áo. Người phụ nữ này vẫn luôn giữ cho mình một thói quen “bất di, bất dịch” đó là bên cạnh việc viết báo, viết văn, chị chủ yếu dành tâm sức cho nghiên cứu khoa học về báo chí truyền thông.

Một ngày làm việc của chị thông thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, ngồi vào bàn viết và nghiên cứu khoa học. Sau đó, 7 rưỡi chị tiễn con đi học, chồng đi làm và bắt đầu công việc của mình tại các cuộc họp báo, thường là Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Tổng thống Áo hay Văn phòng Liên hiệp quốc tại Viên…Thậm chí, chị còn thực hiện các chuyến đi thực tế tới Hungary, Czech, Slovakia và nhiều quốc gia Châu Âu khác.

Đối với chị, mỗi chuyến đi đều đem đến những giá trị, bài học kinh nghiệm quý báu. Chị không chỉ học hỏi được tính kỷ luật, độc lập, khách quan từ những người đồng nghiệp quốc tế; mà còn có cơ hội tiếp xúc, hiểu rõ tâm tư của những nông dân, kiều bào Việt, hay thậm chí là các nhà khoa học, những nguyên thủ quốc gia.

Trong suốt 10 năm nghiên cứu và tác nghiệp ở nước ngoài, chị ngày một trưởng thành, trở thành cây bút ưu tú, nữ "sứ giả" truyền thông kết nối hai quốc gia Áo - Việt. Bích Yến tâm sự: “Thiên mệnh của người viết là hàn gắn lòng người. Cao hơn nữa nếu anh viết sao cho ác quỷ cũng có thể sống được với người, đó là đi đến cái đẹp, đó là thiên năng của người viết”.

Văn hóa hai nước Việt – Áo được “thổi hồn” bằng 2 tiếng “quê hương”

Sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Áo nhưng Bích Yến luôn hướng về quê hương. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm và công trình nghiên cứu về chính trị truyền thông, văn hóa giữa hai nước Việt – Áo luôn được nhà báo Bích Yến “thổi hồn” bằng 2 tiếng “quê hương”.

Không những thế, để văn hóa Việt Nam có thể đối thoại được với nền văn hóa của các nước trên thế giới, nhà báo Bích Yến còn cùng các cộng sự bỏ ra nhiều công sức để triển khai những dự án mà nhiều người gọi là “ảo tưởng”.

Tháng 9/2015, chị cùng một số bạn trẻ kiều bào tổ chức thành công “Ngày Việt Nam” đầu tiên tại Áo. Với ý tưởng tổ chức tại quảng trường nhà máy bia Ottakringer ở Wien, các vị khách đã có dịp được thưởng thức hương vị bia lừng danh của Áo cùng các món ăn Việt Nam. Không những vậy, Ban tổ chức còn mời các hoa hậu, người mẫu, ca sĩ của Áo, châu Âu để quảng bá cho sản phẩm lụa Hà Đông, áo dài Việt Nam… và tổ chức bán đấu giá một số vật phẩm để ủng hộ đồng bào Quảng Ninh khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử. Bất chấp thời tiết mưa lạnh, “Ngày Việt Nam” đã thu hút gần 3.000 lượt người tham gia.

Và rồi, khi được tận mắt chứng kiến hơn 200 người di cư đã bất chấp luật lệ của châu Âu, đi bộ tràn từ Hungary sang Áo trong đêm, chị nghĩ đến vị trí của người Việt nói riêng và người nước ngoài nói chung tại Áo sau này như thế nào?

Đau đáu với suy nghĩ đó, cuối năm 2015, khi được là một trong 15 kiều bào Việt tiêu biểu trên thế giới về dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IX, chị đã trình bày ý tưởng về Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” với các vị lãnh đạo và đại biểu của Đại hội và nhận được sự ủng hộ của hầu hết tất cả mọi người.

Chia sẻ về quyết định táo bạo và liều lĩnh của mình, chị chỉ cười: “Đây là dự án toàn cầu có một không hai, hoạt động với tiêu chí “3 không, 1 có”: không kinh phí, không trụ sở, không nhân lực, nhưng có một thứ duy nhất đó là lòng tự tôn dân tộc”.

“Từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách khá xa và vô cùng vất vả. Ban đầu thực hiện những điều mà người khác không dám làm thì chắc chắn sẽ bị coi là kẻ “ảo tưởng”. Khi làm được và bước đầu thành công, tỏa sáng, cũng sẽ có nhiều người đố kị. Thế nhưng chắc chắn rằng sẽ có một ngày, các bậc chính nhân quân tử, bậc vị minh quân sẽ nhìn thấy và ủng hộ lý tưởng cao đẹp”, nhà báo Bích Yến tâm niệm.

Theo nhà báo Bích Yến, cách tổ chức như vậy sẽ giúp cho việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam... một cách hệ thống, toàn diện và thường niên trên thế giới. Thêm vào đó, sự kiện còn là chất xúc tác để gắn kết tinh thần đại đoàn kết dân tộc và quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở nước ngoài.

Sau nhiều năm “thai nghén” và 6 năm triển khai (2015-2021), dấu ấn lớn nhất của dự án là đã an vị tượng Vua Hùng ở 12 quốc gia/4 châu lục trên thế giới như: Cộng Hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan…. Ngoài ra, còn có những hoạt động ý nghĩa khác như: tổ chức đào tạo các khóa nghiệp vụ báo chí - truyền thông - ký giả kiều bào ở gần 20 quốc gia; hỗ trợ đồng bào lũ lụt Miền Trung; tặng gạo và khẩu trang y tế cho bà con kiều bào tại Campuchia; phối hợp xây dựng cây ATM khẩu trang…

Không những thế, vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, chị cùng các nhà khoa học, trí thức còn tổ chức talkshow “Con cháu Vua Hùng toàn cầu” với nhiều chủ đề khác nhau nhằm khơi gợi niềm tự tôn, tự hào về lịch sử, cội nguồn dân tộc Việt trong lòng bà con kiều bào. “Tư thế của kiều bào Việt ở nước ngoài sẽ ngày càng có điều kiện nâng cao và đối thoại được với người bản xứ. Họ sẽ ngày càng hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn trong sự tôn trọng và tôn vinh lẫn nhau”, nhà báo Bích Yến chia sẻ.

Được đánh giá là người văn võ song toàn, đạt được sự toàn vẹn về mọi thứ từ gia đình đến sự nghiệp, người phụ nữ nhỏ nhắn này chỉ cười và chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhiều khiếm khuyết lắm, nhưng được sống trong sự yêu thương của mọi người làm tôi thấy biết ơn và có thêm muôn ngàn động lực phấn đấu. Tôi coi mình là “chiếc cầu nối” về nghiên cứu báo chí, truyền thông giữa Việt Nam và Áo. Đặc biệt việc gắn kết tình hữu nghị giữa hai đất nước như “sứ mệnh” của mình”.

Nguyễn Thúy - Phương Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-nguyen-thi-bich-yen-nguoi-dinh-vi-gia-tri-viet-tai-ao-post164610.html