Nguy cơ cháy, nổ từ thói quen bất cẩn trong sinh hoạt

Đun nấu không chú ý, là quần áo quên rút điện, cắm thiết bị điện tin tưởng vào hẹn giờ, sấy quần áo bằng máy thô sơ… đó là những nguyên nhân gây ra hỏa hoạn xuất phát từ thói quen sinh hoạt thiếu cẩn trọng, chủ quan của người dân.

Cháy nhà vì quá tin tưởng vào thiết bị, đồ dùng thông minh

Ngày 19-2-2024, một gia đình ở Hà Nội đã phát ra cảnh báo cháy. Nguyên nhân sự việc cũng khá hy hữu, đó là gia đình này sử dụng bếp từ, camera ghi lại thời gian khoảng hơn 4h sáng có 1 con chuột chạy qua đúng vị trí nút khởi động khiến bếp hoạt động. Do cả nhà lúc này vẫn ngủ, nồi thức ăn đặt trên đó cứ thế đun nóng cho tới khi cạn và quá nhiệt làm cháy sém khu bếp. May mắn là sự cố đã được kịp thời phát hiện nên không gây nguy hiểm cho chủ nhân.

Chiếc máy sấy quần áo đặt ở ban công bất ngờ bốc cháy tại một căn hộ thuộc tòa CT12B Kim Văn Kim Lũ, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Thời gian gần đây, nhiều thiết bị công nghệ hiện đại xuất hiện như “Smarthome”. Sử dụng công nghệ này tại ngôi nhà của mình, người dân có thể dùng điện thoại thông minh ra lệnh cho các thiết bị tự hoạt động như bật nồi cơm điện, khởi động máy điều hòa, bật bình nước nóng… Sự tiện lợi của công nghệ không ai phủ nhận, song do việc lắp đặt thiếu đồng bộ, thiếu thiết kế kỹ thuật chính xác cùng chất lượng sản phẩm không được kiểm soát là nguyên nhân tiềm ẩn cháy, nổ. Tương tự, việc tin tưởng vào thiết bị hẹn giờ cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Điển hình chiều 11-3-2024, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã kịp thời khắc phục sự cố vụ quên tắt nồi thịt kho gây cháy nhà 4 tầng của ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM. Theo chủ nhà, nguyên nhân cháy là do họ nấu thức ăn, nhưng sau khi ra khỏi nhà đã quên tắt bộ hẹn giờ trên bếp.

Có muôn vàn nguyên nhân cháy, nổ xuất phát từ thói quen sinh hoạt chủ quan, lơ là trong PCCC như quên tắt quạt, quên rút điện bàn là khi đã là xong quần áo, bật bình nóng lạnh hoạt động triền miên trong thời gian dài…

Hiện các tỉnh miền Bắc đã vào hè, thời tiết nắng nóng kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, làm lạnh trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh cũng tăng cao. Điều này dẫn đến nguy cơ quá tải, sự cố nhảy aptomat, thậm chí cháy, nổ vào những ngày nắng nóng cũng sẽ tăng so với bình thường. Hàng năm, trên địa bàn thành phố Hà Nội số vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện thường chiếm khoảng gần 70%. Thượng tá Hoàng Hà Trung - Phó Trưởng CAQ Ba Đình cho biết: “Sự bất cẩn trong quá trình sử dụng các thiết bị điện của người dân có thể dẫn đến quá tải, chập điện khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và giảm hiệu suất của các thiết bị điện, do đó việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng cần quan tâm thường xuyên”.

Khu vực bếp của một căn hộ chung cư bị cháy do bất cẩn khi đun nấu mà không có người trông

Các biện pháp an toàn phòng chống cháy, nổ

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Hà Nội, để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối. Đồng thời, người dân nên sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Chập cháy quạt điện do sử dụng liên tục trong thời gian dài mà không bảo dưỡng

Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm chỉ rõ những nguy cơ và đưa ra khuyến cáo: Nguy cơ cháy, nổ trong khu vực bếp thường có nguyên nhân từ những lỗi cơ bản mà mọi người vẫn mắc phải như không khóa van bình gas sau khi sử dụng, sử dụng bình chứa không đảm bảo làm gas bị rò rỉ, tái sử dụng nhiều lần bình gas du lịch… Đối với bếp từ, mặc dù được coi là an toàn nhưng cũng không nên chủ quan. Khi đặt chế độ hẹn giờ với các món cần thời gian lâu thì vẫn nên có người ở nhà để theo dõi. Tuyệt đối không chủ quan bật hẹn giờ rồi yên tâm ra ngoài vì rất dễ xảy ra cháy, nổ. Bên cạnh đó còn có các nguy cơ cháy, nổ tại khu vực thờ cúng do thắp hương, đốt vàng mã; nguy cơ cháy, nổ từ khu vực nhà tắm do sử dụng các thiết bị như bình nóng lạnh, đèn sưởi; nguy cơ cháy, nổ do đường dây, thiết bị điện sử dụng đã lâu nhưng không bảo trì thường xuyên; tự ý câu móc thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu. Hiện nay nhiều người vẫn có thói quen cắm sẵn sạc điện thoại, máy tính, máy sấy tóc vào ổ điện để tiện khi dùng là có ngay. Tuy nhiên, thói quen này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây chập cháy khi nhà vắng người. Mặt khác, sử dụng các thiết bị điện không đúng cách như vừa sạc điện thoại vừa dùng có thể dẫn đến tình trạng ổ cắm quá nóng và đánh lửa gây cháy, nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một khu bếp bị cháy do gia chủ quá tin vào thiết bị hẹn giờ

“Để đảm bảo an toàn cho gia đình, mỗi người dân cần lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn bộ căn nhà, từng tầng, nhánh, thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn. Không để dây dẫn, ổ cắm sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy. Sử dụng thiết bị điện đúng công suất. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, khi không có người ở nhà. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở. Trước khi đi ngủ, phải kiểm tra các thiết bị điện, thiết bị gas, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm trong nhà. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Nếu lắp phải có cửa chốt trong và không được khóa. Nên lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo khói để kịp thời phát hiện khi xảy ra chập cháy” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến khuyến cáo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguy-co-chay-no-tu-thoi-quen-bat-can-trong-sinh-hoat-post576073.antd