Một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn

Giữa buổi sáng mênh mang nắng gió một ngày cuối tháng Tư lịch sử, PV Báo CAND tìm về thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) - nơi có Di tích Khảo cổ Quốc gia Thành An Thổ và cũng là nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời cách đây 120 năm (1/5/1904-1/5/2024).

Thành An Thổ tọa lạc ở thôn An Thổ, thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, được xây dựng năm 1832 và đã hoàn thành vào năm 1836. Thời bấy giờ, nơi đây là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên dâng hương kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú tại Khu di tích quốc gia Thành An Thổ.

Năm 1901, ông Trần Văn Phổ, quê quán xã Việt Yên - nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) được triều đình Huế cử vào phủ Tuy An (Phú Yên) làm giáo thụ, nên đưa vợ là bà Hoàng Thị Cát cùng 6 người con vào sinh sống ở Thành An Thổ và cũng là phủ đường Tuy An. Tại nơi này, một ngôi sao sáng của bầu trời cách mạng Việt Nam là đồng chí Trần Phú chào đời vào ngày 1/5/1904. Đến năm 1907, ông Trần Văn Phổ được triều đình Huế bổ nhiệm làm tri huyện Đức Phổ nên đưa gia đình về nơi này.

Khi cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng diễn ra ở Trung Kỳ diễn ra từ năm 1906-1909, ông Trần Văn Phổ bày tỏ thái độ phản kháng quyết liệt trước sự đàn áp của thực dân Pháp bằng hành động tuẫn tiết tại huyện đường Đức Phổ sáng 19/4/1908. Hai năm sau đó, bà Hoàng Thị Cát cũng qua đời vì lâm bệnh nặng. Dù mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi nhưng Trần Phú được người thân chăm nuôi, tạo điều kiện học tập và đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại trường Quốc học Huế, được bổ làm Giáo học trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Được gần gũi với người lao động, trí thức yêu nước, lại được đọc báo "Người cùng khổ" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú đã sớm giác ngộ cách mạng…

Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Luận cương Chính trị được thông qua, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do khủng bố ráo riết của giặc Pháp, ngày 18/4/1931 đồng chí Trần Phú bị địch bắt, tra tấn cực hình nên kiệt sức và đã trút hơi thở cuối cùng sáng ngày 6/9/1931, khi mới ở tuổi 27. Tổng Bí thư Trần Phú mất đi nhưng câu nói bất hủ "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!" vẫn luôn là lời nhắn gửi về ý chí cách mạng kiên cường cho các thế hệ những người Cộng sản nối tiếp.

Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên bày tỏ, đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cộng sản mẫu mực, kiên trung, bất khuất đã hiến dâng trọn đời mình cho độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Nếu xã Tùng Ảnh tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, thì mảnh đất địa linh nhân kiệt xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) tự hào là nơi sinh của đồng chí Trần Phú. Noi gương đồng chí Trần Phú và các bậc tiền bối, từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, vượt qua khó khăn thử thách, nỗ lực làm nên những thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2005, Bộ VHTT trước đây quyết định xếp hạng di tích khảo cổ Thành An Thổ là di tích cấp Quốc gia. Nơi sinh của Tổng Bí thư Trần Phú cũng là nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của chí sĩ Lê Thành Phương ở Phú Yên. Di tích Thành An Thổ được tu bổ, tôn tạo vào năm 2011, lưu giữ những dấu tích xưa của thành An Thổ, trưng bày các hiện vật phát hiện sau cuộc khai quật khảo cổ năm 2008. Bên trong Nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú có nhiều hình ảnh, hiện vật về gia đình và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú ở tầng hai, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú.

UBND huyện Tuy An đảm trách quản lý Di tích Thành An Thổ, nhưng Sở VHTT&DL tỉnh Phú Yên vẫn phối hợp phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích này, đồng thời kết nối địa chỉ đỏ Khu di tích Thành An Thổ với danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, địa đạo Gò Thì Thùng và những cảnh quan, di tích Hòn Yên, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng, cầu gỗ Ông Cọp… để tạo thành chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng thu hút du khách trải nghiệm, tìm hiểu về "Miền di sản Tuy An".

Ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Tuy An chia sẻ: "Đến Khu di tích quốc gia Thành An Thổ, mỗi người dân địa phương và du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu giá trị lịch sử, mà còn vinh dự và tự hào về tinh thần yêu nước, kiên trung, bất khuất của các thế hệ cha anh. Trong đó có cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nơi đây thật sự là một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau".

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/mot-dia-chi-do-trong-hanh-trinh-ve-nguon-i729762/