Ngại ngần tiếp cận vốn hỗ trợ, ưu đãi (*): Chính sách cần sát thực tiễn hơn

Hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng các gói hỗ trợ khi triển khai cần sát với thực tiễn, hài hòa lợi ích các bên mới mong đạt được mục tiêu đề ra

. PGS-TS NGUYỄN HỮU HUÂN, Đại học Kinh tế TP HCM:

Cần tăng tính hấp dẫn của những gói hỗ trợ

Cần tăng tính hấp dẫn của những gói hỗ trợ để các đơn vị triển khai thấy được lợi ích hài hòa cho cả 2 bên. Nếu ngân hàng (NH) thương mại triển khai gói tín dụng mà huề vốn hoặc lỗ chi phí vận hành, họ sẽ không mặn mà. Hoặc cần quy định cụ thể để những doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, khách hàng cá nhân đạt tiêu chí là phải được cho vay.

Tôi có trao đổi với nhiều DN trong các lĩnh vực, gần nhất là các DN xuất nhập khẩu, họ đều đánh giá cao các gói hỗ trợ nhưng cũng than rằng quy định, thủ tục, hồ sơ quá nhiều. Kết quả là DN có nhu cầu nhưng không hào hứng vay.

Chưa kể, nếu gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì cả NH lẫn DN đều lo có thể bị thanh tra, kiểm tra; lo thất thoát ngân sách Nhà nước. Ngược lại, nếu là gói NH thương mại tự triển khai tùy thuộc vào nguồn lực tài chính của mình, sẽ phụ thuộc nhiều vào thiện chí, hiệu quả kinh doanh và tiêu chí đánh giá khách hàng vay vốn...

Tôi cho rằng vẫn cần triển khai các gói hỗ trợ ưu đãi nhưng NH Nhà nước có thể hỗ trợ các NH thương mại bằng cách giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu để có nguồn vốn thấp cho NH triển khai; nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc một số ưu đãi khác cho những đơn vị tham gia cho vay ưu đãi. Sẽ có trường hợp lợi dụng chính sách ở một số gói tín dụng ưu đãi và có thể phải chấp nhận với tỉ lệ nhất định trong quá trình triển khai.

. Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Gói hỗ trợ lãi suất không còn cần thiết

Các gói tín dụng ưu đãi càng đơn giản về thủ tục sẽ càng thực chất, tạo thuận lợi cho DN, dễ đạt mục tiêu đã đề ra. Từ cuối năm 2023 đến nay, lãi suất cho vay đã giảm mạnh nên DN không còn than khó tiếp cận vốn vay.

Khó khăn lớn nhất của DN thời điểm này không phải là vốn mà là thị trường. Vì vậy, nếu loại trừ những vướng mắc, trở ngại khiến các gói hỗ trợ của Chính phủ không đạt mục tiêu thì khả năng là do nhiều DN, ngành nghề đang trong tâm thế chờ đợi tín hiệu thị trường, nếu vay vốn lúc này không biết làm gì cho hiệu quả. Riêng ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, khả năng đến hết quý II/2024 mới đánh giá được tín hiệu phục hồi của thị trường nên các DN cũng đang phải chờ. DN rất cần nhà nước chung tay, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, Chính phủ có thể nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách từ các gói hỗ trợ không hiệu quả chuyển sang những chính sách khác nhằm hỗ trợ thiết thực hơn cho DN, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế.

. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA):

Đề xuất bổ sung đối tượng được vay gói hỗ trợ

Hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội chỉ mới giải ngân được 646 tỉ đồng. Ngoài lý do thủ tục dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, tốn thời gian thì lãi suất cho vay gói tín dụng này vẫn ở mức cao, đối tượng được vay mua nhà còn hạn chế.

Mới đây, có thêm một NH thương mại tham gia gói tín dụng này, nâng tổng giá trị gói vay này lên 125.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, gói tín dụng này chỉ có tác dụng tích cực đối với chủ đầu tư của các dự án nhà ở xã hội và cho cả người mua nhà tại các dự án cải tạo chung cư cũ. Trong khi gói này lại chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội vì phải chịu lãi suất khá cao, tới 7,5%/năm và chỉ được áp dụng trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, lãi suất được điều chỉnh mỗi 6 tháng 1 lần và sau thời hạn ưu đãi sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi. Điều này khiến người mua, thuê mua nhà ở xã hội có tâm lý bất an nên ngại vay.

