Một nông dân Raglai nỗ lực thoát nghèo

Vượt qua tâm lý “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Cao Cường (sinh năm 1978) ở thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) đã biết học hỏi, nỗ lực phát triển kinh tế để từng bước ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Cường khi ông đang cắt tỉa bông sầu riêng. Mời khách vào thăm căn nhà xây khang trang từ nguồn vốn tích góp của gia đình và hỗ trợ của Nhà nước, ông Cường bày tỏ niềm vui: “Chốn an cư của cả gia đình đã hoàn thành. Gia đình tôi vừa chuyển về nhà mới trước Tết Nguyên đán năm nay. Có nhà rồi, bây giờ, gia đình tôi chỉ chuyên tâm lo làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững”.

Ông Cao Cường cắt tỉa, chăm sóc cây sầu riêng.

Ông Cao Cường cắt tỉa, chăm sóc cây sầu riêng.

Nói rồi, ông Cường đăm chiêu nhớ lại những ngày mà cái đói, cái nghèo đeo bám mãi gia đình ông. Cách nay chừng 10 năm, cuộc sống của gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào 1ha chuối; làm việc vất vả mà thu nhập bấp bênh, chỉ đủ mua gạo, mắm qua ngày chứ không có tiền để dành. “Nhiều khi tôi cứ trằn trọc mãi với suy nghĩ không lẽ cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi thấy người trong thôn bán đất mà mua được xe máy, sắm sửa áo quần, tôi cũng tính bán bớt đi 5 sào đất nhưng rồi nghĩ lại bán đất thì lấy gì mà sản xuất nên thôi”, ông Cường tâm sự.

Thoát ra khỏi tâm lý “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Cường quyết tâm phát triển kinh tế gia đình để tự vươn lên thoát nghèo, với “chìa khóa” là 1ha đất sản xuất của gia đình. Tìm hiểu đủ thứ cây trồng như: bưởi, chôm chôm, mít nghệ…, nghe nói cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế rất cao nhưng khó chăm sóc, ông Cường đã tìm gặp cán bộ xã để tìm hiểu, nghe hướng dẫn, rồi ông đăng ký các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây sầu riêng, qua đó nắm bắt thêm kiến thức trồng loại cây đặc sản này. Đến năm 2019, gia đình ông Cường đã mạnh dạn chuyển đổi trước 0,6ha đất trồng chuối sang trồng 120 cây sầu riêng. Năm nay, cây sẽ bắt đầu cho thu hoạch, khi ấy thu nhập của gia đình ông sẽ cao và ổn định hơn so với thời điểm hiện nay.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cường bộc bạch: “Trồng sầu riêng phải đến năm thứ 4, thứ 5 mới bắt đầu cho thu hoạch, vì vậy, tôi bàn với vợ cố gắng chăm 0,4ha chuối, rồi chăn nuôi bò để có đồng ra, đồng vào. Đến nay, đàn bò đã có 20 con. Đến khi sầu riêng có thu nhập ổn định thì chuyển đổi 0,4ha chuối còn lại sang trồng tiếp sầu riêng. Nhờ chăn nuôi, trồng trọt mà gia đình tôi thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn rất nhiều”.

Ông Cao Cường chăm sóc đàn bò của gia đình.

Ông Cao Cường chăm sóc đàn bò của gia đình.

Cũng từ kinh nghiệm ấy, ông Cường đã tích cực vận động nhiều hộ dân xung quanh giữ lại đất sản xuất; tận tình hướng dẫn người dân trong thôn, nhất là chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi, chăm sóc cây trồng, vật nuôi với các thanh niên địa phương mới lập gia đình… Đã có 10 gia đình trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai ở cùng thôn, nhờ ông Cường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hướng dẫn cách thức làm ăn mà nay cuộc sống đã khấm khá hơn...

Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, ở xã Thành Sơn đã xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ tâm lý “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ của Nhà nước để nỗ lực phấn đấu, hăng hái thi đua lao động sản xuất, từ đó tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ông VŨ QUANG LÃM - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn: Ông Cao Cường luôn tiên phong trong các hoạt động của thôn, xã, nhất là thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Tấm gương ham học hỏi, tích cực lao động sản xuất của ông Cường đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương noi theo, từ đó chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/mot-nong-dan-raglai-no-luc-thoat-ngheo-4356a39/