Nguồn vốn nhỏ giúp phụ nữ vùng cao phát triển kinh tế

Các nhóm tiết kiệm tự quản tại các thôn bản đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số chủ động tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, tránh xa tín dụng 'đen'. Đây cũng là kênh để chị em chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong cuộc sống.

 Mô hình sinh kế của chị Trương Thị Nhầu (dân tộc Dao) đang từng bước giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Ảnh PVH

Mô hình sinh kế của chị Trương Thị Nhầu (dân tộc Dao) đang từng bước giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Ảnh PVH

Đến xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, chị em thành viên nhóm tiết kiệm tự quản thôn Yên Lập đã tề tựu đông đủ tại nhà một thành viên để chuẩn bị cho buổi họp chung. Nhóm được thành lập vào tháng 6/2023 với 18 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày trong thôn. Vào ngày 7 hằng tháng, các cuộc họp tiết kiệm và cho vay định kỳ được tổ chức.

Chị Hoàng Thị Sinh, trưởng nhóm tiết kiệm tự quản thôn Yên Lập, cho biết: "Từ nguồn tiền tiết kiệm của bản thân và các thành viên khác trong nhóm, các thành viên đã hỗ trợ cho nhau vay để phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn, sắm sửa đồ dùng, trang thiết bị gia đình… Các bước xét duyệt cho vay đơn giản có sự đồng ý của tất cả thành viên.

Đây là một trong những mô hình tiết kiệm tự quản hoạt động dựa trên nguyên tắc ba tự: Tự nguyện tham gia, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm. Từ đó, thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các thành viên. Với nguồn vốn tiết kiệm này, các thành viên trong nhóm chủ động tiếp cận, vay khi có nhu cầu".

Buổi họp của tổ tiết kiệm tự quản thôn Yên lập, xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Ảnh PVH

Buổi họp của tổ tiết kiệm tự quản thôn Yên lập, xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Ảnh PVH

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các thành viên trong nhóm đã thảo luận và lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi vịt. Với điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều ao hồ, chăn nuôi vịt là một trong những lựa chọn tốt nhất để những người nông dân này phát triển sinh kế thích ứng với điều kiện khí hậu.

Hồ hởi giới thiệu đàn vịt bầu cổ ngắn đang được gia đình chăn nuôi, chị Hoàng Thị Tám, một thành viên trong nhóm chia sẻ: Các thành viên trong nhóm ai cũng có kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm. Nhờ nguồn vốn vay để chăn nuôi, nhiều phụ nữ dân tộc Tày như chị đã có trứng để ấp vịt con và vịt thành phẩm để bán ra thị trường. Bên cạnh việc chia sẻ kiến thức để cùng phát triển kinh tế, trong các buổi họp, các thành viên trong nhóm còn chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cũng như chia sẻ công việc giữa các thành viên trong gia đình.

Rời xã Yên Thành, vượt qua chặng đường vào bản khá khó khăn, cheo leo, chúng tôi tới thăm mô hình sinh kế của hội viên phụ nữ ở thôn Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình (Hà Giang). Hồng Sơn là một thôn ở vùng cao đặc biệt. Điều kiện sống của người dân còn chưa cao, đường từ thôn vào trung tâm xã dài gần 10km với địa hình dốc đá, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động thường ngày của người dân.

Trong ngôi nhà cheo leo bên sườn núi, chị Trương Thị Nhầu (dân tộc Dao) nhớ lại: "Gia đình tôi vốn là hộ nghèo, tài sản chỉ có hai con trâu, nhưng tháng 8/2022 vừa qua, cả hai con trâu đều bị lũ cuốn trôi. Thế là nhà tôi trắng tay, trong khi tiền vay mua trâu còn chưa trả hết. Không biết trông cậy vào đâu vì cả bên gia đình đều không có chỗ dựa; lúc đó vợ chồng tôi quá suy sụp".

Nguồn vốn nhỏ giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Quang Bình (Hà Giang) đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo. Ảnh PVH

Nguồn vốn nhỏ giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Quang Bình (Hà Giang) đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo. Ảnh PVH

Được tham gia nhóm hỗ trợ mô hình sinh kế để phát triển kinh tế, chị Nhầu được hỗ trợ vay 5 triệu đồng không tính lãi để mua hai con dê giống về chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những chị em tham gia trước đó, việc chăn nuôi dê của chị Nhầu khá thuận lợi. Chưa đầy 9 tháng sau, từ hai con giống ban đầu, đàn dê của chị đã có thêm 5 dê con.

"Từ 5 triệu đồng vốn vay ban đầu, đến nay tôi đã có trong tay số tiền kha khá. Tôi cũng tự tin chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê cho các chị em vào nhóm sau. Trong nhóm sinh kế nuôi dê của thôn, mỗi chị em được vay tối đa 5 triệu đồng theo hình thức vay quay vòng. Mỗi hộ được vay trong thời hạn 18 tháng, chia làm hai lần trả gốc để dành cho các chị em khác vay. Đàn dê giống mua về đều sinh trưởng rất tốt và tăng đàn nhanh", chị Nhầu chia sẻ thêm.

Chị Đặng Xà Trắm, trưởng nhóm sinh kế nuôi dê thôn Hồng Sơn cho biết: "Nhận thấy hiệu quả từ mô hình kinh tế của các hội viên khác, nhiều chị em tại đây cũng muốn tham gia vào nhóm. Với số lượng chị em ngày càng đông, chúng tôi sẽ tách nhóm ra để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của nhóm, tạo thuận lợi cho các chị em dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế".

Chị em đầu tư máy ấp trứng để hoạt động sản xuất, nuôi trồng hiệu quả cao hơn. Ảnh PVH

Chị em đầu tư máy ấp trứng để hoạt động sản xuất, nuôi trồng hiệu quả cao hơn. Ảnh PVH

Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo

Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình Nguyễn Thị Quyên cho biết: Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,08%; đến cuối 2023 giảm còn 9,24%. Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,32%, nay còn 7,83%. Thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ tại địa phương.

Với sự nỗ lực vươn lên làm kinh tế của chính bản thân các chị, cùng với nguồn vốn vay từ các mô hình sinh kế, các nhóm tiết kiện tự quản, các chị em đã mạnh dạn sản xuất, chăn nuôi, cho thu nhập ổn định, bền vững. Hiện trong 6 xã có 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản với 732 thành viên, đã cho 147 chị vay, với số tiền tiết kiệm hàng năm lên gần 1 tỉ đồng. Nhận thức của cộng đồng, của người đàn ông đối với người phụ nữ đã thay đổi rõ rệt. Nhiều chị em còn đang ấp ủ những ý tưởng kinh doanh để vươn lên thoát nghèo trên chính quê hương mình.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguon-von-nho-giup-phu-nu-vung-cao-phat-trien-kinh-te-20240514103038252.htm