Một thoáng văn học Thụy Điển: Sara Lipman, một tâm linh [Kỳ 1]

'Tôi được hân hạnh làm việc với bà trong một thời gian, tôi thấy tất cả: Sara Lidman là một tâm linh', chị Carina, cán bộ Viện Thụy Điển, tâm sự như vậy khi chúng tôi đi dạo trên đại lộ Hamngatan ở thủ đô của Thụy Điển.

Nhà văn Sara Lidman.

Nhà văn Sara Lidman.

Sara Lidman người mảnh dẻ, thường mặc một bộ đồ đen xuềnh xoàng làm nổi bật khuôn mặt da trắng xanh như của một bà xơ. Dưới bộ tóc đen lốm đốm bạc, cắt lởm chởm, cả con người, thể xác của chị bị thu hút vào đôi mắt tâm linh. Đôi mắt trong suốt, vừa trinh bạch, vừa sâu lắng thiết tha.

Ông chủ tịch Hội nhà văn Thụy Điển cho tôi biết ở nước ông, số tác giả sống được bằng nhuận bút sách không quá chục người, trong đó có Sara. Nói như vậy là đủ thấy Sara là một tác giả ăn khách. Sách của chị không những ăn khách mà còn có giá trị nghệ thuật cao, đi tiên phong trào lưu chính trị-xã hội trong văn học hiện đại Bắc Âu.

Thân phận nông dân quê nhà

Sara Lidman (1923-2004) tại Missentrask, Jörn, làng quê cách thủ đô Stockholm 1.002 km, tít trên miền Norrland hẻo lánh và lạnh lẽo, vùng cao nguyên sống bằng rừng và mỏ. Mặc dù tiếng tăm lừng lẫy, Sara vẫn thích sống ở đây, lâu lâu mới về thủ đô. Dân cư trong vùng thưa thớt, chị sống biệt lập đến mức trong mỗi phòng, chị để một chiếc đồng hồ. Chị tâm sự: “Tiếng tíc tắc gắn tôi với con người và cuộc sống. Không có nó, tôi bị cắt đứt với thực tế và dễ mất lý trí”.

Thuở nhỏ, chị đi học trường làng. Sau đó, chị học hàm thụ và đến năm 1949, đỗ cử nhân ở Đại học Uppsala. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên Lò nấu nhựa thông của chị xuất bản năm chị 30 tuổi. Lò nấu nhựa thông cùng mấy tác phẩm thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên (1953-1960) có tiếng vang trong văn học Thụy Điển, miêu tả đời sống của tập thể xóm làng, đi sâu vào tâm lý bằng ngòi bút vừa hiện thực vừa trữ tình. Trong những tác phẩm ấy, chị băn khoăn về đạo đức, quan niệm về tội lỗi và trách nhiệm, nỗi gian nan khi giúp người khác, cái Thiện và cái Ác, sự phản bội và đức hy sinh, bênh vực và cảm thông với những người bị hắt hủi.

Lò nấu nhựa thông miêu tả đời sống vất vả của nông dân một làng nhỏ ở gần biển, cắt khỏi thế giới văn minh. Người dân làm lụng không lúc nào ngơi tay mà vẫn không đủ ăn vì đất quá cằn cỗi. Sống trong cảnh thiếu thốn, bác Ninx và vợ cùng ba con vẫn hạnh phúc vì biết yêu thương đùm bọc nhau. Bác bỏ một năm trời ra làm cật lực để xây một cái lò nấu nhựa thông. Cả gia đình hý hửng phen này hẳn là cuộc sống sẽ ấm no. Ai ngờ có một tên lưu manh trong xã thường gọi là “con cáo” ghen ghét, tìm cách phá đổ cái lò. “Con cáo” bị kẹp nát chân vì lò đổ sập. Trong khi bác Ninx tiếc công tiếc của đâm ra mất trí thì tên lưu manh cũng rất đau đớn; hắn được một cô gái cũng mất trí trông nom, nhưng cuối cùng hắn tắt thở. Dân làng vốn mộ đạo rất hoang mang không hiểu ý Chúa thế nào. Nhưng rồi sau khi chôn cất tên lưu manh, cuộc sống làng xã đều đều lại trôi đi.

Tác giả phê phán quan điểm của đạo Tin Lành Luther coi con người sinh ra đã tội lỗi, ai cũng bị xét xử; Sara vạch mặt thế lực hủy hoại đạo đức giả của mầm mống chủ nghĩa tư bản, đại diện bởi một tên chuyên cho vay lãi đã nhân cơ hội mua rẻ cái lò bị phá. Cùng bối cảnh địa lý xã hội và một nguồn cảm hứng ấy, còn có một số tiểu thuyết tiếp sau Lò nấu nhựa thông: Xứ dâu miền Bắc (1955), Chim trời mưa (1958).

Những năm phẫn nộ

Thường thường Sara Lidman nói nhỏ nhẹ và đôi mắt nhìn bình thản. Nhưng khi câu chuyện đụng đến những bất công xã hội, thiếu dân chủ, thì ánh mắt chị bừng lên và giọng nói sôi nổi thiết tha. Tôi cảm thấy trong chị có một “sự bất bình thường trực“ hết sức thiêng liêng. Chị là ngọn cờ đầu và hiện thân của lý tưởng và hoài bão chính đáng của phe tả Thụy Điển đối với thế giới thứ ba.

Những năm 60 của thế kỷ XX là những “dấn thân” cao độ của Sara trong hoạt động xã hội-chính trị và trong sáng tác văn học. Những năm 60-61, chị sống ở Nam Phi, rồi sau ở Kenya và ở Tanzania. Cuộc thể nghiệm châu Phi là bước ngoặt trong nhận thức của Sara. Trong hai cuốn tiểu thuyết về châu Phi: Tôi và con trai tôi (1960), đề cập sự phân biệt chủng tộc gay gắt ở Nam Phi và phê phán thái độ ngây thơ của người Thụy Điển đối với người châu Phi da đen. Tiểu thuyết Với năm viên kim cương (1964), đặt bản thân người châu Phi vào trung tâm xã hội châu Phi và văn minh phương Tây. Giữa thập kỷ 60, Sara nổi lên là một nhân vật lãnh đạo phong trào Thụy Điển chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Lúc này, Sara đã bỏ hình thức văn học thuần túy mà sử dụng vũ khí báo chí. Sara đi thăm Bắc Việt Nam, miêu tả những cố gắng phi thường của một dân tộc để tồn tại trước sự phá hủy có hệ thống của Mỹ: Chuyện trò ở Hà Nội (1966), Bạn bè và bạn bè đang xuất hiện (1969).

Sara không quên những nỗi bất công trên đất nước mình. Trong cuốn Mỏ (1968), chị tố cáo những điều kiện lao động tồi tệ và sự bóc lột lao động ở miền Bắc Thụy Điển (Norrland) quê hương chị. Chị đưa ra công luận hình ảnh khác hẳn hình ảnh công thức về Thụy Điển, đất nước của phúc lợi toàn dân. Tác phẩm đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi, và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bãi công nổ ra ở các mỏ quặng cuối năm 1969; Sara đã chứng minh quyền lực chính trị của văn chương.

[Còn tiếp]

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-thoang-van-hoc-thuy-dien-sara-lipman-mot-tam-linh-ky-1-218509.html