'Mũi vaccine' giúp giới trẻ phòng ngừa rủi ro trên không gian số

Theo Bí thư đoàn VNPT Nguyễn Quang Long, trong các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh niên, cần đặc biệt chú ý tới việc nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn thông tin trên không gian mạng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Duarte Pacheco, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ IPU Dan Carden và đại biểu dự lễ khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-17/9, sáng 15/9, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 họp phiên khai mạc chính thức.

Tham dự Hội nghị lần này, các đại biểu trẻ mang tiếng nói của thanh niên tới các nhà hoạch định chính sách; đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho thanh niên nói riêng và người dân nói chung.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực Chuyển đổi Số - một trong những nội dung lớn sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần này.

Đánh giá cao chủ đề Hội nghị: "Vai trò của Giới Trẻ trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo," anh Nguyễn Quang Long, Bí thư đoàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chuyển đổi Số là nội dung mang tính quyết định đến hiệu quả khi triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực số cho thanh niên vì Chuyển đổi Số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động, và khi tư duy, nhận thức chưa đầy đủ sẽ dẫn đến những hành động sai lệch.

Theo anh Nguyễn Quang Long, trong các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh niên, cần đặc biệt chú ý tới việc nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn thông tin trên không gian mạng, vì những nguy cơ và thiệt hại đến từ nó là vô cùng lớn.

"Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin sẽ là 'mũi vaccine' phòng ngừa rủi ro trên không gian số cho các bạn đoàn viên, thanh niên," Bí thư Đoàn VNPT nhấn mạnh.

Cùng ý kiến với anh Nguyễn Quang Long, anh Dương Bảo Trung, Bí thư Đoàn Thanh niên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhấn mạnh Chuyển đổi Số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức.

Quá trình chuyển đổi có thể sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức, do đó Chuyển đổi Số phải bắt đầu thay đổi từ tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược tư duy truyền thống sang chiến lược tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả, từ đó lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cả doanh nghiệp.

Nhấn mạnh quá trình Chuyển đổi Số dựa trên các trụ cột chính là số hóa dữ liệu, công nghệ và chuyển đổi, áp dụng vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, được thực hiện trong thời đại bùng nổ của công nghệ trên nền tảng mạng internet, anh Trung nhận định quá trình này đòi hỏi trình độ cao cả về kỹ thuật và nhân lực, trong khi đó, Việt Nam vẫn cần thời gian để làm chủ các công nghệ lõi của Chuyển đổi Số, các hệ thống nền tảng cơ bản. Chuyển đổi Số tại Việt Nam hiện vẫn cơ bản ứng dụng các công nghệ sẵn có trên thế giới mà chưa thực sự kế thừa và làm chủ công nghệ.

Nêu quan điểm về những thách thức trong quá trình thực hiện Chuyển đổi Số mà các doanh nghiệp nước ta đang gặp phải, Bí thư Đoàn Thanh niên Vietcombank cho rằng vấn đề vốn đầu tư là một trở ngại đáng quan tâm bởi Chuyển đổi Số yêu cầu phải đầu tư mạnh mẽ về tài chính và nguồn nhân lực, đã tạo ra rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại biểu tham quan các gian trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

"Chính vì thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp cho rằng Chuyển đổi Số chỉ là 'cuộc chơi' của các doanh nghiệp lớn," anh Dương Bảo Trung nói.

Cho rằng các quốc gia cần có một chương trình đào tạo bài bản, thống nhất, liên tục từ các cấp bậc học về lớp học số, tiến sỹ Trương Thanh Tùng, Trưởng Nhóm Nghiên cứu Thuốc mới, Khoa Dược, Đại học Phenikaa đề xuất, tổ chức thanh niên như: Đoàn Thanh niên hoặc Hội Sinh viên đứng ra tiên phong và hỗ trợ cho các hoạt động này, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho thanh niên.

Bên cạnh đó, các nhà giáo cần được nâng cao năng lực Chuyển đổi Số, được đào tạo liên tục trên các nền tảng số trước khi hướng dẫn học sinh, sinh viên, đặc biệt là với các quốc gia kém và đang phát triển./.

Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) năm 2013.

Kể từ năm 2014, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu được IPU tổ chức thường niên, được coi là nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ.

Mục đích của Hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, là một sự kiện đối ngoại đa phương rất quan trọng và là dấu ấn nổi bật của năm 2023.

Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 14-18/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo” bao gồm 3 chuyên đề: Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo; Giá trị Văn hóa và Con người trong Phát triển Bền vững.

Vào ngày 13/4, Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 gồm 23 người, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng ban, đã được thành lập theo Nghị quyết số 766/NQ-UBTVQH15 ngày 12/4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/mui-vaccine-giup-gioi-tre-phong-ngua-rui-ro-tren-khong-gian-so/894476.vnp