Người dân 'khóc' vì giá vàng, chuyên gia kiến nghị dừng đấu thầu

Sau chuỗi ngày 'phi mã', giá vàng các thương hiệu trong nước bất ngờ đảo chiều 'lao dốc'. Nhà đầu tư 'khóc ròng' vì biến động khó lường. Giới chuyên môn kiến nghị dừng cơ chế đấu thầu vàng như hiện nay.

Khóc ròng vì mua vàng cấp tốc lúc giá lên đỉnh

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội ngày cuối tuần 11/5 được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,8 triệu đồng/lượng mua vào và 91,3 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày trước đó giá vàng SJC đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng.

Vàng "bốc hơi" cả triệu đồng mỗi lượng. Ảnh minh họa

Trong khi đó, các thương hiệu khác giảm sâu hơn. DOJI tại khu vực Hà Nội điều chỉnh giảm giá vàng miếng 2,4 triệu đồng chiều mua và 2,2 triệu đồng chiều bán xuống lần lượt 87,7 triệu đồng/lượng mua vào và 89,2 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu lần lượt là 87,8 triệu đồng/lượng và 90,1 triệu đồng/lượng, giảm 2,3 triệu đồng. Phú Quý SJC thu mua vàng miếng với giá 87,3 triệu đồng/lượng và bán ra 90,1 triệu đồng/lượng, giảm 2,7 triệu đồng chiều mua và 2,3 triệu đồng chiều bán.

Giá vàng đã giảm mạnh sau chỉ đạo “nóng” của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh, kiểm tra thị trường vàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 5/2024.

Những người đổ xô mua vào thời điểm giá vàng trong nước đạt “đỉnh” 92,4 triệu đồng/lượng đã lỗ nặng gần 5 triệu đồng/lượng (bao gồm cả giá xuống và chênh lệch mua -bán vàng). Hiện chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vẫn là 2,5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro lớn về phía người mua vàng.

Trong những ngày giá vàng tăng “điên cuồng”, người dân sẵn sàng đội nắng chờ cả tiếng đồng hồ xếp hàng để mua vàng vì nghĩ giá vàng còn lên nữa. Tình trạng khan vàng miếng và nhẫn tròn trơn diễn ra trên diện rộng khiến giá vàng SJC, kể cả vàng nhẫn, càng bị đẩy lên cao. Trong khi cơ quan nhà nước tìm cách để tăng cung vàng miếng, thì các doanh nghiệp lại có dấu hiệu tiết cung, tạo ra sự khan hiếm.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở Hà Đông, Hà Nội cho hay, thấy vàng liên tục lên, chị có sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng, chấp nhận mất lãi, rút ra đi mua vàng. Chị Hoa tính tất tay mua 5 lượng vàng, chật vật xếp hàng mới mua được 3 chỉ vàng. Đã thế còn phải chờ 1 tuần sau mới lấy nốt số vàng còn lại. Thế nhưng vừa mua xong lúc đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã tuột một mạch xuống sát 90 triệu (giá bán ra của nhà vàng), trong khi giá thu mua chỉ 88 triệu đồng/lượng). Chưa thấy lãi đâu, tính sơ sơ chị đã mất hơn 20 triệu trong 1 ngày. Giờ chị lo nơm nớp mất ăn mất ngủ, không biết tuần sau giá vàng như nào.

Bà Ngô Thu Nga ở Hoàng Mai kể thấy mấy chị hàng xóm bàn tán xôn xao về giá vàng liên tục lập đỉnh mới, phá mọi kỷ lục nên cũng nóng ruột.

“Sợ giá vàng lên nữa và tiền mất giá, tôi liền vay mượn đi mua 2 lượng vàng. Vừa mua xong thì giá vàng lao dốc. So với giá lúc đỉnh vàng thì tôi đã bị thổi bay gần 10 triệu đồng/lượng. Đu theo giá vàng không cẩn thận tăng xông mà chết” - bà Nga thở dài.

Không lỗ như trường hợp chị Hoa và bà Nga nhưng chị Nguyễn Phương Minh muối ruột nhìn vàng rơi 2 ngày nay, chị và chồng nhấp nhổm gọi điện cho nhau suốt ngày xem có nên bán vàng ra để xây nốt căn nhà dở dang hay không. Bán ra sợ vàng lên, mà không bán sợ vàng còn giảm tiếp.

Trên thế giới, đóng cửa phiên giao dịch cuối của tuần, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 2.360,7 USD/ounce. Mức chốt tuần của giá vàng thế giới tương đương khoảng 72,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC bán lẻ 19 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng nhẫn gần 5 triệu đồng/lượng...

Tuần tới, dữ liệu có thể ảnh hưởng mạnh tới diễn biến giá vàng là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ. Hai thống kê lạm phát quan trọng này sẽ chi phối triển vọng lãi suất, tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, từ đó tác động tới giá vàng.

