Ngày Đại lễ Tam hợp Vesakhapuja PL.2568

Trong các ngày lễ quan trọng của đạo Phật thì lễ Rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch) là ngày lễ quan trọng nhất

Trong các ngày lễ quan trọng của đạo Phật thì lễ Rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch) là ngày lễ quan trọng nhất.

Tác giả: Tuệ Ân

Trong các ngày lễ quan trọng của đạo Phật thì lễ Rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch) là ngày lễ quan trọng nhất bởi những sự kiện sau:

Ngày Rằm tháng Vesakhamāsa cách đây 2.648 năm, tại khu rừng Lumbinī (nay thuộc xứ Nepal), khoảng giữa kinh thành Kapilavatthu và kinh thành Devadaha, đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh kiếp chót từ lòng bà chính cung Hoàng hậu Mahāmayadevī của Đức vua Suddhodana thuộc dòng dõi Sakya.

Canh chót đêm rằm tháng Vesakhamāsa cách đây 2.613 năm, tại Đại cội Bồ Đề trong khu rừng Uruvela (nay gọi Bodh Gaya xứ Ấn Độ), tỉnh Senanigama, đức Bồ Tát Siddhattha chứng ngộ Đạo quả, trở thành đức Phật Chính đẳng giác có danh hiệu là đức Phật Gotama tối thượng trong tam giới.

Canh chót đêm Rằm tháng Vesakhamāsa cách đây 2.568 năm, tại khu rừng Sālā xứ Kusinārā (Ấn Độ), đức Phật Gotama tịch diệt Niết bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Đó là 3 sự kiện trọng đại, tuy khoảng cách thời gian khác nhau, nhưng xảy ra đều trùng hợp vào đêm Rằm tháng Vesakhamāsa, đúng theo ý nguyện của đức Phật Gotama. Cho nên, tất cả phật tử từ những bậc xuất gia đến các hàng tại gia cư sĩ trên toàn thế giới, đều lấy đêm Rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch), làm ngày lễ cúng dường đức Phật, gọi là “ngày Đại lễ Tam Hợp Vesākhapūjā” (Tam Hợp là 3 sự kiện “Đản sinh kiếp chót – Thành đạo – Niết bàn).

Thật vậy, từ vô thủy vô chung không rõ kiếp bắt đầu của đức Bồ-tát trước khi Ngài phát nguyện muốn trở thành một đức Phật Chính đẳng giác, chỉ biết rằng Ngài đã trải qua 4 A tăng kỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp trái đất để hoàn thành 30 pháp hạnh ba la mật mà Ngài chuyện chứng đắc thành đức Phật Chính giác, đó là:

– Bố thí ba la mật (Dānapāramī)

– Giữ giới ba la mật (Sīlapāramī)

– Xuất gia ba la mật (Nekkhammapāramī)

– Trí tuệ ba la mật (Pañnã̄pāramī)

– Tinh tấn ba la mật (Vīriyapāramī)

– Nhẫn nại ba la mật (Khantipāramī)

– Chân thật ba la mật (Saccapāramī)

– Chí nguyện ba la mật (Adhiṭṭhānapāramī)

– Tâm từ ba la mật (Mettāpāramī)

– Tâm xả ba la mật (Upekkhāpāramī)

Mười Pháp hạnh ba la mật này đều chia thành 3 bậc hạ, bậc trung và bậc thượng để tạo ra 30 Pháp hạnh Ba la mật của 1 vị Phật Chính đẳng giác.

Theo đúng Kinh điển Tam Tạng Pālị thì đại lễ Tam Hợp Vesak được tổ chức long trọng để kỷ niệm ngày đức Bồ Tát Chính đẳng giác Siddhattha đản sinh kiếp chót, đức Bồ Tát Chính đẳng giác Siddhattha chứng ngộ đạo quả, trở thành đức Phật Chính đẳng giác tên hiệu là Gotama và sự kiện thứ 3 là đức Phật Chính đẳng giác Gotama tịch diệt Niết bàn. Ba sự kiện trọng đại này, tuy thời gian cách xa nhau, nhưng cùng trùng hợp vào ngày, đêm Rằm tháng Vesakhamāsa (tháng Tư Âm lịch) ấy.

