Nâng cao giá trị nghệ thuật công cộng trong bối cảnh đô thị hoáTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)

Những câu hỏi về nghệ thuật công cộng gần đây được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra với một tốc độ nhanh chóng. Dự án nghệ thuật Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) góp phần làm đẹp cảnh quan cho không gian cộng đồng. Ảnh: NGUYỄN NGOAN.

Sự phát triển quá nóng trong các đô thị đặt ra một nhu cầu thực tế về việc cần xuất hiện thêm nhiều công trình và dự án nghệ thuật công cộng nhằm cân bằng hài hòa giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, giữa giá trị tinh thần và giá trị vật chất.

Nghệ thuật công cộng hướng tới phục vụ dân sinh

Để trả lời câu hỏi thế nào là nghệ thuật công cộng, có lẽ chúng ta cần nhìn lại về lịch sử xuất hiện nghệ thuật công cộng trong xã hội cũng như những thay đổi trong quan niệm và cách nhìn nhận về nó trong mỗi thời kỳ khác nhau. Nếu xét về lịch sử xuất hiện thì từ xa xưa, từ thời tiền sử đến cận đại, những hình thức nghệ thuật công cộng đã có từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người như một biểu tượng tín ngưỡng và quyền lực. Ví dụ như khu vườn điêu khắc của giống người nguyên thủy Neanderthal tại hang Bruniquel (Pháp) 175.000 năm trước Công nguyên, hay những pho tượng Phật khổng lồ được tạc trên vách đá ở Bamyam (Afghanistan), cho đến những bức tượng được dựng khắp các quảng trường thành phố suốt thời Trung cổ, Phục hưng… Tuy nhiên, ở góc độ bài viết này, tôi xin được gói gọn phạm vi đề cập tới nghệ thuật công cộng trong giai đoạn hiện đại từ những năm 30 của thế kỷ 20 trở lại đây với các cách tiếp cận mới trong giai đoạn đương đại.

Nghệ thuật công cộng là hình thức nghệ thuật xuất hiện tại những địa điểm công cộng. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng được thiết kế để tương tác và trưng bày bên ngoài những thiết chế bảo tàng hay gallery nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật công cộng có thể làm từ bất cứ vật liệu gì. Tác phẩm nghệ thuật công cộng khi đặt trong những không gian công cộng phần lớn là ngoài trời, hoặc những không gian lớn bên trong nhà như sân bay, trung tâm thương mại… đều có đặc điểm là hướng tới khả năng tiếp cận của bất kỳ cá nhân nào trong cộng đồng, hay trong nhiều trường hợp có thể là tiếp cận bất kỳ thời gian nào và quan trọng nhất là tiếp cận miễn phí.

Nghệ thuật công cộng trong quá trình phát triển có lẽ muốn hướng tới việc mở rộng đối tượng công chúng không phân biệt giàu nghèo, địa vị… Trước đó, với cả một lịch sử dài nghệ thuật được coi là thú chơi xa xỉ, hay là những sản phẩm đặc quyền dành cho nhóm người có điều kiện vật chất và địa vị trong xã hội. Đối tượng công chúng trong nghệ thuật công cộng đã được mở rộng hơn rất nhiều lần so với giai đoạn công chúng trong phạm vi bảo tàng nghệ thuật như trước kia. Những yếu tố đặc điểm mới như tác phẩm chú trọng việc tương tác với nơi chốn, với không gian cảnh quan, với yếu tố chiều kích lịch sử-văn hóa và đặc biệt yếu tố tương tác với công chúng đã trở thành những phẩm chất mới của nghệ thuật công cộng. Chính vì tính chất phức tạp của các tác phẩm và dự án nghệ thuật công cộng nên yếu tố hợp tác kết hợp giữa nhiều bên cũng trở thành một vấn đề cần đặt ra từ đầu.

Cần nhiều yếu tố mới có thể thành công

Các tác phẩm hay dự án nghệ thuật công cộng muốn thành công và có hiệu quả không đơn giản chỉ là hoạt động sáng tạo cá nhân mà cần phải có sự tổng hòa phối hợp tốt của nhiều yếu tố từ tầm nhìn chiến lược của ngành văn hóa, chính quyền địa phương (đặc biệt là vai trò người lãnh đạo), sự ủng hộ của các đơn vị tài trợ, sự thấu hiểu và đồng hành của cộng đồng địa phương và đặc biệt cần có sự đầu tư chất xám ý tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ, giám tuyển phối hợp cùng các kiến trúc sư cảnh quan tham gia.

Những yếu tố cơ bản trên có thể là những điều kiện cần thiết tối thiểu để bảo đảm sự thành công cho các tác phẩm hay dự án nghệ thuật công cộng. Ngoài ra, ở mỗi dự án có thể còn xuất hiện thêm nhiều yếu tố đặc thù riêng biệt khác nhau. Tuy nhiên, mức độ thành công của các tác phẩm và dự án nghệ thuật công cộng sẽ thông qua khả năng khơi gợi nhiều lớp ý nghĩa mà tác phẩm mang tới cho công chúng, cũng như qua cách tác phẩm hay dự án đó tương tác đối thoại với không gian.

