Nền tảng tài chính vững chắc hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế

Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam, khẳng định sự lành mạnh của tình hình tài chính Việt Nam đã hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý I. Xu hướng tích cực trong quý đầu tiên này có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2024.

Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

PV: Theo số liệu Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024, cả ba chân kiềng quan trọng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều đang tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam năm nay. Ông có đồng tình với nhận định này?

GS.TS Andreas Stoffers: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định rằng, số liệu trong quý I/2024 cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam đã khả quan hơn những dự đoán được đưa ra trước đó.

Theo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Phòng Thương mại châu Âu quý I/2024, Việt Nam đã đạt 52,8 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2022. Đây là tín hiệu rõ ràng về niềm tin ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Khoảng 71% doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ cảm thấy lạc quan về sự phát triển dài hạn của Việt Nam trong 5 năm tới. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc, bất chấp những biến động kinh tế, xung đột phức tạp đang xảy ra mỗi ngày trên thế giới.

Trong bối cảnh này, những dấu hiệu rất tích cực của kinh tế Việt Nam trong quý đầu tiên năm 2024 được phản ánh qua các con số đáng khích lệ, cả ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam gồm đầu tư, thương mại và tiêu dùng đều có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Đây chính là cơ sở cho sự lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu.

Với tư cách là một chuyên gia kinh tế từng làm trong ngành ngân hàng và là người quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam trong vài thập kỷ qua, chắc chắn là tôi đồng tình với nhận định trên. Điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh biến động địa chính trị và khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay, được phản ánh qua tình trạng nợ nần chồng chất của các quốc gia công nghiệp phương Tây và lạm phát tiếp tục đe dọa các nền kinh tế.

PV: Quan sát tình hình kinh tế Việt Nam, ông nhận định thế nào về công tác điều hành chính sách tài khóa trong quý I vừa qua?

Tình hình tài chính vững chắc, lành mạnh

Khoản nợ công chỉ chiếm 38% GDP có thể coi là đảm bảo tình hình tài chính vững chắc của Việt Nam, thậm chí tích cực hơn nhiều so với một số quốc gia công nghiệp phương Tây. Một điều thú vị là Việt Nam sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí Maastricht của Liên minh châu Âu với ngân sách quốc gia cân bằng và về mặt lý thuyết có thể trở thành thành viên của EU.

GS.TS Andreas Stoffers: Trong quý này và từ cả các quý trước, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện khuôn khổ thể chế, pháp lý và tháo gỡ các nút thắt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thu ngân sách nhà nước tăng 9,8% trong quý I/2024 so với năm trước, tương ứng với số tiền 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,7% ngân sách hàng năm. Điều này có nghĩa là Chính phủ có đủ nguồn lực tài chính để can thiệp mà không cần phải dùng đến chính sách nợ. Con số trên thậm chí còn cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng nếu so với mức chi ngân sách 393,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản nợ công chỉ chiếm 38% GDP có thể coi là đảm bảo tình hình tài chính vững chắc của Việt Nam, thậm chí tích cực hơn nhiều so với một số quốc gia công nghiệp phương Tây. Một điều thú vị là Việt Nam sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí Maastricht của Liên minh châu Âu với ngân sách quốc gia cân bằng và về mặt lý thuyết có thể trở thành thành viên của EU. Đây chỉ là một giả định vui nho nhỏ, tuy vậy nó chứng tỏ sự lành mạnh của tình hình tài chính Việt Nam. Sự lành mạnh của tình hình tài chính Việt Nam đã hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong quý I.

PV: Trong các quý tiếp theo của năm, Việt Nam cần làm gì để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2024 mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra, thưa ông?

GS.TS Andreas Stoffers: Theo tôi, rất có thể xu hướng tích cực trong quý I/2024 sẽ kéo dài đến hết năm. Để được như vậy, có một số điều quan trọng cần được duy trì hoặc thực hiện ngay.

Trước hết, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa đáng kể các thủ tục hành chính. Thêm vào đó, cần phải nỗ lực nâng cao hệ thống giáo dục để cung cấp đủ nguồn nhân lực được đào tạo thực tế cho nền kinh tế đang lớn mạnh. Việt Nam phải có khả năng đương đầu với những thách thức của nền kinh tế số.

Về chính sách tiền tệ và tài khóa, tôi đề xuất chính sách kinh tế thị trường cân bằng hơn nữa. Chính phủ Việt Nam có thể và phải đặt ra các ưu tiên ở đây, chẳng hạn như lĩnh vực số hóa, nhưng đồng thời cũng theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, không có nợ lớn và không có chính sách lãi suất 0%.

Riêng với chính sách tài khóa, theo tôi, tiếp tục duy trì chính sách cân đối ngân sách. Đầu tư của Chính phủ chủ yếu nên được hướng vào việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho cách mạng công nghiệp 4.0 và cải thiện điều kiện đầu tư như hiện nay Việt Nam đang thực hiện.

Chính sách tài khóa của Chính phủ chỉ nên dừng ở mức là “lá chắn” bảo vệ nền kinh tế và đầu tư vào những lĩnh vực mà nền kinh tế còn thiếu do tính chất ngắn hạn. Đồng thời cũng nên mở rộng và khuyến khích kinh tế tư nhân cả từ trong và ngoài nước.

Một số dự án mang tính bước ngoặt có triển vọng tốt cần nhận được sự hỗ trợ đặc biệt, bao gồm việc mở rộng cơ sở hạ tầng số, phát triển các dịch vụ trên nền tảng số, mở rộng phạm vi hoạt động của tiền điện tử do Ngân hàng Nhà nước phát hành (CBDC) và khởi động dự án trung tâm tài chính tầm cỡ tại TP. Hồ Chí Minh.

Cần đặc biệt chú trọng quản lý rủi ro hơn, không chỉ tăng cường tính minh bạch trên thị trường trái phiếu và chứng khoán mà còn bao gồm cả lĩnh vực an ninh số. Với an ninh số, điều quan trọng là giảm thiểu thiệt hại và tăng cường khả năng phục hồi của Việt Nam trong thời kỳ số hóa. Nhà nước có thể đóng vai trò điều phối chủ chốt ở đây.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục đa dạng hóa các đối tác thương mại và đầu tư để duy trì khả năng phục hồi kinh tế

Theo GS.TS Andreas Stoffers, trước tình hình căng thẳng toàn cầu hiện nay, điều quan trọng là Việt Nam tiếp tục tập trung vào việc đa dạng hóa các đối tác thương mại và đầu tư để duy trì khả năng phục hồi kinh tế của mình.

Trong đó, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những nước là đối tác thương mại lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, các nước thành viên của CPTPP, các nước láng giềng trong ASEAN, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc...

“Tôi cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến kinh tế số trong năm nay…, thúc đẩy số hóa trong mọi lĩnh vực kinh tế, hành chính và đời sống cũng như phát triển nền kinh tế tuần hoàn bền vững”- GS.TS Andreas Stoffers nêu quan điểm.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nen-tang-tai-chinh-vung-chac-ho-tro-hieu-qua-cho-tang-truong-kinh-te-149613.html