Có một vấn đề cần được làm rõ ở đây đó là việc gọi tên sự kiện, Phật giáo Việt Nam thường sử dụng từ “Đại lễ Phật đản” để gọi thay thế cho cụm từ “Đại lễ Tam Hợp Vesakhapūjā”. Điều này chưa thật chính xác bởi theo chính Tạng Pālị thì các Bậc đã đoạn tận lậu hoặc và cắt lìa được vòng sinh tử luân hồi (như đức Phật Chính giác, đức Phật độc giác và bậc thánh A la hán) thì sẽ không còn phải tái sinh trở lại tam giới nữa.

Đức Bồ Tát Chính đẳng giác Siddhattha sau khi đã hoàn thành đủ 30 Pháp hạnh Ba la mật thì Ngài đã Đản sinh kiếp chót ở cõi người Jambūdīpa và tu tập chứng quả vị Phật Chính giác để thực hiện hạnh nguyện phổ độ chúng sinh. Năm 16 tuổi, đức Bồ Tát Chính đẳng giác Siddhattha được vua cha truyền ngôi báu và cưới vợ cho đức Bồ Tát.

Năm Ngài 29 tuổi, chư Thiên đã tạo ra hình ảnh 4 sự việc khiến đức Bồ Tát Chính đẳng giác Siddhattha phải động tâm dứt khỏi những mộng mị về đời sống tại gia, đó là hình ảnh già – bệnh – chết và xuất gia sống đời phạm hạnh. Ngài đã bỏ lại hoàng cung, vợ đẹp con thơ để dấn bước vào cuộc hành trình vĩ đại nhất, cao quý nhất, tối thượng nhất. Đó là hành trình đến bờ cõi Niết bàn an vui, cắt lìa vòng sinh tử luân hồi trong ba giới bốn loài.

Canh chót đêm trăng tròn tháng Vesak, đức Bồ Tát Chính đẳng giác Siddhattha đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo – Tứ Thánh Quả và Niết bàn tối thượng và trở thành đức Phật Chính đẳng chính giác tên hiệu là Gotama. Chư Thiên và nhân loại từ đó bước sang 1 thời kỳ mới – Thời kỳ có 1 vị Phật Chính đẳng giác xuất hiện.

Như mặt trời chói lọi soi tỏ và xua tan màn đêm đen của vô minh. Ngài đã dùng đuốc Tuệ dẫn đường chỉ lối cho chúng sinh tam giới vượt thoát cõi mê đến được bờ Giác. Bắt đầu từ lúc đó, Đạo Lành được thịnh hưng trên thế gian, chỉ có những chúng sinh nhiều phước mới có cơ hội được sinh vào thời có đức Phật Chính giác hoặc Giáo Pháp đang hưng thịnh như vậy mà thôi.

45 năm Ngài xuất hiện trên thế gian thật vô cùng ngắn ngủi so với thời gian 4 A tăng kỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp mà Ngài đã huân tập Ba la mật để trở thành vị Phật Chính giác, nhưng 45 năm đó rực sáng đến tận 5 ngàn năm sau (có thể dài hơn cả mốc giới 5 ngàn năm đó).

Sự xả bỏ của Người Thắp Lửa Tối Thượng được đánh dấu bằng ngày Rằm tháng Māghapūja khi Đấng Thập Lực Vô Tỷ tuyên hứa với Ma vương thời điểm Ngài sẽ tịch diệt Niết bàn sau đó 3 tháng.

Đêm rằm tháng Vesak cách đây 2568 năm, Đấng Đạo Sư lần cuối cùng nhắc nhở khuyên bảo các hàng Thanh Văn đệ tử rằng:

“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,
Vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha”

“Này chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, bây giờ Như-lai nhắc nhở, khuyên bảo các con lần cuối cùng rằng:
Các pháp hữu vi (ngũ uẩn) có sự diệt là thường, các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế, bằng pháp không dể duôi, thực hành Tứ niệm xứ”.

