Người có uy tín trong đồng bào dân tộc là 'cánh tay nối dài' của chính quyền

Vai trò già làng, trưởng bản và người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được phát huy, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong đời sống xã hội ở khu vực miền núi nhiều tỉnh.

Phát huy vai trò “tuyên truyền viên”

Năm 2020, triển khai việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã ở huyện A Lưới, có 3 đơn vị hành chính chưa đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Trong đó, xã A Đớt là đơn vị được sáp nhập với xã Hương Lâm, lấy tên mới là xã Lâm Đớt.

Sau khi có kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại 6 thôn của xã A Đớt về việc sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm, với tỷ lệ phiếu tán thành chỉ đạt 38,6%, chưa đạt quá bán theo quy định, lãnh đạo huyện A Lưới tổ chức buổi làm việc với 45 đại biểu đại diện các già làng, người có uy tín (NCUT), lãnh đạo xã qua các thời kỳ, các bí thư chi bộ, các trưởng thôn ở xã A Đớt về vấn đề sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm.

Các ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ bà con chưa đồng tình bởi tâm trạng lo lắng, băn khoăn về các vấn đề phong tục, tập quán bị xáo trộn, không đồng bộ; mất quyền lợi về chế độ, chính sách; các thủ tục giấy tờ tùy thân phức tạp, rườm rà; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đặt tên xã mới sáp nhập như thế nào…

Ông Hồ Văn Bai, NCUT thôn La Tưng, xã A Đớt (nay là xã Lâm Đớt) cho rằng, xã Hương Lâm và xã A Đớt có người dân là hai dân tộc khác nhau, lịch sử và truyền thống văn hóa khác nhau, vì vậy bà con lúc đó e ngại sau khi sáp nhập không biết sẽ phụ thuộc vào đâu, các thủ tục hành chính, giấy tờ tùy thân sẽ giải quyết như thế nào?

Chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, lãnh đạo huyện A Lưới giải thích, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ không làm ảnh hưởng về chế độ chính sách, phong tục tập quán của bà con Nhân dân. Việc này chỉ nhằm tổ chức lại các đơn vị phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, tinh giản biên chế và thực hiện tốt chính sách tiền lương…

Được giải đáp thông suốt về chủ trương, đường lối, các chính sách trong việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các già làng, NCUT ở các thôn của xã A Đớt tích cực tuyên truyền cho bà con dân bản. Nhờ vậy, đồng bào bày tỏ đồng tình và thể hiện sự nhất trí, tin tưởng.

Ông Nguyễn Minh Sang, thôn A Tin, xã A Đớt (nay là xã Lâm Đớt) chia sẻ, sau khi được giải thích rõ về chủ trương sáp nhập xã, chúng tôi rất ủng hộ và tích cực vận động con cháu thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng bào lúc đó phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng để cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

“Cánh tay nối dài”

Năm 2004, về nghỉ hưu theo chế độ, ông Ra Pát A Ray được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thượng Long, huyện Nam Đông rồi Bí thư Chi bộ thôn A Xăng. Ở cương vị nào, ông cũng gương mẫu, đi đầu trong công tác. Già làng Ra Pát A Ray, người dân tộc Cơ Tu ở thôn A Xăng, xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những đảng viên, người có uy tín ở địa phương.

Già làng Aray kể rằng, sau ngày đất nước giải phóng, người dân quê ông thiếu thốn đủ bề bởi chỉ trông chờ vào một mùa lúa rẫy. Nay, cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo; ai cũng biết làm lúa nước, trồng cây ăn trái, vườn nào cũng xanh sạch. Già làng A Ray rất vui khi phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương có nhiều kết quả nổi bật.

 Già làng A Ray, xã Thượng Long, huyện Nam Đông vận động dân làng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Thanh Hà

Già làng A Ray, xã Thượng Long, huyện Nam Đông vận động dân làng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Thanh Hà

“Vận động làm ruộng, làm vườn, xây dựng nông thôn mới; đoàn kết xóm làng, đoàn kết cộng đồng. Bởi xác định được có đoàn kết mới có sức mạnh. Từ chỗ vận động, nhiều người tận dụng khoa học kỹ thuật, phân bón, làm đúng thời vụ, cây giống năng suất cao.., tôi góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng đời sống văn hóa”.

Cũng như già làng Ra Pát A Ray ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều già làng, người có uy tín khác đều cùng chính quyền địa phương thường xuyên làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Nhiều người luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm. Từ đó, người dân đã chấp hành tốt hơn các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước như phong trào xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp, xóa đói giảm nghèo.

 Lễ hội dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (ảnh Thanh Hà)

Lễ hội dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (ảnh Thanh Hà)

Bà Hồ Thị Lụt, người dân xã Thượng Long, huyện Nam Đông bày tỏ: “Ông là một người già làng trong thôn thì bà con luôn luôn tin tưởng. Cái gì ông nói ra thì bà con dân làng đều tuân theo hết. Ông rất tâm huyết với người dân ở đây. Tôi thấy ông rất tích cực tham gia công việc của thôn từ khi về hưu, ông làm Bí thư Chi bộ thôn cho đến khi ông nghỉ, ông đều gắn với mọi công việc của thôn, xóm. Cái gì khó khăn ông đều làm hết”.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 130 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, đội ngũ này luôn phát huy vai trò nòng cốt trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Họ có cả kho tàng kiến thức, kinh nghiệm nên từ lâu đã trở thành chỗ dựa của bà con, là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Những nỗ lực của đội ngũ già làng, người có uy tín ở các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi nơi đây. Nếu như trước đây, bà con chỉ biết lên nương, lên rẫy thì nay được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; loại bỏ các hủ tục; con em đồng bào được đến trường; mạng lưới y tế phủ kín các thôn, bản.

Ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã có nhiều chính sách động viên, phát huy vai trò của người có uy tín. Mới đây, tỉnh vận động một nhà hảo tâm tặng mỗi người có uy tín một điện thoại thông minh giúp họ thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách.

Người có uy tín thường xuyên cung cấp thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Họ được tổ chức thăm viếng khi ốm đau, hoạn nạn. Hàng năm, họ được đi tham quan, học hỏi các mô hình hay, cách làm sáng tạo của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn quốc. Định kỳ, những người có thành tích tiêu biểu được biểu dương, tuyên dương, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”, ông Hải nói.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dan-toc-la-canh-tay-noi-dai-cua-chinh-quyen-post276538.html