Mỹ đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn

Nghiên cứu của McKinsey & Co cho thấy hơn một nửa số nhân viên Mỹ làm việc trong ngành bán dẫn đang suy nghĩ có nên tiếp tục công việc của mình trong tương lai hay không.

Nước Mỹ cũng đang thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn khi nhiều công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip để được hưởng chính sách ưu đãi từ Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ (Ảnh: SIA)

Theo báo cáo, hơn một nửa số nhân viên bán dẫn và điện tử cho biết vào năm 2023 rằng họ có khả năng sẽ rời bỏ công việc hiện tại trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Con số này tăng từ khoảng 2/5 số công nhân vào năm 2021. Lý do thường được trích dẫn nhất là thiếu điều kiện phát triển nghề nghiệp, tiếp theo là thiếu linh hoạt ở nơi làm việc.

Wade Toller, cố vấn cấp cao của McKinsey, người đã làm việc hai thập kỷ tại Intel, cho biết: “Nước Mỹ đang bước vào thời kỳ khát nhân lực công nghiệp bán dẫn. Khoảng 1/3 số nhân viên trong ngành bán dẫn đã trên 55 tuổi. Có những dấu hiệu cho thấy một bộ phận nhân viên đang trở nên ít hài lòng hơn”.

Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với các nhà sản xuất chip như Intel, và nhất là TSMC khi đang xây dựng nhà máy bán dẫn mới ở Mỹ. Việc mở rộng sản xuất đòi hỏi TSMC phải tìm đủ công nhân cho nhà máy của mình.

Các công ty, trường đại học và chính quyền địa phương đã xây dựng các chương trình đào tạo mới để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Nhưng theo McKinsey, ngay cả những dự đoán lạc quan về số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đó cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt đáng kể. Một số dự đoán cho thấy có thể có gần 70.000 vị trí chưa được lấp đầy vào cuối thập kỷ này.

Sự thiếu hụt nhân lực trải dài trên ba nhóm lao động: công nhân xây dựng, kỹ sư thiết kế và lắp đặt thiết bị trong giai đoạn xây dựng nhà máy, và cả kỹ thuật viên cũng như kỹ sư làm việc tại nhà máy sau khi được xây dựng.

Báo cáo của McKinsey ước tính rằng các chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn có thể cung cấp khoảng 12.000 kỹ sư và 31.500 kỹ thuật viên vào năm 2029. Nhưng chỉ một cơ sở sản xuất chip tiên tiến nhất cũng cần tới 1.350 kỹ sư và 1.200 kỹ thuật viên để vận hành.

Ông Toller cho biết những chương trình đó là một khởi đầu đầy hứa hẹn. Nhưng rất ít người tập trung vào các kỹ năng dành riêng cho chip, điều này có thể gây ra điểm nghẽn đầu tiên. Hiện tại, việc thiếu lao động xây dựng có tay nghề cao đã khiến TSMC phải trì hoãn thời hạn đưa cơ sở sản xuất ở Arizona vào hoạt động.

Và sự bùng nổ xây dựng nhà máy trên khắp Mỹ - không chỉ bao gồm nhà máy bán dẫn mà cả năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng - có nghĩa là nhiều dự án đang cạnh tranh để giành lấy cùng một nguồn nhân lực hạn chế.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-dung-truoc-nguy-co-thieu-hut-nhan-luc-nganh-ban-dan-post174902.html