Đấng Điều Ngự Trượng Phu vừa chấm dứt câu: “Appamādena sampādetha” từ đó không còn dạy thêm một câu nào khác nữa. Đức Phật có danh hiệu Gotama là Bậc Cao Cả nhất, Bậc Vĩ Đại nhất, Bậc Tối Thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh, đã tịch diệt Niết bàn. Do vậy, câu: “Handa dāni bhikkhave… appamādena sampādetha”, được gọi là “câu Phật ngôn cuối cùng Pacchimabuddhavacana”.

Tất cả chúng sinh trong tam giới hễ có sinh, thì ắt phải có tử, không ngoại trừ một ai cả. Tuy nhiên, đức Phật và chư Thánh A la hán không gọi là tử (chết) mà gọi là tịch diệt Niết bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài; bởi vì, đức Phật và chư Thánh A la hán đã diệt đoạn tuyệt mọi tham ái không còn dư sót, cho nên, không có tham ái dẫn dắt nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau nữa.

Còn các chúng sinh khác, dù là bậc thánh Nhập lưu, bậc thánh Nhất-lai, bậc thánh Bất-lai vẫn còn tham ái là nhân sinh khổ, dẫn dắt tái sinh kiếp sau, tiếp tục tử sinh luân hồi trong tam giới. (Các vị thánh Nhập lưu, bậc thánh Nhất-lai, bậc thánh Bất-lai chỉ tái sinh trở lại vòng sinh tử luân hồi không quá 7 kiếp rồi tịch diệt Niết bàn)

Năm 2024, Phật lịch 2568, vào ngày rằm tháng tư âm lịch, tất cả các hàng thanh-văn đệ tử của đức Phật Gotama trên toàn thế giới, mỗi nơi đều tổ chức long trọng lễ cúng dường đức Phật để cùng hướng tâm tưởng niệm 3 sự kiện hy hữu sảy ra trong cùng 1 ngày tháng, đó là:

– Kỷ niệm 2.568 năm, đức Phật Gotama đã tịch diệt Niết bàn tại khu rừng Sālā xứ Kusinārā (xứ Ấn Độ).

– Kỷ niệm 2.613 năm, đức Bồ-tát Siddhattha đã chứng đắc thành đức Phật Gotama tại đại cội Bồ-đề (nay Bodh Gaya xứ Ấn Độ).

– Kỷ niệm 2.648 năm, đức Bồ-tát Chính đẳng giác Siddhattha đản sinh kiếp chót tại khu rừng Sālā ở Lumbinī (nay thuộc xứ Nepal).

Do tại miền Bắc không có nhiều chùa Theravāda nên năm nay việc thực hiện đại thiện pháp cúng dường Tam Bảo ngày đại lễ Vesākhapūjā được Tuệ Ân thực hiện ở nhà theo đầy đủ nghi thức để tỏ lòng tôn kính Đức Phật – Pháp – Tăng Tam Bảo, cụ thể như:

– Đảnh lễ Tam Bảo.

– Sám hối Tam Bảo.

– Xưng tán Tam Bảo.

– Xin thọ trì Tam Quy và Bát Quan Trai giới,

– Xin nguyện thọ pháp Đầu đà Dhutaṅga cúng dường thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ đức Phật – một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân.

– Tụng Kệ Thành Đạo Anekajāti

– Tụng kinh hộ trì Paritta

– Rải tâm từ, hồi hướng, chia phước, phát nguyện….
Xin chia sẻ thêm về nghi thức thọ Pháp Đầu Đà Dhutaṅga:
Trước khi thọ pháp hạnh đầu đà:

– Nếu hành giả là cận sự nam, cận sự nữ, thì nên phải làm lễ Sám hối Tam Bảo rồi xin thọ trì Tam Quy và Bát Quan Trai giới để mỗi hành giả sau khi đã có giới rồi thì sẽ phát sinh thiện tâm trong sạch, cung kính thọ pháp hạnh đầu đà.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng tuần tự như sau:

1 – BUDDHARATANAPANẠ̄MA – Lễ bái Phật Bảo:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chính đẳng giác ấy.

