Nguy cơ châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung phân bón của Nga

Nhập khẩu phân urê từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) tăng gấp đôi kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thực tế này làm dấy lên lo ngại châu Âu ngày càng phụ thuộc vào phân bón của Nga, giống như tình trạng phụ thuộc vào khí đốt của nước này trước đây.

Các bao phân bón được di chuyển bằng cần trục tại một nhà máy phân bón ở Cherepovets, Nga. Ảnh: Bloomberg

Các loại phân bón có thành phần nitơ gồm urê, rất quan trọng cho sự phát triển của cây trồng, được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên. Và Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng phân bón sang châu Âu, theo Svein Tore Holsether, CEO của Yara International (Na Uy), một trong những nhà sản xuất phân bón dựa trên nitơ lớn nhất thế giới.

“Phân bón là dạng khí đốt mới. Thật nghịch lý khi mục tiêu của châu Âu là giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ Nga nhưng giờ đây chúng ta lại đang dần giao quyền lực kiểm soát lương thực quan trọng và phân bón cho Nga”, ông Holsether nói.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu lượng urê từ Nga cao gấp đôi trong năm tính đến tháng 6-2023 so với một năm trước đó. Nhập khẩu phân urê từ Nga của EU trong niên vụ hiện tại, kết thúc vào tháng 6-2024, thấp hơn nhưng vẫn cao so với lịch sử, chiếm 1/3 tổng lượng urê nhập khẩu vào khối.

Giá phân bón tăng vọt sau khi cuộc xung đột Nga- Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow làm hạn chế lượng khí đốt tự nhiên sẵn có trong khu vực. Khí đốt là nguyên liệu đầu vào chính của các loại phân bón dựa vào nitơ như amoni nitrat và urê.

Giá cả phân bón đắt đỏ gây áp lực tài chính lên của nông dân châu Âu trong khi nông dân ở những nơi khác, đặc biệt là ở châu Phi, ngừng sử dụng phân bón hoàn toàn, làm giảm năng suất cây trồng, khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trầm trọng hơn.

Kể từ đó, giá phân bón đã hạ nhiệt do giá khí đốt tự nhiên giảm. Tuy nhiên, ngành phân bón của châu Âu vẫn đang gặp khó khăn do hàng nhập khẩu của Nga chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường. Nhiều nhà máy phân bón trong khu vực đã đóng cửa hoặc giảm công suất do không thể cạnh tranh với phân bón giá rẻ của Nga.

Holsether cho biết, các nhà sản xuất phân bón của Nga có lợi thế chi phí năng lượng thấp hơn, và họ cũng gặp ít hạn chế về tính bền vững hơn, do đó phát thải nhiều khí thải nhà kính hơn. Phân bón của Nga ước tính có dấu ấn carbon cao hơn 50-60% so với phân bón sản xuất ở châu Âu.

Sau chiến sự ở Ukraine, châu Âu đã nhanh chóng cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng của Nga. Tuy nhiên, thành tích này khiến nhiều ngành công nghiệp trong khu vực trả giá đắt. Ngành phân bón châu Âu đang lo ngại sâu sắc về việc kiểu phụ thuộc vào năng lượng Nga trước đây sẽ lặp lại ở phân bón. Nga là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu phân bón chứa nitơ lớn nhất thế giới. Nước này cũng là nhà sản xuất lớn đối với phân kali và phốt phát, được khai thác từ các mỏ, và không thể thay thế phân bón chứa nitơ.

Vào năm 2020, Nga và Belarus kiểm soát khoảng 40% thương mại kali toàn cầu. Trong khi đó, Nga lần lượt chiếm 16% và 12% thương mại nitơ và phốt phát toàn cầu.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây miễn trừ đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Nhưng Moscow nhiều lần phàn nàn rằng thương mại của hai nhóm hàng hóa bị cản trở do lo ngại từ khách hàng ở châu Âu, cũng như từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm của họ về sự liên quan của các cá nhân hoặc công ty Nga bị trừng phạt. Dù vậy, doanh thu xuất khẩu phân bón của Nga tăng 70% vào năm 2022 nhờ giá cao hơn.

Ông Holsether cảnh báo, Nga có thể sử dụng sự thống trị ngày càng tăng trên thị trường phân bón để làm đòn bẩy chính trị, giống như cách Moscow sử dụng nguồn cung năng lượng để gây sức ép với châu Âu trước đây.

Ông nói, khi nắm trong trong tay một sản phẩm rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất lương thực, Nga có một công cụ đòn bẩy mạnh mẽ. “Và một lần nữa, thật ngây thơ khi nghĩ rằng ở một giai đoạn nào đó, phân bón sẽ không được Nga sử dụng cho mục đích chính trị”, ông cảnh báo.

Ông lưu ý, khi giá phân bón tăng, các nước nghèo, đặc biệt là ở châu Phi, chịu tổn thương lớn nhất vì họ không có nguồn lực tài chính tốt hơn châu Âu.

Theo Financial Times, Euractiv

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguy-co-chau-au-phu-thuoc-vao-nguon-cung-phan-bon-cua-nga/