Nghệ thuật công cộng dần trở thành một trong những thước đo cho những đô thị văn minh, cho những cộng đồng hướng tới sự kết nối và chia sẻ, thậm chí dần trở thành một khuôn mẫu cho sự phát triển của mô hình bảo tàng truyền thống. Nghệ thuật công cộng có khả năng tự tạo ra công chúng của mình và kết nối họ lại với nhau, tạo nên những gắn kết xã hội về mặt văn hóa, khơi gợi niềm tự hào cho cộng đồng, nâng cao tầm nhận thức văn hóa chung. Nhiều chính quyền thành phố đã có những chiến lược phát triển các dự án nghệ thuật công cộng như một sách lược quan trọng trong các mục tiêu như: Thu hút du lịch tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tái sinh không gian đã mất, phá bỏ những rào cản, hàn gắn những “vết thương” trong cộng đồng (chẳng hạn tưởng niệm người dân qua đời do khủng bố, thiên tai, dịch bệnh…) hay bảo lưu văn hóa cho cộng đồng…

Nếu đề cập nghệ thuật công cộng như là một loại hình nghệ thuật đường phố trong đời sống xã hội đương đại thì có thể nói, hình thức nghệ thuật này cũng chỉ mới du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Nghệ thuật công cộng ở Việt Nam cũng mới chỉ bắt đầu ở những bước đi ban đầu trong nhận thức của cả phía cộng đồng người dân cũng như phía quản lý nhà nước: Từ sự ngẫu hứng của các nhóm vẽ đường phố cho đến sự xuất hiện của dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng, hay gần đây là những dự án nghệ thuật công cộng có quy mô và được tổ chức thực hiện bài bản hơn như dự án làng bích họa Tam Thanh ở Quảng Nam, dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng và dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân ở khu vực quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Ngoài ra, phần lớn sự xuất hiện của những “phong trào trang trí” cảnh quan ở khắp nơi từ nông thôn tới thành thị ở Việt Nam chưa cho thấy sự nhận thức đầy đủ về vai trò của nghệ thuật công cộng như là những thiết chế văn hóa mang tính nâng cao thẩm mỹ hay văn hóa cho cộng đồng người dân. Sự xuất hiện tương đối dễ dãi những hình thức trang trí ở nhiều cấp độ này nhiều khi mang lại những hiệu ứng ngược trong đời sống xã hội.

Xu hướng phát triển của hình thức nghệ thuật này trong đời sống xã hội cho thấy tương lai của nghệ thuật công cộng ở Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khi những chuyển dịch về tầm nhìn từ phía chính quyền các cấp cho đến phía các doanh nghiệp, tập đoàn tài trợ đã dần có hướng chủ động hơn trong việc tiếp cận xây dựng các dự án nghệ thuật công cộng với tính chất bài bản hơn. Thời gian gần đây, cùng với chủ trương thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa sáng tạo từ phía chính quyền, những dự án nghệ thuật công cộng cũng bắt đầu được đề xuất như một trong những chất xúc tác thúc đẩy động lực cho các ngành sáng tạo khác như mỹ thuật, thiết kế, thủ công, trình diễn nghệ thuật, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện…

Cùng với đó, liên tục xuất hiện các hoạt động thúc đẩy không gian sáng tạo được hình thành mới của các tổ chức nhà nước và khối tư nhân cũng chính là những tiền đề quan trọng. Rõ ràng, để nghệ thuật công cộng dần trở nên phát triển có chất lượng và đi được vào đời sống thì rất cần sự trưởng thành trong nhận thức từ nhiều phía, mà đầu tiên là nhận thức từ phía chính quyền. Có lẽ những bài học thành công khi áp dụng mô hình tăng trưởng và phát triển đô thị ở nhiều chính quyền thành phố khác trên thế giới cũng đã mang tới những nhận thức mới cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đẩy mạnh, coi trọng nguồn lực sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa nói chung, nghệ thuật công cộng nói riêng.

Những dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng khi được đặt đúng chỗ sẽ giải quyết được nhiều bài toán về đánh thức tiềm năng giá trị nơi chốn, điểm đến cho du khách, nâng cao được khả năng gắn kết cộng đồng, mang lại lợi ích giá trị tinh thần cũng như khơi gợi lòng tự hào, bảo vệ giá trị chung cho cộng đồng người dân địa phương. Những không gian di sản, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị khi kết hợp tốt với các tác phẩm nghệ thuật sẽ kích hoạt được những cảm thức của chính người dân cũng như du khách tham quan. Nghệ thuật lúc này như một chất xúc tác kết nối tình cảm, tinh thần cộng đồng cũng như nâng cao khả năng thúc đẩy kinh tế cho địa phương. Nhìn toàn cảnh, nếu một thành phố hay một khu vực có nhiều tác phẩm và dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng cũng sẽ trở thành một lợi thế thu hút phát triển tốt.

Hy vọng trong thời gian sắp tới, nhiều dự án nghệ thuật công cộng đang trong quá trình triển khai và xây dựng trên nhiều đô thị sẽ được ra mắt, thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội, mang lại những chuyển biến mới mẻ hơn nữa trong nhận thức của cả người dân và chính quyền.

Theo Quandoinhandan

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/511903-nang-cao-gia-tri-nghe-thuat-cong-cong-trong-boi-canh-do-thi-hoa.html