Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Định: Không thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên sân khấu

Về việc đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu, tôi không đồng tình vì nó có thể làm mất đi tính trang nghiêm của đạo mẫu. 'Sân khấu' thực sự của đạo mẫu nằm ở sạp công đồng và các đền thờ, nơi có sự uy nghi và trang trọng. Để giữ gìn tính thiêng liêng, tôi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần can thiệp và xây dựng bộ quy tắc chuẩn cho việc thực hành, từ địa điểm tổ chức đến hình thức và cách thức, tránh sự lệch lạc và biến tấu hiện đại.

Tôi tên là Nguyễn Thị Định, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1952. Hiện tôi đang hoạt động trong lĩnh vực tâm linh và tự hào là một nghệ nhân Ưu tú trong loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tôi sinh sống tại số 117 Phan Chánh, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và có thể liên lạc qua số điện thoại 094 3458 555.

Quá trình tôi trở thành một thanh đồng bắt đầu từ những ngày còn rất trẻ. Sau năm 1975, tôi chuyển sang công tác tại đoàn ca múa Hà Tĩnh và sau đó là đoàn ca múa Nghệ Tĩnh tại TP Vinh vào năm 1976. Đến năm 1980, sau một sự cố, tôi đã quyết định theo đạo Mẫu. Đồng thầy của tôi, cô Trần Thị Yên từ Hải Phòng, đã giúp tôi mở phủ và dẫn dắt tôi trên con đường tâm linh này. Năm 1991, tôi được phép lập thờ tại gia và từ năm 1993, tôi đã thờ tại gia tại địa chỉ hiện tại của mình. Từ đó đến nay, tôi đã trở thành một đồng thầy với hàng trăm con nhang và đệ tử. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành và lập nên nhiều bản hội, thờ các điện nhỏ, điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi và hạnh phúc.

Trải qua hàng chục năm gìn giữ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi đã được nhà nước vinh danh và trao tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú vào năm 2022. Đây là một phần thưởng cao quý, đánh dấu sự nghiệp hoạt động tâm linh của tôi. Tôi tự hào và trân trọng vinh dự này. Mong ước của tôi là có thêm sức khỏe để tiếp tục phụng sự thiên cung thiên thánh đạo Mẫu Việt Nam, góp phần cùng các thanh đồng khắp mọi miền đất nước và đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh, xây dựng và phát triển thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ngày càng phồn vinh.

Về tầm quan trọng của thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam hiện đại, tôi tin rằng Mẫu không chỉ là một người mẹ huyền thoại mà còn là mẫu nghi thiên hạ, tứ bất tử của Việt Nam. Thánh Mẫu được nhân dân tôn kính, gọi là Mẫu liễu hạnh, và là bậc nhất trong đạo mẫu Việt Nam. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu giúp chúng ta nhớ về công ơn của người mẹ vĩ đại, răn dạy chúng ta những đức tính tốt đẹp và nhắc nhở về nguồn cội. Là một nghệ nhân và cũng là một người mẹ, tôi có ảnh hưởng quan trọng trong gia đình và cộng đồng, dạy dỗ con cháu ngoan ngoãn và trưởng thành. Tôi hướng dẫn họ theo đạo mẫu và nghệ thuật tâm linh, vì tôi tin rằng tín ngưỡng này có ích cho xã hội và giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa tín ngưỡng của đất nước chúng ta.

Trong quá trình thực hành tín ngưỡng của mình, tôi có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Vào năm 1980, tôi bắt đầu ra hầu đồng và trong thập kỷ 90, đặc biệt là khoảng năm 1992-1993, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu còn bị cấm vì được coi là mê tín dị đoan. Mỗi lần chuẩn bị hầu, tiếng trống vang lên là người dân lại báo công an. Đồng thầy đã bị công an triệu tập và tạm giam 3-4 lần. Trong thời gian đó, tôi vừa làm việc trong cơ quan nhà nước, vừa là một thanh đồng, nên mỗi chiều tan làm là tôi tranh thủ thực hành tín ngưỡng của mình.

Trong những năm tháng đầu của sự nghiệp tâm linh, tôi đã phải giấu giếm hoạt động của mình khỏi gia đình. Mỗi chiều sau giờ làm, tôi và các thanh đồng khác góp tiền mua cơm cho thầy của chúng tôi, người đang bị giam giữ. Chúng tôi không dám về nhà nấu cơm vì sợ gia đình không ủng hộ. Khi thầy bị bắt, chúng tôi phải mua cơm từ bên ngoài để mang vào trại giam. Gia đình tôi không biết rằng tôi thường xuyên tham gia các nghi lễ tâm linh sau giờ làm việc, và tôi phải “trốn” để thực hiện niềm tin của mình. Đôi khi, vì hoạt động với các thanh đồng mà về nhà muộn, tôi phải chịu đựng sự chửi mắng và nghi ngờ từ chồng mình.

