Nguy cơ cháy rừng cực kỳ nguy hiểm: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp bách ứng phó

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo khẩn cấp triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngày 28/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Văn bản cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh An Giang liên tục có các chỉ đạo về cộng tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết nắng nóng, khô hanh tiếp tục kéo dài làm cho cây cối khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy, cùng với việc bất cẩn trong việc sử dụng lửa đã xảy ra các đám cháy lớn tại khu vực núi Tô và núi Dài (huyện Tri Tôn) trong những ngày qua.

Để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công văn 263/UBND-KTN, ngày 8/3/2024 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh và Công văn 422/UBND-KTN, ngày 8/4/2024 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng thời, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao.

Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ

Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ".

Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng.

Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các tổ chức, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân.

Nghiêm cấm các hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc Gia và thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ cháy rừng khu vực Nam Bộ ở mức rất cao, cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Thêm vào đó, thời điểm sau Tết, lượng khách tham quan, du lịch, hành hương trên địa bàn tỉnh An Giang nhiều, nhất là các điểm tham quan, du lịch đồi núi có tán rừng làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Trước diễn biến tình hình trên, nhằm chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh, chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và Công điện 441/CĐ-TTg, ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Công văn 1054-CV/TU, ngày 26/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về triển khai thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hướng dẫn người dân, khách hành hương, tham quan du lịch việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng theo đúng quy định.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực trọng điểm cháy; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô.

Thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các tổ chức, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng.

Nghiêm cấm các hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan định hướng các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể Nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã đến kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chữa cháy rừng ở huyện Tri Tôn.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cháy rừng rất cao, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ủy yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác và thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Công văn 1208-CV/TU, ngày 25/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị; an ninh, trật tự an toàn xã hội dịp lễ 30/4 và 1/5; thực hiện nghiêm Công văn 1118-CV/TU, ngày 27/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến vụ cháy trên núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang: Từ 7 giờ, sáng 28/4, huyện Tri Tôn tiếp tục huy động gần 300 quân tham gia chữa cháy.

Trong đó có 20 người thuộc lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng; 20 chiến sĩ cảnh sát cơ động; Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang tăng cường 12 cán bộ, chiến sĩ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tăng cường 60 cán bộ, chiến sĩ; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn huy động 15 cán bộ, chiến sĩ cùng 30 dân quân tự vệ.

Công an huyện huy động 34 cán bộ, chiến sĩ; xã Núi Tô huy động 40 người; xã An tức 30 người, xã Ô Lâm 30 người...

Các lực lượng được trang bị máy chữa cháy đeo vai, máy bơm nước đồi núi, hàng trăm cal đựng nước... để tiếp cận các điểm cháy trên núi Tô, trực tiếp dập lửa. Bên cạnh đó, hệ thống ống nước được dẫn nối lên núi, dùng máy bơm từ hồ chứa phía dưới để tiếp nước vào cal, máy chữa cháy cho các lực lượng.

Ngoài ra, huyện Tri Tôn còn huy động máy bay không người lái (drone) để tiếp cận chữa cháy ở những vị trí đồi dốc, khó tiếp cận bằng sức người.

“Huyện hạ quyết tâm trong hôm nay (28/4) phải dập xong cháy rừng ở núi Tô” - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám nhấn mạnh.

Trước đó, khoảng 10 giờ, sáng 26/4/2024, Ban Chỉ huy Quân sự xã Núi Tô phát hiện vụ cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước, nên báo về huyện, tăng cường lực lượng chữa cháy.

Đặc thù vị trí đám cháy trên dốc cao, đá lớn, nhiều lò ảng, đá nổ và rơi từ trên cao xuống nên công tác chữa cháy gặp khó khăn.

Một số điểm còn ngún khói trên núi Tô vào sáng 28/4/2024

Đến sáng 27/4, đám cháy rừng trên núi Tô cơ bản được khống chế, còn khoảng 6 - 7 điểm ngún, được các lực lượng tăng cường xử lý.

Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô, nắng nóng, lớp thực bì dưới tán rừng dày, gió thổi mạnh nên có nhiều lúc, một số điểm cháy bùng phát trở lại, nhất là thời điểm chiều và tối 27/4.

Đến sáng 28/4, trên núi Tô vẫn còn một số điểm ngún, bốc khói. Được tỉnh tăng viện cán bộ, chiến sĩ, huyện Tri Tôn đang huy động lực lượng lớn, quyết tâm dập tắt đám cháy, không để bùng phát lại.

Đến nay, diện tích đám cháy chưa được thống kê, tình hình thiệt hại chưa tính được. Ghi nhận ban đầu, chủ yếu cháy dây leo, rừng cây tạp, tre, tầm vông...

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nguy-co-chay-rung-cuc-ky-nguy-hiem-ban-thuong-vu-tinh-uy-ubnd-tinh-chi-dao-cap-bach-ung-pho-119240428121328812.htm