Tuy nhiên, với mức tăng cao hơn gần 20 triệu đồng của giá vàng trong nước so với thế giới, các chuyên gia cho rằng đây vẫn là mức giá cao vô lý.

Kiến nghị dừng cơ chế đấu thầu vàng

Sau 5 phiên đấu thầu vàng, chỉ có 6.800 lượng vàng được đưa ra thị trường, 3/5 phiên phải hủy thầu. Cứ sau mỗi phiên đấu thầu/hủy thầu thì giá vàng lại tăng cao thêm. Việc đấu thầu vàng chỉ để tăng cung, nhưng số lượng trúng thầu quá thấp, không thể đem lại hiệu quả.

Do đó hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, để tăng cung, đấu thầu vàng không phải là biện pháp.

Một chuyên gia lâu năm về tài chính phân tích: Thị trường vàng quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới liên tục biến động theo cả hai chiều tăng và giảm. NHNN cũng khó có thể biết trước tương lai của giá vàng để đưa ra “cái nhìn trong dài hạn” mà xác định giá sàn phù hợp với xu hướng biến động của giá vàng thế giới.

“Nếu NHNN chào thầu và bán ra với mức giá gần sát với giá vàng quốc tế, thì không có gì bảo đảm doanh nghiệp trúng thầu sẽ bán vàng với giá rẻ. Rất có thể doanh nghiệp trúng thầu mua vàng với giá rẻ, nhưng lại duy trì mức giá cao như giá thị trường để hưởng mức chênh lệch lớn nhằm tối đa hóa lợi nhuận. NHNN chào thầu vàng miếng với giá thấp sát với giá thế giới, các doanh nghiệp sẽ mua vào để đóng trạng thái, chứ chưa hẳn bán ra thị trường”- vị chuyên gia nói.

Như vậy, người được lợi lớn nhất là các doanh nghiệp này chứ chưa hẳn là người dân.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam TS Nguyễn Thế Hùng kiến nghị, thay đổi cơ chế đấu thầu vàng. NHNN nên chào bán cho các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng từng đợt với số lượng nhỏ hơn. Đồng thời NHNN cần ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng được mua. Các doanh nghiệp mua từ NHNN bán vàng ra cũng chỉ được hưởng hoa hồng nhất định khoảng 300.000 - 500.000 đồng/lượng, ai ăn chênh lớn hơn sẽ bị xử phạt.

Khác với đại diện của Hiệp hội Kinh doanh vàng, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam có thể kiểm soát thị trường vàng bằng cách giảm mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới bằng nhiều biện pháp khác, chứ không chỉ trông chờ tổ chức đấu thầu vàng.

“Nên để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới. Còn NHNN chỉ làm nghiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả khi cần thiết”- TS Lê Xuân Nghĩa nói.

“Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp khi đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền" - PGS.TS Ngô Trí Long đồng quan điểm.

NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, lại trực tiếp gánh thêm trách nghiệm cân bằng cung - cầu vàng và điều tiết thị trường vàng thì bản thân NHNN sẽ trở thành người gánh rủi ro của thị trường.

Tại Trung Quốc nguồn cung chính của thị trường vàng nội địa Trung Quốc đến từ việc nhập khẩu vàng, thông qua các ngân hàng được PBOC phê duyệt. Và theo quy định, mức giá bán ra từ các đơn vị kinh doanh phải cộng thêm 15% dựa trên mức giá sàn mà SGE công bố hằng ngày. Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ có mức tiêu thụ vàng cao nhất trên thế giới. Nguồn cung chủ yếu của Ấn Độ cũng đến từ nguồn vàng nhập khẩu. Năm 2003, Ấn Độ thành lập Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ (MCX), đồng thời quy định tất cả các giao dịch vàng trên cả nước sẽ thực hiện dưới sự kiểm soát của MCX.

Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Nếu quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì NHNN không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu SJC cho Công ty SJC trong Nghị định mới sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cơ quan quản lý đang có quyết tâm khắc phục tình trạng giá vàng miếng chênh lệch quá cao so thế giới và nhẫn trơn. Chính phủ yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng, thanh tra và giám sát kỹ hơn hoạt động mua - bán. Do đó, đây có thể là rủi ro đáng cân nhắc với nhà đầu tư. (PGS. TS Đinh Trọng Thịnh)

Chủ trương không nhập khẩu vàng chính ngạch đã kéo dài 12 năm qua và việc gia công cũng hạn chế. Vì vậy, cung - cầu đóng vai trò quyết định rất lớn đến giá vàng SJC. Tương tự các kênh tài sản khác, tác động đến giá cả nhiều nhất vẫn là nhóm tạo lập thị trường (còn gọi là cá mập). Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường khó đoán định những nước đi của họ, nên thường là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước những "cơn sóng" bất ngờ. (PGS.TS Ngô Trí Long)

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-khoc-vi-gia-vang-chuyen-gia-kien-nghi-dung-dau-thau.html