Nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, công tác thám sát, thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học trong khu vực Cố đô Hoa Lư đã được tiến hành nhiều lần. Khẳng định, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoa Lư còn vết tích lịch sử của nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, các dấu tích Kinh đô đó giờ đây hầu như biến mất khỏi mặt đất. Những phát lộ của khảo cổ học tuy đã phần nào làm sáng tỏ quá khứ nhưng vẫn còn quá ít để hình dung diện mạo của Cố đô xưa. Theo đó, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản cần xác định như một chiến lược, hướng sự ứng xử phù hợp cho khu di tích từ những đặc điểm và giá trị của nó. Trong đó, trước hết là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần bảo vệ di sản nghiêm ngặt, không để nơi đây bị xâm hại, vi phạm.

Bóng dáng Kinh đô Hoa Lư xưa.

Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, đến Cố đô Hoa Lư ngày nay chỉ còn thấy những đoạn thành đá thiên nhiên hùng vĩ và các đền thờ tưởng nhớ hai triều đại oanh liệt được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII trở lại đây. Công việc nghiên cứu, giáo dục và phát huy tiềm năng văn hóa, du lịch của Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư thế kỷ X đã được nghiên cứu từ thế kỷ trước và đang tiếp tục. Qua các đợt nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích tường thành, nền móng kiến trúc cùng số lượng di vật phong phú phản ánh các giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Kinh đô Hoa Lư xưa. Công việc nghiên cứu còn đang tiếp tục, nhưng bước đầu đã có thể thấy một số giá trị to lớn của Hoa Lư qua các di tích khảo cổ học.

Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cho biết: Xác định di sản văn hóa là thế mạnh của tỉnh, những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư được triển khai cẩn trọng, từng bước. Tỉnh Ninh Bình, ngành Văn hóa đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan đánh giá vai trò, vị trí, đặc điểm, quy mô của Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử; đánh giá quá trình quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô Hoa Lư trong từng giai đoạn phù hợp...

Tuy nhiên, với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư thời gian qua vẫn chưa xứng tầm với những giá trị vốn có. So với yêu cầu, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vẫn còn những hạn chế. Như công tác tuyên truyền chưa đồng bộ; hoạt động giới thiệu, tôn vinh giá trị di sản chưa lan tỏa; nhận thức của Nhân dân và du khách về giá trị của di sản còn mức độ; công tác giáo dục lịch sử, truyền thống thông qua di tích còn đơn điệu, chưa thu hút thế hệ trẻ…

Ngày 7/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 56/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch sẽ bao gồm không gian hình thành, phát triển Cố đô lịch sử; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư. Cụ thể là khu vực Kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa thuộc địa bàn các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình. Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư và phụ cận.

Quang cảnh Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ không gian Cố đô Hoa Lư được xác định bởi các vòng thành và các di tích khảo cổ học dưới lòng đất, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư. Mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc quy hoạch nhằm hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các Kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.

Nghi thức tế lễ tại lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Thực hiện Quyết định số 56 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển thành công công nghiệp văn hóa nhờ vào những lợi thế về địa lý và khí hậu đa dạng, cũng như bản sắc văn hóa đặc sắc. Mỗi địa phương tại Ninh Bình cần có nét văn hóa riêng biệt: Từ đô thị phim ảnh, đến các làng nghệ thuật, làng hoa, đô thị công nghệ cao, điểm du lịch biển... tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn, trở thành một khu vực đáng tận hưởng.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Trong đó, việc phân vùng chức năng và phát triển không gian được thực hiện dựa trên các ý tưởng quy hoạch như: Hồi sinh Cố đô Hoa Lư với diện mạo văn hóa, văn minh và văn hiến; Chiến lược phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ; Mô hình chiến lược bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư; Cấu trúc Đô thị di sản trung tâm; Đô thị di sản mới và thành phố của tương lai; Quy hoạch Đô thị du lịch và hệ thống các công viên…

Một số hoạt động tại lễ hội Hoa Lư năm 2023.

Có thể nói, việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư có tầm quan trọng đặc biệt trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và định hướng xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới là trung tâm tổ chức sự kiện của tỉnh và quốc gia. Tỉnh Ninh Bình có quan điểm thống nhất trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, là cơ sở để tỉnh hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, tới năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2035, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-nang-tam-di-tich-quoc-gia-dac-biet-co-do-hoa-lu/d20240206213024731.htm