Ca sĩ Ngọc Anh 3A nuối tiếc vì không kịp về viếng NSND Tường Vi

Giọng ca cách mạng nổi tiếng với 'Cô gái vót chông', 'Tiếng đàn Ta Lư' - NSND Tường Vi qua đời ở tuổi 86.

Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đức Trịnh cho biết, ông nhận được tin báo nghệ sĩ Tường Vi qua đời hôm 11/5. Lễ viếng nghệ sĩ Tường Vi diễn ra vào 7 giờ ngày 14/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 17, số 3 Nguyễn Phi Khanh, TP Đà Nẵng. Lễ truy điệu lúc 12 giờ cùng ngày, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Quân khu 5.

Trên trang cá nhân, ca sĩ Ngọc Anh 3A - con dâu cũ của NSND Tường Vi viết: ''Con tạm biệt mẹ thân yêu, cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội. Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng mẹ thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua mẹ nhé. Thương mẹ vô cùng''.

NSND Tường Vi sinh năm 1937 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Ngay từ nhỏ, Tường Vi đã bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát. Năm 16 tuổi, sau cú sốc bà ngoại mất vì bom đạn, nghệ sĩ Tường Vi xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108 để được chữa trị cho các chiến sĩ.

Năm 1956, bà chuyển sang đoàn ca múa Tổng cục chính trị và bắt đầu học thanh nhạc. Tại đây, bà bộc lộ tố chất với giọng nữ cao vang sáng, âm sắc lanh lảnh như chim hót. Bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1967. Năm 1974, bà theo học tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Những năm chiến tranh, Tường Vi theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường.

Nghệ sĩ Tưởng Vi sở hữu giọng nữ cao màu sắc trữ tình (lirico coloratura soprano) - một loại giọng xuất hiện không nhiều tại Việt Nam, khác với nhiều giọng nữ nhạc cách mạng là nữ cao trữ tình (lirico soprano). Với âm vực rộng, linh hoạt, b có thể hát với tốc độ nhanh, lên những nốt cao vút ngoài quãng giọng nữ thông thường.

Bà thu âm nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La. Trong đó, ca khúc Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp) ghi dấu tên tuổi bà, trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ sau. Tường Vi từng cho biết khi đọc ca từ, bà mường tượng ra cảnh núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn muông thú, cỏ cây. Từ đó, bà sáng tạo bằng cách thêm một đoạn chạy nốt staccato với giọng head voice (giọng óc) giả tiếng chim hót vào bài hát.

Nghệ sĩ Tường Vi từng tham gia sáng tác các ca khúc như: Phi đội ta xuất kích; Quê hương anh là biển cả; Em lắng nghe tiếng đời; Đời cho em những nốt nhạc vui; Trái tim ơi đừng buồn; Ước mơ của bé là hòa bình. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1993. Bà cũng vinh dự là nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.

Suốt sự nghiệp, NSND Tường Vi từng hỗ trợ nhiều em nhỏ, giọng ca khuyết tật, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương là một trong số đó.

Năm 1992, bà mở lớp dạy nhạc cho trẻ em mồ côi, sau đó lập nên Trung tâm Nghệ thuật tình thương, mục đích nuôi dưỡng và đào tạo nghệ thuật cho trẻ em bị khuyết tật, mồ côi. Trung tâm từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé thăm khi ông còn sống.

Ngọc Châu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-si-nhan-dan-tuong-vi-tu-tran-o-tuoi-86.html