MWG lãi ròng hơn 900 tỷ đồng, tiền mặt lên cao kỷ lục

Đúng như chia sẻ của Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài trước đó, doanh nghiệp bán lẻ đã có pha trở mình mạnh mẽ sau năm 2023 chạm đáy lợi nhuận.

Ngành hàng điện máy của MWG tăng trưởng trở lại giúp công ty hồi phục lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) ghi nhận doanh thu thuần 31.486 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 21,3%, so với mức 19,2% của cùng kỳ và 19,7% của quý 4/2023. Trừ đi các chi phí, MWG báo lãi ròng hơn 902 tỷ đồng, gấp 42 lần quý 1/2023 và gấp 5 lần lợi nhuận của cả năm 2023.

Theo MWG, tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao như điện thoại và điện máy vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên sự gia tăng đóng góp từ sản phẩm điện máy cùng việc mở rộng thị phần trong năm 2023 là nền tảng giúp hai chuỗi Điện máy Xanh, Thế giới di động ghi nhận doanh thu tăng và lợi nhuận gộp cải thiện, mặc dù vận hành ít hơn so với cùng kỳ.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, doanh thu tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ nỗ lực tăng doanh thu cửa hàng cũ. Bên cạnh đặc tính sản phẩm kinh doanh thuộc nhu cầu thiết yếu, chuỗi Bách hóa Xanh và An Khang cũng được hưởng lợi một phần từ xu hướng dịch chuyển mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.

Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế đột biến so với cùng kỳ cũng là thành quả của việc MWG tái cấu trúc toàn diện kể từ quý 4/2023 đến nay.

Kết quả kinh doanh tích cực của Thế giới Di động còn có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động tài chính. Trong kỳ, doanh nghiệp mang về 585 tỷ đồng từ mảng này, với chủ yếu là lãi tiền gửi (494 tỷ đồng). Công ty còn đầu tư trái phiếu trở lại, thu về khoản tiền lãi hơn 32 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của MWG tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của việc MWG đẩy lượng tiền, tiền gửi ngân hàng lên mức cao kỷ lục tại ngày 31/3, đạt tổng giá trị 30.604 tỷ đồng, chiếm 48% tổng tài sản và tăng 24% so với đầu năm. Đây cũng là con số tiền, tiền gửi ngân hàng cao nhất trong lịch sử hoạt động của MWG.

Dù nắm giữ lượng lớn tiền nhưng MWG vẫn đi vay ngân hàng nhằm tối ưu nguồn thu tài chính khi áp dụng nghiệp vụ vay lãi suất thấp và gửi lãi suất cao. Tổng vay nợ cuối kỳ là 23.661 tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ dài hạn là 6.087 tỷ đồng, được vay bằng USD.

Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, MWG phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá 102 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái không phát sinh. Tổng chi phí lãi vay quý 1 vừa qua là 267 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn ghi nhận khoản lãi ròng từ hoạt động tài chính là 210 tỷ đồng.

Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 125.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và gấp hơn 14 lần thực hiện năm 2023. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 13/4 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài đánh giá năm nay là năm khá ổn với MWG. Bách hóa Xanh bước vào giai đoạn mới, sẽ “đem tiền về cho mẹ”.

Theo ông Tài, hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh từ chỗ để cho đối thủ lợi dụng chênh lệch giá lớn tranh giành khách hàng đã “đứng lên đập phá”, duy trì thị phần lớn. “Chính thị phần lớn đó là nền tảng để năm nay chỉ cần xoay chuyển nhẹ là lợi nhuận quay trở lại ngay. Trong quý 1 này, lợi nhuận chắc chắn gấp nhiều lần năm vừa qua,” ông Tài nói.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/mwg-lai-rong-hon-900-ty-dong-tien-mat-len-cao-ky-luc-post34206.html