Năm 2024 Tết thanh minh rơi vào ngày nào và Tết Thanh minh, tiết Thanh minh, tết Hàn thực khác nhau thế nào?

Tết Thanh minh hay tiết Thanh minh khác nhau thế nào, năm 2024 Tết thanh minh rơi vào ngày nào? Rất nhiều người thắc mắc về những điều này.

Tết Thanh minh 2024 vào ngày nào?

Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh 2024 - được coi là Tết Thanh minh sẽ rơi vào thứ Năm, ngày 4/4/2024 dương lịch (tức 26 tháng 2 năm Giáp Thìn).

Tết Thanh minh không phải là ngày lễ được nghỉ với người lao động, nên ngày này người lao động vẫn phải đi làm (nếu có lịch làm việc).

Tết Thanh minh thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là dấu ấn đậm phong tục truyền thống thiêng liêng sâu thẳm trong lòng người Việt. Ảnh internet.

Tết Thanh minh thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, mang đậm dấu ấn phong tục truyền thống thiêng liêng sâu thẳm trong lòng người Việt, nên những người con xa quê ngày này đều thu xếp công việc về tảo mộ tổ tiên.

Nhưng vì Tết Thanh minh không rơi vào thứ bảy, chủ nhật – nên người lao động cần chủ động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được về quê dịp Tết Thanh minh.

Tết Thanh minh khác tiết Thanh minh thế nào?

Giải thích về Tết Thanh minh và tiết Thanh minh, Chuyên gia phong thủy Hà Thanh cho hay:

Tết Thanh Minh không phải là ngày lễ tết lớn trong năm, nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tết Thanh Minh cũng không có ngày cố định thời gian, mà là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, nó có thể rơi vào mùng 4 hoặc mùng 5/4 dương lịch (sau khi kết thúc tiết Xuân phân).

Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí (theo quan niệm của các nước phương Đông). Tiết Thanh minh trời mát mẻ quang đãng, là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí (bắt đầu sau ngày Lập Xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày). Tiết thanh minh kéo dài khoảng 15 - 16 ngày.

Tiết Thanh minh kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu tiết Cốc Vũ).

Một số người còn nhầm lẫn giữa tạ mộ và Tết Thanh minh, nhân bài viết này xin giải thích như sau:

- Tết Thanh minh thường diễn ra đầu năm, với ý nghĩa quan trọng là con cháu tới thắp hương, tri ân, tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Việc chính của tảo mộ là nhổ cỏ, phát quang cây cối, bồi đắp mộ phần (nếu có sụt lún nứt...), quét dọn quang sạch rồi cắm hoa, thắp hương mộ phần.

Các gia đình nên cho con, cháu nhỏ đi tảo mộ chung. Việc này không chỉ mang mục đích giúp trẻ nắm được vị trí ngôi mộ của gia tiên mà còn học cách viếng mộ, kính trọng tổ tiên.

- Lễ tạ mộ thường vào cuối năm, cũng là dịp con cháu ra mộ phần tổ tiên bồi đắp, sửa chữa mộ phần, mời người thân đã khuất về ăn Tết. Cũng là dịp để con cháu tạ ơn thần linh nơi có mộ phần suốt năm qua đã che chở cho người thân đã mất của mình nương dựa. Những người đi làm ăn xa cũng cố gắng về quê để kịp cùng người thân đi tạ mộ.

Tết Thanh minh con cháu tập trung đi tảo mộ, rồi về nhà bày mâm cúng tổ tiên. Ảnh internet.

Người Việt thường làm gì trong Tết Thanh minh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã chia sẻ trên thông tin đại chúng rằng, theo tích cổ Trung Quốc thì những ngày đầu năm còn có Hội Đạp Thanh (hội giẫm cỏ). Dịp này nam thanh nữ tú diện quần áo đẹp để đi chơi xuân. Việt Nam không lưu truyền lễ hội này, nhưng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết:

"Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân,

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm"

Theo lệ thường, dịp này con cháu cùng nhau tập trung đi thăm mộ tổ tiên, dọn dẹp làm đẹp mộ phần. Rồi về nhà bày mâm cúng tổ tiên, cầu mong cho con cháu được phù hộ luôn khỏe mạnh bình an.

Tết Thanh Minh và những ngày đẹp trong tiết Thanh minh ở các nghĩa trang thường tấp nập hơn các dịp khác trong năm. Người dân đi tảo mộ gia tiên, rồi trở về làm lễ cúng gia tiên tại nhà. Các thành viên tíu tít chuẩn bị dâng mâm cỗ cúng lên ban thờ gia tiên, rồi sum vầy ăn uống, trò chuyện, gắn kết tình nghĩa huyết thống trong gia đình.

Đó là nét văn hóa đẹp lưu truyền cho con cháu tưởng nhớ, hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên đã khuất. Đồng thời bày tỏ lòng biết trân trọng, hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, ông bà khi còn sống - chứ không phải khi mất mới bày tỏ lòng yêu thương, trân kính.

Vì thế dù có đi làm ăn xa thì tới Tết Thanh minh, hoặc trong tiết Thanh minh con cháu thường sắp xếp công việc tụ về để cùng nhau đi tảo mộ, chuẩn bị lễ vật và thắp hương xin phép tiến hành dọn dẹp mộ phần, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an, dòng tộc phát triển vững bền, an khang.

Tết Thanh Minh và những ngày đẹp trong tiết Thanh minh ở các nghĩa trang thường tấp nập hơn các dịp khác trong năm. Ảnh internet

Những người xa quê không kịp về Tết Thanh minh thì có thể về tảo mộ, sửa sang nơi yên nghỉ của tổ tiên vào bất kỳ thời điểm nào trong tiết Thanh minh. Những ngôi mộ sạch sẽ, khang trang là cách bày tỏ lòng thành kính của con cháu với tổ tiên.

Bên cạnh đó, mọi người còn quét dọn, thắp hương cho những ngôi mộ xung quanh, những ngôi không có người thân tới chăm nom - cũng là nét đẹp thể hiện sự nhân văn, đạo lý tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau của người Việt.

Nếu con cháu ở quá xa không thể về thì tự lập mâm cúng và thắp hương từ xa gọi là cúng vọng tâm hướng về tổ tiên.

Tết Thanh minh không phải Tết Hàn Thực

Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực gần nhau, có những năm bị trùng ngày, nhưng hai tết này nguồn gốc hoàn toàn khác nhau.

- Tết Thanh Minh là ngày đầu trong tiết thanh minh, là 1 trong 24 tiết khí mỗi năm, kéo dài khoảng 15 - 16 ngày (thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5/4 kéo dài đến 20 - 21/4 hàng năm).

- Tết Hàn Thực xuất phát từ một điển tích cổ ở Trung Quốc với ý nghĩa tưởng nhớ của vua Tấn Văn Công đến Giới Tử Thôi. Tết Hàn Thực kéo dài từ 3/3 - 5/3 Âm lịch hàng năm.

TS Vũ Thế Khanh

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-2024-tet-thanh-minh-roi-vao-ngay-nao-va-tet-thanh-minh-tiet-thanh-minh-tet-han-thuc-khac-nhau-the-nao-172240314201129391.htm