2 – Nguyện thọ trì Pháp Đầu Đà Dhutaṇga:

Seyyaṃ patịkkhipāmi,
Nesajjikaṅkaṃ samādiyāmi.
Con nguyện xin ngăn oai nghi nằm.
Con xin thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng.

3 – RATANATTAYAPŪJĀ – cúng dường tam bảo:

Imāya dhammānudhammapatịpattiyā Buddhaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Phật Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.

Imāya dhammānudhammapatịpattiyā Dhammaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Pháp Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.

Imāya dhammānudhammapatịpattiyā Saṃghaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Tăng Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.

4 – Lời nguyện cầu:
Addhā imāya patịpattiyā jāti jarā maranạmhā parimuccissāmi.
Chắc chắn, con sẽ giải thoát khỏi sinh, già, chết do nhờ duyên lành thực hành pháp hạnh đầu đà này.

Bàn thêm về “Đầu đà” hay “Dhutaṅga” nghĩa là dẹp được những phiền não, loại trừ được những phiền não.

Hành giả thọ pháp hạnh đầu đà là người ít tham muốn, biết tri túc, hoan hỷ ở nơi thanh vắng, không sống chung đụng với nhiều người, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp, giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, thực hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc; thực hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não, tham ái.

Pháp hạnh đầu đà có 13 pháp như sau:

1. Aṃsukūlikaṅga: pháp hạnh chỉ lượm vải do người đã bỏ đi rồi may y để mặc;

2. Tecīvarikaṅga: pháp hạnh chỉ đắp đúng tam y;

3. Piṇdạpātikaṅga: pháp hạnh trì bình khất thực;

4. Apadānacarikaṅga: pháp hạnh đi khất thực một bát cơm ngàn nhà;

5. Ekāsanikaṅga: pháp hạnh thọ thực đúng thời ngày 1 bữa trong 1 chỗ ngồi (trước ngọ);

6. Pattapiṇdịkaṅga: pháp hạnh chỉ thọ thực trong bát (thọ thực bằng ngón tay);

7. Khalupacchābhattikaṅga: pháp hạnh không thọ thực thêm sau khi đã buông bát;

8. Arañnĩkaṅga: pháp hạnh độc cư ở rừng;

9. Rukkhamūlikaṅga: pháp hạnh ngụ dưới cội cây;

10. Abbhokāsikaṅga: pháp hạnh ngụ nơi trống trải (không phải nơi che lợp hay bóng cây);

11. Sosānikaṅga: pháp hạnh cư ngụ nơi rừng rú hoặc bãi tha ma mộ địa;

12. Yathāsanthatikaṅga: pháp hạnh cư ngụ nơi đã được chư Tăng chỉ định, không được thay đổi nơi khác;

13. Nesajjikaṅga: pháp hạnh ngăn oai nghi nằm, chỉ dùng đến 3 oai nghi là đi, đứng và ngồi mà thôi.

Nói thêm về pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm. Pháp ngăn oai nghi nằm có 3 bậc:

– Bậc thượng: Hành giả ngồi ngay thẳng, không dựa lưng, đầu vào một nơi nào cả.

– Bậc trung: Hành giả có thể ngồi dựa lưng, đầu vào tường …

– Bậc hạ: Hành giả có thể ngồi trên giường, trên ghế dựa …

Hành giả sau khi thọ trì pháp hạnh đầu đà này rồi, suốt đêm gồm canh đầu, canh giữa, canh cuối chỉ sử dụng 3 oai nghi:

Oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là phụ tuyệt đối không sử dụng oai nghi nằm, cho đến rạng sáng ngày hôm sau.

