Mô hình dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết các dân tộc thiểu số, năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng là trường học đầu tiên thành lập “Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh các dân tộc: Mông, Dao, Tày.

“Tiết học” tiếng Mông của nhóm học sinh “Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh dân tộc thiểu số diễn ra sôi nổi với hơn 30 thành viên. Tráng Tiến Dũng, lớp 10A là “giáo viên” đứng lớp, tâm sự: Khi nhà trường thành lập “Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh dân tộc thiểu số, em quyết định đăng ký tham gia. 1 tuần 1 lần, em cùng các bạn trong câu lạc bộ sẽ bàn chủ đề cho buổi sinh hoạt định kỳ, như giao tiếp cơ bản, vật dụng trong gia đình, một số hoạt động hằng ngày… với “giáo trình” tự biên soạn qua tìm hiểu từ thực tế kết hợp với sưu tầm và tham khảo thêm trên internet. Chúng em còn dạy nhau hát các bài hát truyền thống của dân tộc mình.

Hiện nay, học sinh rất ít khi sử dụng tiếng của dân tộc mình để giao tiếp, hoặc chỉ nói được vài câu đơn giản. Bản thân em cũng chỉ giao tiếp tiếng Mông khi ở với gia đình.

Tráng Tiến Dũng, học sinh lớp 10A

Giàng Thị Hà, lớp 11A, thành viên câu lạc bộ cho biết: Em rất vui khi được tham gia học tiếng Mông cùng các bạn. Sau những buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ, chúng em thường xuyên giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, trau dồi, học hỏi lẫn nhau, làm phong phú hơn vốn từ của mình. Về nhà, em cũng chăm chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với các thành viên trong gia đình.

Cùng với nhóm học tiếng Mông, lớp học tiếng Tày cũng thu hút đông thành viên. Phạm Duy Khương, lớp 11B cho biết: Trước mỗi buổi lên lớp, em dành thời gian tìm hiểu chủ đề và các từ vựng mới. Trong buổi học, em và các bạn cùng trao đổi, từ đó tạo môi trường giao tiếp, sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn. Không chỉ dạy tiếng nói, chữ viết, câu lạc bộ còn lồng ghép dạy những làn điệu dân ca Tày, đàn tính, điệu then...

Chia sẻ về “Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh dân tộc thiểu số, cô giáo Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng cho biết: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc đang bị mai một, thế hệ trẻ phần đông không thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Việc thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ rất cần thiết tại trường dân tộc nội trú. Sau 1 năm thành lập, câu lạc bộ đã nhận được sự hưởng ứng của đông học sinh, sự ủng hộ của phụ huynh.

“Chúng tôi đang chuẩn bị sơ kết hoạt động của Câu lạc bộ giai đoạn 1 để có những đánh giá cụ thế về hiệu quả, chất lượng cũng như những nội dung cần bổ sung… Thời gian tới, khi triển khai giai đoạn 2 chúng tôi sẽ tập trung vào tăng cường luyện câu, đoạn văn và giao tiếp bằng ngôn ngữ nói”, cô giáo Lan nhấn mạnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mo-hinh-day-tieng-me-de-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-post381998.html