'Muốn đánh khỏe phải ăn no'

'Bộ đội Bác Hồ về giải phóng Điện Biên, đồng bào thương lắm và hết lòng ủng hộ. 16 tiểu đoàn ở Điện Biên không có dân nuôi thì chết đói', ông Vàng A Thào, làm nhiệm vụ tiếp nhận dân quân và lương thực, thực phẩm trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kể.

Ông Vàng A Thào, dân tộc Mông, năm nay 93 tuổi, vẫn nhớ những ngày tiếp nhận lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo phương châm tác chiến ban đầu (đánh nhanh, thắng nhanh), dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ là 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô... Khi chuyển sang phương châm đánh chắc, tiến chắc, tổng số gạo cần cho chiến dịch tăng gần 2 lần. Chỉ tính riêng lương thực, tại Điện Biên Phủ phải có khoảng 50 tấn/ngày, chưa kể khoảng 90 tấn/ngày cho các lực lượng từ Sơn La trở vào.

Hội đồng cung cấp mặt trận đã tiến hành cuộc vận động Nhân dân chi viện cho tiền tuyến lớn chưa từng có, huy động sức người, sức của ở cả vùng địch tạm chiếm và vùng tự do Bắc Khu 4, Việt Bắc và Tây Bắc. Riêng đồng bào tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu) đã đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo (vượt mức 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt mức 43 tấn); 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công; 438 ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân. Đồng bào huyện Điện Biên khi bị địch dồn vào các nơi tập trung còn đuổi trâu, bò, lợn, gà của mình vào rừng và báo cho bộ đội ta, quyết không để rơi vào tay giặc.

Làm nhiệm vụ tiếp nhận dân quân và lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ khi đó, ông Vàng A Thào thuộc đơn vị C86, D7, hiện sống ở bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, vẫn nhớ ngay khi được kêu gọi, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu (cũ) đã hăng hái đóng góp nuôi quân. “Mường Tè giúp 5 con trâu, Sìn Hồ giúp 5 con bò, Tuần Giáo 3 con bò… Lợn gà, thóc gạo, trứng gà, trứng vịt, su hào, bắp cải, chuối tiêu… thì không nhớ được con số chính xác. Ai có gì giúp nấy. Bởi đồng bào hiểu rằng, muốn đánh khỏe thì phải ăn no”.

Chính nhờ sự giúp đỡ hết lòng của đồng bào các dân tộc tại chỗ đã góp phần bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. “Tháng 2.1954 đã chuẩn bị đâu vào đấy, cả lương thực, thực phẩm và quân, sẵn sàng đánh Điện Biên Phủ”, ông Vàng A Thào nói.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/muon-danh-khoe-phai-an-no-i370561/