Nếu hành giả muốn ngủ để thân tâm được nghỉ ngơi, thì hành giả có thể ngủ trong oai nghi ngồi. Như vậy, hành giả đã thành tựu kết quả pháp hạnh đầu đà này.

Hành giả đã thọ pháp hành đầu đà này rồi, ban đêm có 3 canh: Canh đầu, canh giữa, canh cuối, nếu hành giả đặt lưng và đầu xuống mặt phẳng nằm nghỉ ngơi vào canh nào, thì pháp hành đầu đà này bị đứt. Tuy pháp hành đầu đà này bị đứt nhưng không có tội, chỉ không được phước mà thôi. Hành giả có thể nguyện thọ pháp hạnh đầu đà này trở lại.

Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm này, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng thì hành giả được thành tựu các quả báu như sau:

– Cắt đứt tâm ham nằm ngủ ngon giấc.

– Thuận lợi thực hành mọi pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

– Giữ gìn các oai nghi đáng kính, dễ phát sinh đức tin trong sạch.

– Tinh tấn thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ liên tục.

– Hỗ trợ cho các pháp hành giới-định-tuệ… được phát triển và tăng trưởng tốt.
Trong bộ Chú giải Mahāvagga thuộc Chú giải Trường Bộ Kinh, kinh Sakkapañhasuttavaṇnạnā có đề cập đến chư Thánh A la hán thọ trì pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm đó là:

– Nhị vị tối thượng Thanh-Văn đệ tử: Ngài đại Trưởng Lão Sāriputta và Ngài đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna không nằm suốt 30 năm.

– Ngài đại Trưởng Lão Mahākassapa không nằm suốt cuộc đời xuất gia (Ngài thọ 120 tuổi).

– Ngài Trưởng Lão Anuruddha không nằm suốt 50 năm.

– Ngài Trưởng Lão Bhaddiya không nằm suốt 30 năm.

– Ngài Trưởng Lão Sonạ không nằm suốt 18 năm.

– Ngài Trưởng Lão Raṭṭhapāla không nằm suốt 12 năm.

– Ngài Trưởng Lão Ānanda không nằm suốt 15 năm.

– Ngài Trưởng Lão Rāhula không nằm suốt 12 năm.

– Ngài Trưởng Lão Bākula không nằm suốt 80 năm (Ngài thọ 160 tuổi).

– Ngài Trưởng Lão Nālạka không nằm cho đến khi tịch diệt Niết Bàn.

Tuy quý Ngài là bậc Thánh A la hán đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, nhưng quý Ngài thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là cốt để làm gương tốt cho lớp hậu sinh noi theo.

Các pháp hạnh đầu đà đều có khả năng ngăn được phiền não, nghĩa là diệt tâm ác, để tâm thiện sinh, làm cho các thiện pháp phát sinh như dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp phát sinh.

*Nghi thức thọ pháp hạnh Đầu Đà Dhutaṅga:

Trước khi thọ pháp hạnh đầu đà:

– Nếu hành giả là Tỳ-khưu, thì nên sám hối Āpatti xong.

– Nếu hành giả là Sa di, thì nên xin thọ lại phép quy y Tam Bảo và Sa di thập giới.

– Nếu hành giả là cận-sự nam, cận-sự nữ, thì nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, hoặc bát giới.
Mỗi hành giả sau khi đã có giới rồi, phát sinh thiện tâm trong sạch, cung kính thọ pháp hạnh đầu đà.
Xin quý vị hoan hỉ phước thiện này đồng đều nhau cả thảy và xin hãy đồng thanh nói lên lời hoan hỉ:

Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu!

Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu!

Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu!

Nguyện cho Chính Pháp được trường tồn, nguyện cầu cho tất cả chúng sinh tôn kính Pháp, nguyện cho người người được an vui, nguyện cho nơi nơi mưa thuận gió hòa.

Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!

Tác giả: Tuệ Ân – mùa Đại lễ Vesākhapūjā PL.2568

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ngay-dai-le-tam-hop-vesakhapuja-pl-2568.html