Nhưng, may mắn thay, tình cảm và sự đoàn kết giữa các chị em đồng thầy đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn đó. Và bây giờ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này không chỉ là một sự khẳng định về tính hợp pháp của hầu đồng mà còn là nguồn tự hào và động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến.

Mỗi năm, tôi tổ chức các nghi lễ hầu đồng từ 20 đến 30 lần, và đôi khi ít hơn, khoảng 15 đến 20 lần. Chi phí cho những nghi lễ này thường do chính tôi và các đệ tử của mình đóng góp. Khi hầu tại nhà, mỗi thanh đồng sẽ góp tiền, với mỗi 3 giá hầu là khoảng 2 đến 3 triệu đồng, để tổ chức các khóa lễ và tạo dựng mối quan hệ giữa thầy và trò. Ngoài ra, các thanh đồng cũng thường xuyên đi lễ ở khắp miền Bắc và miền Nam, trải rộng khắp cả nước.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy có những biến tướng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trước đây, các thanh đồng có lòng nhiệt huyết và sự chung thủy sắt son giữa thầy và trò, cũng như với thánh Mẫu. Nhưng giờ đây, một số thanh đồng và bản hội không còn tôn trọng thầy của mình, hành động mà không xin phép hay báo trước. Điều này không chỉ xảy ra ở Hà Tĩnh mà còn ở khắp nơi. Có những hành vi thực hành tín ngưỡng một cách nhảm nhí, làm mất đi vẻ đẹp văn hóa của dân tộc. Ví dụ, theo quy định, một người mới được làm thầy sau 9 đến 12 năm hầu đồng, nhưng hiện nay có những trường hợp mới mở phủ vài năm, thậm chí chỉ mới 3 tháng, đã tự ý trở thành thầy. Điều này được coi là hành vi trục lợi cá nhân và là vi phạm nghiêm trọng.

Để khắc phục, tôi mong muốn sự vào cuộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đưa ra các biện pháp cụ thể và nghiêm túc thông qua văn bản quy định chung trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Chẳng hạn, chỉ những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và thành tích nhất định mới được phép làm thầy đồng. Sau đó, cần có sự tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức của thanh đồng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tín ngưỡng thờ mẫu, loại bỏ những thói hư tật xấu không đáng có.

Để phát huy Tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội hiện đại, tôi tin rằng sự quan tâm từ nhà nước và chính quyền địa phương là cần thiết. Họ cần phối hợp chặt chẽ với thanh đồng và đạo quan để xây dựng và phát triển tín ngưỡng này. Việc tổ chức các buổi liên hoan thực hành nghiêm trang và chuẩn chỉnh, cùng với việc truyền thông mạnh mẽ để thu hút người dân tham gia và quan sát, sẽ góp phần lan tỏa giá trị của đạo mẫu. Ngoài ra, việc xuất bản sách về thực hành tín ngưỡng thờ mẫu sẽ giúp thanh đồng nâng cao kiến thức và cung cấp thông tin cho người dân muốn tìm hiểu thêm.

Về việc đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu, tôi không đồng tình vì nó có thể làm mất đi tính trang nghiêm của đạo mẫu. “Sân khấu” thực sự của đạo mẫu nằm ở sạp công đồng và các đền thờ, nơi có sự uy nghi và trang trọng. Để giữ gìn tính thiêng liêng, tôi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần can thiệp và xây dựng bộ quy tắc chuẩn cho việc thực hành, từ địa điểm tổ chức đến hình thức và cách thức, tránh sự lệch lạc và biến tấu hiện đại.

Để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa trong xã hội, mỗi thanh đồng cần phải là tấm gương mẫu mực, có phẩm chất tốt và kiến thức sâu rộng để có thể truyền đạt và quảng bá rộng rãi. Sự trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa các thanh đồng sẽ tạo nên sự tin tưởng và nhận thức đúng đắn về văn hóa này trong cộng đồng.

Cuối cùng, về việc sáng tác các điệu hát và múa dựa trên nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi cho rằng chúng ta nên giữ gìn những làn điệu hát văn gốc và không nên cải biên. Nếu có sự phát triển hay cải biên, nó chỉ nên được thực hiện bởi những người có thẩm quyền và kiến thức sâu sắc về văn hóa và nguồn gốc của đạo mẫu.

Nguyễn Thị Định

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-uu-tu-nguyen-thi-dinh-khong-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tren-san-khau-a24629.html