Nắng nóng cần cẩn trọng với 5 loại bệnh nguy hiểm

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cơ thể dễ bị mất nước, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, hoa mắt, chóng mặt. Không những thế, nắng nóng còn là điều kiện để vi rút, vi khuẩn hoạt động cực mạnh, đe dọa rất lớn đến sức khỏe.

5 LOẠI BỆNH TĂNG CAO

Một số bệnh lý thường gặp khi thời tiết nắng nóng như: Hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, sỏi thận. Theo bác sĩ, khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể buộc phải thích nghi theo, chế độ ăn uống cũng thay đổi nên dễ mắc bệnh hơn. Nhiệt độ cũng làm cho thức ăn dễ bị hư hỏng nên với những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh thì khi ăn vào sẽ gây tăng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Thông tin từ Bác sĩ Chuyên khoa 2 Mai Huy Trúc, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, trong tháng 4-2024, bệnh viện tiếp nhận trên 60 ngàn lượt bệnh nhân đến khám bệnh và gần 6.700 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân điều trị nội trú có 559 bệnh nhân bị viêm phổi, chiếm tỷ lệ cao nhất trong 10 bệnh lý nhập viện nhiều trong tháng.

Tiêm vắc xin ngừa cúm và phế cầu đầy đủ để phòng ngừa bệnh đường hô hấp đối với trẻ nhỏ.

Về nguyên nhân bệnh viêm phổi tăng được Bác sĩ Cao Hồng Như, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang giải thích: Thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt là những người đang mắc các bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu. Nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp gia tăng những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng cũng như vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, là cơ hội để bệnh đường hô hấp và một số bệnh khác bùng phát.

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp cũng rất dễ xảy ra khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 - 38 độ C. Ở điều kiện này, nấm mốc, vi khuẩn phát triển, khiến thức ăn mau hư hỏng và dễ bị hôi thiu hơn bình thường, nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Ngoài ra, khi nắng nóng, nhiều người sẽ tìm cách uống mọi loại nước nhằm thỏa cơn khát, do đó dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.

Bệnh lý về tim mạch cũng đáng quan tâm. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch dễ trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não. Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) làm các mạch máu co lại đột ngột, sẽ dẫn đến thiếu máu não, hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim.

Trời quá nóng còn khiến đổ mồ hôi gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại làm tăng gánh nặng cho tim và làm cho dòng máu lưu thông không lưu loát. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị ứ trệ và tắc nghẽn dòng máu gây nhiều biến chứng.

Sỏi thận cũng là bệnh tiết niệu thường gặp trong thời tiết nắng nóng do các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể dễ mất nước, làm tăng nồng độ khoáng chất trong nước tiểu, giúp sỏi có cơ hội hình thành cao hơn.

PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG NÓNG

Bác sĩ Cao Hồng Như, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho rằng, cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước nhưng nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều trong một lần. Đem theo khăn mát để lau cơ thể phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài. Song song đó, nên ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản; ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Đối với trẻ em, phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chơi đùa; ăn uống hợp vệ sinh; tạo môi trường sống trong lành và an toàn nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.

Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp. Đối với mọi người, khi sử dụng máy lạnh, các gia đình nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27 - 28 độ C. Tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh mà phải có từng bước từ từ, như từ ngoài nắng nóng bước vào nhà, thì rửa mặt bằng nước, hoặc lau bằng khăn ướt, rồi hãy từ từ bước vào phòng máy lạnh. Ngược lại, không nên đột ngột ra ngoài trời nắng khi đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp. Trước khi ra ngoài trời, cần để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy.

Để phòng ngừa bệnh đường hô hấp, đối với trẻ nhỏ cần được tiêm vắc xin ngừa cúm và phế cầu đầy đủ. Người lớn nên tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mỗi năm 1 lần.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202405/nang-nong-can-can-trong-voi-5-loai-benh-nguy-hiem-1009281/