Do vậy, hiệp hội đề nghị NH Nhà nước xem xét mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói 125.000 tỉ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

Các doanh nghiệp đều mong muốn vay vốn với lãi suất thấp nhưng lại rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ lẫn ngân hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các doanh nghiệp đều mong muốn vay vốn với lãi suất thấp nhưng lại rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ lẫn ngân hàng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

. TS LƯ NGUYỄN XUÂN VŨ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN huyện Bình Chánh (TP HCM):

Tham khảo ý kiến cộng đồng DN

Các gói hỗ trợ DN được Chính phủ triển khai thời gian qua khó giải ngân được, có thể vì khi làm chính sách, những người soạn thảo chịu áp lực phải bảo toàn vốn Nhà nước mà chưa có khảo sát thực tế điều kiện, năng lực đáp ứng của DN. Kết quả là khi các gói hỗ trợ được ban hành, DN không với tới được.

Để tránh những vết xe đổ của những gói hỗ trợ lớn nhưng DN không hấp thụ được, rất mong trước khi ban hành những chính sách hỗ trợ, ban soạn thảo nên tham khảo ý kiến của cộng đồng DN cần hỗ trợ gì, hỗ trợ thế nào, khả năng DN đáp ứng yêu cầu của gói hỗ trợ dự kiến ra sao... Để từ đó tổng hợp, đánh giá và làm chính sách sát với thực tiễn; kèm theo đó là phải dự báo được các tình huống, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

. Ông ĐẶNG DƯƠNG MINH HOÀNG, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc:

Số hóa để quản lý khoản vay

Cộng đồng của chúng tôi phần lớn là DN khởi nghiệp tiêu biểu ở nông thôn, thuộc nhóm ưu đãi khi vay vốn NH nhưng qua khảo sát rất ít DN tiếp cận được. Do đó, các DN chủ yếu vay thương mại, thậm chí vay nóng bên ngoài với lãi suất 1,8%-2,5%/tháng hoặc 4%-5%/tháng để phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh.

Trong mạng lưới chúng tôi có một DN ở phía Bắc làm hồ sơ vay ưu đãi rất vất vả, cuối cùng phải bỏ cuộc. Lý do DN đặt trụ sở ở huyện A nhưng tài sản thế chấp ở huyện B (cùng một tỉnh) nên bị vặn vẹo. Ngoài ra, khi vay theo các chương trình ưu đãi, bất động sản thế chấp được định giá theo bảng giá đất của tỉnh, rất thấp so với thị trường nên hạn mức cho vay thấp, không đáp ứng được nhu cầu.

Để DN tiếp cận được vốn ưu đãi, tôi cho rằng NH Nhà nước cần áp dụng chỉ tiêu để các NH có trách nhiệm hỗ trợ DN, tránh chạy theo doanh thu, lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, NH cần áp dụng số hóa để kiểm soát các khoản vay được sử dụng đúng mục đích, hạn chế việc đòi hỏi giấy tờ hành chính quá phức tạp như hiện nay.

Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM (HUBA):

Nên mở rộng chính sách gia hạn nợ

Dù nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn song trên thực tế tỉ lệ thụ hưởng chưa nhiều, chỉ khoảng 10%. Năm 2023, nhiều DN gần như không tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Lý do là tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản bảo đảm nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi DN gần như cạn kiệt tài sản.

Khảo sát của HUBA đối với các hội viên trong quý I/2024 cũng cho thấy các DN đang gặp khó khăn về vốn chứ không phải lãi suất. Với tình hình khó khăn hiện nay, DN không vay vì không có hợp đồng hoặc DN vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn. Do đó, HUBA kiến nghị chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, có nghĩa là DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn vào năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho DN như thời gian qua.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngai-ngan-tiep-can-von-ho-tro-uu-dai-chinh-sach-can-sat-thuc-tien-hon-196240513212020121.htm